✴️ Co giật mí mắt

Nội dung

1. Nguyên nhân

Đôi khi xung động điện trong não khiến các tế bào thần kinh phát tín hiệu đến các cơ gây ra sự co thắt. Những cơn co thắt này không phải do bất kỳ những kích thích bên trong hoặc bên ngoài nào và chúng không kéo dài gây ra các cơn co giật mí mắt. Nếu co giật mí mắt kéo dài khoảng vài phút đến vài ngày, nguyên nhân có thể là do cơ bị kích thích quá mức hoặc mệt mỏi do:

  • Sử dụng quá nhiều caffeine
  • Rối loạn giấc ngủ hoặc thiếu ngủ
  • Căng thẳng
  • Khô mắt

Cải thiện giấc ngủ, uống ít cà phê hoặc sử dụng nước nhỏ mắt bôi trơn thường có thể giải quyết tình trạng co giật mí mắt đơn thuần mà không cần chăm sóc y tế.

Nếu tình trạng này kéo dài, chúng ta nên đến gặp bác sĩ chuyên khoa mắt vì đó có thể là một tình trạng nghiêm trọng hơn cần được điều trị.

2. Bệnh lý liên quan

Các dạng co giật mí mắt phổ biến nhất là co giật mí mắt lành tính (benign essential blepharospasm) và co giật nửa mặt (hemifacial spasm).

Co giật mí mắt lành tính là một rối loạn thần kinh hiếm gặp, nó gây ra co thắt và co thắt cơ xung quanh mắt. Nó có thể bắt đầu xuất hiện tương tự như co giật mi mắt đơn thuần nhưng có thể diễn tiến xấu đi nếu không được điều trị. Trong một số trường hợp, co thắt nghiêm trọng đến mức khiến mí mắt bị đóng chặt trong nhiều giờ. Các nhà khoa học vẫn chưa biết được chính xác nguyên nhân gây nên tình trạng này, nhiều chuyên gia cho rằng đó là sự kết hợp giữa yếu tố môi trường và di truyền. Một giả thuyết cho rằng các yếu tố này gây ảnh hưởng đến chức năng của hạch nền não. Hạch nền tham gia vào việc điều chỉnh chức năng vận động, đóng một vai trò quan trọng trong việc ức chế các chuyển động bất thường. Theo Tổ chức Quốc gia các rối loạn hiếm gặp của Mỹ, co giật mí mắt lành tính có một số triệu chứng sớm giúp phân biệt với co giật mi mắt đơn thuần như:

  • Xảy ra ở cả hai mắt
  • Chớp mắt thường xuyên
  • Các cơ khác ở vùng mặt bị co thắt
  • Mắt trở nên khó chịu trong ánh sáng chói và các tình huống căng thẳng
  • Co thắt thường kéo dài trong một giờ

Co giật nửa mặt ban đầu có thể bị nhầm lẫn với chứng co giật mi mắt đơn thuần vì tình trạng này thường bắt đầu tại các cơ xung quanh mắt. Tuy nhiên, về sau, nó sẽ ảnh hưởng lên các cơ khác trên cùng một bên mặt khiến cơ hàm, miệng, má và cổ bị co thắt lại. Co giật nửa mặt cũng là một tình trạng hiếm gặp nhưng không phải do rối loạn chức năng của các cấu trúc não bên trong. Các nhà khoa học cho rằng, nó là kết quả của sự kích thích dây thần kinh mặt. Sự kích thích này có thể xảy ra khi mạch máu lân cận chèn ép dây thần kình. Một số điểm khác biệt giúp chúng ta phân biệt giữa co giật nửa mặt với co giật mí mắt lành tính và co giật mi mắt đơn thuần như:

  • Thường sẽ ảnh hưởng đến một bên mắt
  • Co mặt có thể bị yếu đi giữa các cơn co giật
  • Cường độ co giật thường nhất định
  • Một số người sẽ nghe thấy tiếng click trong tai ở phía mặt bị co giật
  • Có thể kéo dài từ vài ngày đến vài tháng

3. Chẩn đoán phân biệt

Các rối loạn vận động khác có chung đặc điểm với co giật mí mắt lành tính và co giật nửa mặt bao gồm:

  • Bell’s Palsy: gây tê liệt tạm thời một bên mặt do viêm hoặc chấn thương các dây thần kinh mặt. Hầu hết các nhà khoa học cho rằng nguyên nhân do nhiễm virus.
  • Hội chứng Meige: một chứng rối loạn thần kinh hiếm gặp liên quan đến sự co thắt đồng thời ở má, miệng, lưỡi và cổ.
  • Rối loạn vận động chậm: một rối loạn vận động đặc trưng bởi các cử động không chủ ý của lưỡi, miệng hoặc môi, cũng như tăng tốc độ chớp mắt. Hầu hết các trường hợp xảy ra do tác dụng phụ của việc sử dụng thuốc chống loạn thần lâu dài.

Những bệnh nhân thoái hóa thần kinh, chẳng hạn như bệnh đa xơ cứng hoặc bệnh Parkinson cũng có thể bị co thắt mí mắt. Tuy nhiên, khi xuất hiện một trong những rối loạn này thì cũng sẽ đi kèm với các triệu chứng khác, chẳng hạn như rối loạn nhận thức, run hoặc khó khăn trong vận động.

Hội chứng Tourette cũng có thể liên quan đến tình trạng co giật mí mắt lặp đi lặp lại, có khả năng sẽ đi kèm với ít nhất một rối loạn máy giật về vận động hay phát âm.

Trong một số trường hợp, co giật mí mắt là do chấn thương thực thể hoặc kích ứng đối với mắt chứ không phải do kích thích thần kinh hoặc rối loạn chức năng thần kinh. Một số ví dụ điển hình như:

  • Giác mạc bị trầy xước
  • Lông mi mọc ngược vào trong
  • Mí mắt bị viêm (viêm bờ mi)
  • Mí mắt gấp vào trong (quặm)

4. Chẩn đoán và điều trị

Việc chẩn đoán và điều trị phải dựa vào bác sĩ chuyên khoa.

Co giật mí mắt lành tính

Không có một xét nghiệm cụ thể nào có thể giúp chẩn đoán co giật mí mắt lành tính, do đó việc gặp bác sĩ chuyên khoa mắt là việc rất cần thiết.

Bác sĩ mắt sẽ đánh giá lâm sàng kỹ lưỡng đồng thời tìm hiểu về tiền sử bệnh lý của bệnh nhân về co giật mí mắt. Nếu được chẩn đoán co giật mí mắt lành tính, sẽ có một số phương pháp điều trị như:

  • Tiêm botox: được coi là hình thức điều trị tốt nhất. Thuốc giúp làm giãn các cơ kiểm soát mí mắt, giúp giảm co thắt. Tác dụng của Botox thường kéo dài trong khoảng 3 tháng vì vậy phải lặp lại việc điều trị.
  • Thuốc uống: nếu tiêm Botox không làm giảm các triệu chứng, các thuốc khác có thể được kê đơn để giúp ức chế các tín hiệu vận động quá mức từ não.
  • Phẫu thuật: có thể cần thiết nếu không có phương pháp điều trị hiệu quả nào khác. Theo Tổ chức nghiên cứu co giật mí mắt lành tính, phương pháp phẫu thuật hiệu quả nhất là phẫu thuật cắt bỏ cơ. Thủ thuật này bao gồm việc loại bỏ một số hoặc tất cả các cơ liên quan đến quá trình đóng mí mắt. Lựa chọn này là giải pháp cuối cùng và các bác sĩ sẽ chỉ phẫu thuật nếu bệnh gây mất chức năng thị lực.

Một phương pháp điều trị khác đang được nghiên cứu đó là kích thích não sâu. Phương pháp này sẽ cấy một điện cực vào não để giúp điều chỉnh các rối loạn chức năng tại vùng vận động. Các nghiên cứu đã cho thấy nó có thể điều trị co giật mí mắt lành tính.

Co giật nửa mặt

Co giật nửa mặt không thể được chẩn đoán chỉ dựa vào một xét nghiệm đơn thuần mà cần có sự kết hợp của nhiều chuyên khoa. Việc điều trị tình trạng này cũng tương tự như co giật mí mắt lành tính. Hai phương pháp điều trị phổ biến đó là:

  • Tiêm botox: là phương pháp điều trị phổ biến nhất đối với chứng co giật nửa mặt.
  • Phẫu thuật: phương pháp hiệu quả nhất là giải nén vi mạch. Trong quy trình này, một miếng xốp nhỏ được cấy dọc theo dây thần kinh mặt để ngăn cho các mạch máu không chèn ép lên dây thần kinh.

Các chấn thương thực thể hoặc kích ứng đối với mí mắt hoặc mắt thường không nghiêm trọng. Việc điều trị có thể bao gồm thuốc mỡ kháng sinh và steroid để giảm viêm hoặc thủ thuật nhỏ để điều chỉnh nếp gấp mí mắt.

Lưu ý

Chúng ta cần chú ý khi tình trạng co giật mí mắt kéo dài hơn 1 tuần. Co giật mí mắt đơn thuần hiếm khi là dấu hiệu của bất kỳ rối loạn thần kinh nghiêm trọng nào và thường tự khỏi. Trong những trường hợp hiếm như co giật nửa mặt hoặc co giật mí mắt lành tính, điều quan trọng cần lưu ý rằng các tình trạng này không gây nguy hiểm đến tính mạng và có thể được điều trị dễ dàng.

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top