✴️ Tỉ lệ Albumin / Globulin (A/G) là gì?

Nội dung

Tỷ lệ Albumin/Globulin trong xét nghiệm được dùng để đánh giá hoạt động của chức năng gan. Một số bệnh lý sẽ tác động làm thay đổi Albumin hoặc Globulin, do vậy tỷ lệ của hai chỉ số này phản ánh tình trạng và chức năng của gan.

1. Tỷ lệ Albumin/Globulin là gì?

Protein trong máu gồm có 2 thành phần chính đó là albumin và globulin. Protein có vai trò rất quan trọng trong việc cấu thành nên các tế bào và mô, điều hòa hoạt động của cơ thể với vai trò là các hormone và enzyme. Xét nghiệm protein toàn phần thực hiện bằng cách đo lượng albumin và globulin trong huyết thanh của máu. Tỷ lệ albumin/globulin trong xét nghiệm protein toàn phần là tỷ lệ nồng độ của 2 loại protein Albumin và Globulin thu được bằng cách đo trực tiếp nồng độ có trong máu.

Protein albumin có trọng lượng phân tử nhỏ gồm nhiều acid amin, chứa khoảng một nửa tổng số protein được tìm thấy trong máu. Albumin được tổng hợp chủ yếu tại gan và đảm bảo các chức năng sống của cơ thể như:

Thực hiện chức năng trong quá trình duy trì áp lực keo trong huyết tương.

Đảm bảo sự vận chuyển nhiều chất như acid béo, bilirubin hay thuốc. Những chất này sẽ được gắn với albumin và lưu hành trong máu.

Protein globulin là những phân tử khác nhau về trọng lượng, kích thước và chức năng. Trong cơ thể có 3 loại globulin chính đó là: alpha globulin, beta globulin và gamma globulin. Trong đó, các alpha và beta globulin được tổng hợp ở gan. Gamma Globulin hay còn được gọi là globulin miễn dịch do các tế bào bạch cầu lympho B sản xuất khi có sự đáp ứng với kích thích của các kháng nguyên. Chức năng của các protein globulin bao gồm:

Tham gia duy trì cân bằng acid-base

Tham gia đáp ứng các phản ứng viêm của cơ thể

Sản xuất ra các kháng thể nhằm thực hiện chức năng bảo vệ cơ thể

Tham gia vào quá trình tiêu fibrin và điều hòa đông máu

 

2. Ý nghĩa của tỷ lệ Albumin/Globulin trong xét nghiệm

Tỷ lệ Albumin/Globulin trong xét nghiệm protein toàn phần sẽ giúp đánh giá được tình trạng sức khỏe chung của bệnh nhân, và chỉ số này có thể gợi ý đến các bệnh lý có liên quan tới gan, thận và đánh giá chức năng gan. Tỷ lệ Albumin/Globulin ở người bệnh thường sẽ trong khoảng 1-1,5. Tuy nhiên, nồng độ Albumin, Globulin cũng như tỷ lệ A/G sẽ thay đổi phụ thuộc và từng bệnh mắc phải. Dựa vào tỷ lệ Albumin/Globulin để bác sĩ tìm ra nguyên nhân gây bệnh.

Một số yếu tố có thể làm ảnh hưởng tới kết quả xét nghiệm bao gồm:

  • Trong quá trình lấy máu xét nghiệm thời gian buộc garo quá lâu có thể làm tăng albumin.
  • Chế độ dinh dưỡng có nhiều protein
  • Bệnh nhân có sử dụng một số loại thuốc làm giảm protein, ví dụ như: estrogen, thuốc tránh thai,...
  • Khi kết quả xét nghiệm cho ra tỷ lệ Albumin/Globulin tăng hoặc giảm có thể gợi ý một số bệnh lý. Cụ thể:

Tỷ lệ Albumin/Globulin giảm phản ánh tình trạng tăng sản xuất Globulin và giảm sản xuất Albumin, thường gặp trong một số bệnh lý sau:

  • Bệnh lý tại gan như: xơ gan, viêm gan,...
  • Đa u tủy xương
  • Các bệnh lý tự miễn
  • Viêm loét dạ dày tá tràng
  • Bệnh lý về thận: hội chứng thận hư,...
  • Tỷ lệ Albumin/Globulin tăng phản ánh tình trạng Globulin miễn dịch không được sản xuất đủ, thường gặp ở một số bệnh lý sau:
  • Bệnh u lympho, lơ-xê-mi.
  • Ung thư tủy xương
  • Không có Globulin máu
  • Giảm gamma globulin máu
  • Tình trạng nhịn ăn, đói.

 

3. Khi nào cần xét nghiệm tỷ lệ Albumin/Globulin?

Xét nghiệm protein toàn phần được thực hiện trong các đợt khám sức khỏe định kỳ. Xét nghiệm này cũng được thực hiện nhằm phản ánh tình trạng dinh dưỡng của cơ thể hoặc để chẩn đoán các bệnh lý liên quan đến thận, gan và các bệnh lý đường tiêu hóa,... Bên cạnh đó, khi cảm thấy cơ thể có những biểu hiện triệu chứng bất thường, người bệnh cũng cần sớm đi kiểm tra sức khỏe. Một số triệu chứng bất thường bao gồm:

  • Cảm thấy ăn không ngon
  • Sút cân đột ngột
  • Mệt mỏi
  • Buồn nôn và nôn
  • Ăn uống khó tiêu hóa
  • Có biểu hiện thiếu dinh dưỡng
  • Phù chân, tay, mặt,...

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top