✴️ Sự khác biệt giữa huyết khối và thuyên tắc là gì?

Sự khác nhau

Huyết khối xảy ra khi một cục máu đông phát triển trong mạch máu, có thể làm giảm dòng chảy của máu.

Thuyên tắc là bất kỳ vật chất lạ nào di chuyển trong cơ thể bị kẹt và ngăn cản nghiêm trọng dòng chảy của máu.

Những tác nhân có thể làm tắc mạch là:

  • Khí
  • Mỡ
  • Cục máu đông
  • Bất kỳ vật lạ khác

Bất kỳ sự tắc nghẽn nào trong tĩnh mạch hoặc động mạch đều có thể gây ra các biến chứng đe dọa tính mạng. Một cách các bác sĩ dùng để phân loại các tắc nghẽn này là dựa vào nơi chúng xảy ra.

Ví dụ, một trong những loại thuyên tắc phổ biến nhất là thuyên tắc phổi, xảy ra khi một khối thuyên tắc lọt vào mạch máu của phổi, làm gián đoạn dòng lưu thông máu.

Giống như bất kỳ sự tắc nghẽn nào cản trở lưu lượng máu đến tim, thuyên tắc phổi có thể dẫn đến đột quỵ hoặc nhồi máu cơ tim.

Triệu chứng

Các triệu chứng của huyết khối và thuyên tắc có thể khác nhau tùy thuộc vào vị trí và loại tắc nghẽn.

Huyết khối tĩnh mạch sâu (DVT)

Bệnh lý này liên quan đến huyết khối trong các tĩnh mạch sâu, có thể trở thành thuyên tắc phổi nếu cục máu đông di chuyển đến phổi. DVT thường ảnh hưởng đến vùng chậu và chân.

Các triệu chứng của DVT có thể bao gồm:

  • Sưng
  • Đau
  • Nhạy cảm đau
  • Tĩnh mạch xoắn, sưng
  • Đỏ da
  • Tĩnh mạch dày, chắc

Thuyên tắc phổi

Thuyên tắc phổi xảy ra khi cục máu đông hoặc vật lạ mắc kẹt trong các mạch máu của phổi, làm gián đoạn dòng máu nuôi. Đây là một trường hợp cấp cứu khẩn cấp. Một số triệu chứng là:

  • Đau ngực
  • Choáng váng
  • Khó thở
  • Ho ra máu
  • Chóng mặt
  • Ngất xỉu

Bệnh nhân có thể có các triệu chứng đột quỵ như tê yếu, hoặc các triệu chứng nhồi máu cơ tim như đau ngực dữ dội và buồn nôn.

Huyết khối động mạch

Huyết khối động mạch làm tắc nghẽn động mạch, nơi mang máu đi từ tim đến nuôi các cơ quan. Ngược lại, tĩnh mạch lại mang máu về tim.

Triệu chứng của huyết khối động mạch tương tự như triệu chứng của tắc nghẽn trong tĩnh mạch. Một số triệu chứng như:

  • Đau chân
  • Phù chân hoặc tay
  • Đau ngực
  • Tê hoặc yếu ở một bên của cơ thể

Huyết khối so sánh với thuyên tắc và phình mạch

Phình động mạch xảy ra khi thành động mạch suy yếu, có thể biến dạng căng phình, xoắn hoặc yếu đi, vỡ và chảy máu.

Nếu tình trạng chảy máu xảy ra, đặc biệt là khi động mạch não hoặc động mạch chính vỡ, bệnh phình động mạch có thể gây tử vong. Tuy nhiên, không phải tất cả bệnh phình động mạch đều có triệu chứng hoặc cần điều trị.

Sự khác biệt chính giữa phình động mạch và thuyên tắc hoặc huyết khối là hai loại sau liên quan đến tắc nghẽn, trong khi phình động mạch liên quan đến tổn thương thành động mạch.

Phình mạch có thể do huyết áp cao hoặc hút thuốc lá, hoặc có thể có sẵn từ khi sinh ra.

Nguyên nhân

Khi thành mạch máu bị tổn thương, cục máu đông được hình thành để bảo vệ và ngăn chảy máu.

Sau khi vết thương lành, cục máu đông sẽ biến mất. Nếu điều này không xảy ra, cục máu đông có thể vỡ ra và tạo thành tắc nghẽn.

Trong các trường hợp khác, cục máu đông hình thành một cách ngẫu nhiên.

Yếu tố nguy cơ

Huyết khối tĩnh mạch sâu là bệnh lý phổ biến nhất liên quan đến cục máu đông và những yếu tố sau có thể làm tăng nguy cơ phát triển bệnh này:

  • Chấn thương: Chấn thương nghiêm trọng ở các mạch máu sâu có thể khiến hình thành cục máu đông. Ví dụ, một người có thể có nguy cơ cao hơn sau khi bị gãy xương hoặc bị tai nạn.
  • Mang thai: Phụ nữ mang thai rất dễ bị rối loạn đông máu. Thuyên tắc ối là một cấp cứu sản khoa hiếm khi xảy ra nhưng đe doạ tính mạng nghiêm trọng người mẹ và thai nhi.
  • Ngồi hoặc nằm lâu: Những người ít vận động trong thời gian dài có nguy cơ cao bị tắc mạch hoặc cục máu đông, trong đó có những người cần nghỉ ngơi trên giường, chẳng hạn như sau khi phẫu thuật.
  • Sức khỏe tim mạch: Các yếu tố nguy cơ mắc bệnh tim mạch như cao huyết áp, lớn tuổi, hút thuốc và béo phì, cũng có thể làm tăng nguy cơ hình thành cục máu đông.
  • Tiền sử: Những người có người thân trong gia đình mắc bệnh thì cũng có nguy cơ cao hơn.
  • Bệnh lý nền nặng: Những người bị bệnh phổi, bệnh tim, một số bệnh thận và ung thư có thể có nguy cơ cao bị cục máu đông.

Yếu tố nguy cơ thuyên tắc mạch

Một số yếu tố nguy cơ gây thuyên tắc mạch bao gồm:

  • Bóng khí trong tĩnh mạch: Tiêm không khí vào mạch máu có thể gây tắc mạch.
  • Mang thai: Khi mang thai, nước ối có thể đi vào mạch máu của người mẹ, gây ra thuyên tắc nước ối. Tình trạng này rất hiếm khi xảy ra.
  • Vật lạ trong cơ thể: Bất kỳ vật thể lạ nào, như mảnh xương gãy hoặc hỏa khí đều có thể xâm nhập vào mạch máu và gây tắc nghẽn.
  • Nhiễm trùng: Một số bệnh nhiễm trùng có thể khiến vi khuẩn và các mầm bệnh có hại khác xâm nhập và gây tắc nghẽn mạch máu.

Chẩn đoán

Bác sĩ có thể yêu cầu xét nghiệm dựa trên bệnh sử, tuỳ vào vị trí nghi ngờ tắc nghẽn và các triệu chứng cụ thể. Một số loại xét nghiệm là:

  • Xét nghiệm máu
  • Chẩn đoán hình ảnh, ví dụ như chụp MRI hoặc siêu âm
  • Chụp động mạch phổi, là kỹ thuật sử dụng thuốc cản quang và thiết bị đặc biệt để khảo sát lưu lượng máu trong động mạch phổi

Điều trị

Điều trị huyết khối thường bao gồm thuốc chống đông máu. Ngoài ra, bác sĩ có thể phẫu thuật loại bỏ cục máu đông, đặc biệt nếu cục máu đông rất lớn hoặc không đáp ứng với thuốc.

Điều trị thuyên tắc phụ thuộc vào loại tắc nghẽn và vị trí của nó. Nếu có liên quan đến cục máu đông, bác sĩ có thể đề nghị dùng thuốc chống đông. Thuốc này thường dùng trong các trường hợp thuyên tắc phổi, trừ khi khối thuyên tắc rất lớn.

Biến chứng

Thuyên tắc và huyết khối có thể làm tắc nghẽn các mạch máu quan trọng và làm tổn thương các cơ quan tại đó.

Một số biến chứng tiềm ẩn có thể bao gồm:

  • Suy tạng
  • Nhồi máu cơ tim
  • Đột quỵ

Phòng ngừa

Không phải tất cả các cục máu đông và thuyên tắc mạch đều có thể phòng tránh được, nhưng các việc làm sau có thể làm giảm nguy cơ:

  • Khám tiền sản: Một số yếu tố nguy cơ, bao gồm các bệnh lý tim mạch khi mang thai, có thể làm tăng khả năng xuất hiện cục máu đông hay thuyên tắc ối.
  • Lối sống lành mạnh cho tim: Béo phì, hút thuốc và không có chế độ ăn tốt cho tim mạch có thể làm tăng nguy cơ hình thành cục máu đông.
  • Trở nên năng động hơn: Cố gắng tránh ngồi hoặc nằm lâu. Nghỉ giải lao sau thời gian dài ngồi làm việc. Những tài xế lái xe nên dừng lại thường xuyên để duỗi tay chân.

Bất kỳ ai nghi ngờ mình có cục máu đông nên đi khám ngay lập tức để ngăn ngừa các biến chứng đe dọa tính mạng.

Tóm lại

Huyết khối là sự hình thành cục máu đông làm giảm lưu lượng máu.

Khối thuyên tắc là bất kỳ vật lạ nào di chuyển theo dòng máu. Thuyên tắc xảy ra khi một khối thuyên tắc làm tắc nghẽn nghiêm trọng dòng chảy của máu.

Bạn không thể phân biệt chúng nếu chỉ dựa trên các triệu chứng. Hãy đến các cơ sở y tế ngay lập tức nếu có một trong những vấn đề sức khỏe này, nói cho bác sĩ biết về bất kỳ yếu tố nguy cơ nào gây ra cục máu đông hoặc các bệnh lý tim mạch khác.

 

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top