✴️ Song thị

Nội dung

Nguyên nhân nào gây ra tình trạng song thị?

Tổn thương dây thần kinh hay cơ trong mắt có thể dẫn tới song thị. Mỗi mắt tạo ra hình ảnh riêng về thế giới bên ngoài. Não bộ sẽ kết nối “thông tin” từ 2 mắt và lĩnh hội chúng thành một bức tranh rõ ràng.

Sự tổn thương cơ vận động của mắt hay các dây thần kinh khiến chuyển động của mắt có thể tạo ra hình ảnh đôi. Hai mắt phải hoạt động phối hợp để tạo ra chiều sâu của trường ảnh.

Một số bệnh có thể làm suy yếu các cơ vận động của mắt và tạo hình ảnh đôi.

a. Nguyên nhân của song thị hai mắt

Nguyên nhân phổ biến của song thị hai mắt là do lé hay lác mắt. Tình trạng xảy ra khi mắt không căn chỉnh đúng cách. Lác mắt tương đối phổ biến xảy ra ở trẻ em, tuy nhiên không phải lúc nào nó cũng gây ra song thị.

Lác mắt làm cho hai mắt nhìn hai hướng hơi khác nhau. Điều này có thể gây ra do cơ mắt bị ảnh hưởng trong những trường hợp: bị tê liệt hay yếu, hạn chế cử động mắt, cử động quá mạnh hay hoạt động quá mức hay bất thường thần kinh chi phối cơ mắt.

Đôi khi, lác mắt có thể tái diễn vào thời gian sau này đối với những người bị lác mắt khi còn nhỏ. Trong một vài trường hợp, điều trị lác mắt thực sự có thể gây ra song thị mặc dù trước điều trị thị lực người bệnh vẫn bình thường. Nguyên nhân của tình trạng này là do não bộ đã ngăn chặn những tín hiệu từ một trong hai mắt để nhằm duy trì thị lực bình thường.

Những tình trạng khác có thể gây song thị như:

  • Rối loạn chức năng tuyến giáp: Tuyến giáp nằm ở cổ và sản xuất ra một loại hormone gọi là thyroxine. Những thay đổi trong chức năng tuyến giáp có thể ảnh hưởng đến các cơ bên ngoài điều khiển mắt. Điều này bao gồm bệnh mắt Grave, trong đó mắt có thể lồi ra do mỡ và mô tích tụ phía sau mắt.
  • Đột quỵ hay cơn thiếu máu cục bộ thoáng qua (TIA): Khi bị đột quỵ, máu không đến được não do tắc nghẽn mạch máu. Điều này có thể ảnh hưởng đến các mạch máu cung cấp cho não hoặc dây thần kinh điều khiển cơ mắt và gây ra hiện tượng nhìn đôi.
  • Phình mạch: Phình mạch là chỗ phình ra trong mạch máu. Điều này có thể áp lực lên dây thần kinh của cơ mắt.
  • Thiếu khả năng hội tụ (Convergence insufficiency): Trong tình trạng này, hai mắt không hoạt động cùng nhau một cách chính xác. Nguyên nhân chưa được biết rõ nhưng nó được cho là do các cơ điều khiển mắt thực hiện không chính xác.
  • Đái tháo đường: Điều này có thể ảnh hưởng đến các mạch máu cung cấp cho võng mạc ở phía sau của mắt. Nó cũng có thể ảnh hưởng đến các dây thần kinh điều khiển chuyển động của cơ mắt.
  • Bệnh nhược cơ: Điều này có thể gây ra sự suy yếu các cơ, bao gồm cả những cơ mắt.
  • Khối u não và ung thư: Một khối u hay khối u phát triển phía sau mắt có thể cản trở chuyển động tự do hay làm hỏng dây thần kinh thị giác.
  • Bệnh đa xơ cứng: bệnh ảnh hưởng đến hệ thần kinh trung ương, bao gồm các dây thần kinh trong mắt.
  • Mắt thâm: Chấn thương có thể khiến máu và chất lỏng tích tụ quanh mắt. Điều này có thể gây áp lực lên mắt hoặc các cơ và dây thần kinh xung quanh nó.
  • Chấn thương đầu: Tổn thương vật lý đối với não, dây thần kinh, cơ hoặc hốc mắt có thể hạn chế chuyển động của mắt và các cơ mắt.

b. Nguyên nhân của song thị một mắt

Nếu song thị được ghi nhận khi một mắt được che chứ không phải mắt còn lại thì được coi là song thị một mắt. Song thị một mắt ít phổ biến hơn so với song thị hai mắt. Các tình trạng có thể gây ra song thị một mắt như:

  • Loạn thị: Giác mạc hay lớp trong suốt ở phía trước của mắt có hình dạng bất thường. Đối với loạn thị, giác mạc có hai đường cong trên bề mặt tương tự như quả bóng đá thay vì tròn hoàn hảo như quả bóng rổ.
  • Khô mắt: Mắt không tiết đủ nước mắt hay khô quá nhanh.
  • Bệnh giác mạc chóp (Keratoconus): tình trạng thoái hóa của mắt khiến giác mạc trở nên mỏng và có hình nón.
  • Bất thường võng mạc: Ví dụ: trong bệnh thoái hóa điểm vàng, trung tâm của tầm nhìn của một cá nhân từ từ biến mất và đôi khi có tình trạng sưng lên có thể gây ra nhìn đôi ở một mắt.
  • Đục thủy tinh thể: xảy ra ở hơn một nửa số người ở Hoa Kỳ trên 80 tuổi và đôi khi có thể gây ra nhìn đôi ở một mắt.

c. Nhìn đôi tạm thời

Đôi khi, song thị có thể xảy ra tạm thời trong những tình huống như nhiễm độc rượu, sử dụng benzodiazepin, opioid hoặc một số loại thuốc điều trị co giật và động kinh. Chấn thương đầu như sự chấn động cũng có thể gây ra nhìn đôi tạm thời.

Đặc biệt, khi mệt mỏi hay đôi mắt phải hoạt động quá nhiều cũng có thể dẫn tới tình trạng này. Nếu thị lực bình thường không hồi phục lại nhanh sau đó thì cần đi khám bác sĩ ngay càng sớm càng tốt.

2. Chẩn đoán

Chẩn đoán song thị có thể là một thách thức cho các bác sĩ chuyên khoa mắt vì có rất nhiều nguyên nhân có thể dẫn đến tình trạng này.

Một bài báo từ trang web Viện Nhãn khoa Hoa Kỳ của tác giả Miriam Karmel cho biết: “Bệnh nhân phàn nàn về hiện tượng nhìn đôi có thể có những vấn đề vô hại như do khô mắt hoặc cũng có thể là một tình trạng đe doạ tính mạng như khối u nội sọ. Nguyên nhân có thể hiếm gặp như bệnh não Wernicke hoặc có thể phổ biến như tình trạng thiếu khả năng hội tụ.”.

Bác sĩ chuyên khoa sẽ bắt đầu từ việc tìm hiểu xem song thị một mắt hay hai mắt. Nếu song thị một mắt điều này có nghĩa vấn đề có khả năng xảy ra tại mắt hơn là do dây thần kinh. Điều này cũng sẽ ít nghiêm trọng hơn.

Chẩn đoán ở trẻ em

Trẻ em không phải lúc nào cũng diễn đạt được những gì mà chúng thấy, vì vậy việc chẩn đoán sẽ gặp khó khăn hơn. Các triệu chứng thực thể của nhìn đôi như:

  • Nheo mắt khi nhìn
  • Lấy tay che một mắt
  • Quay đầu một cách khác thường
  • Nhìn vào các vật thể theo hướng khác thay vì nhìn trực diện
  • Đảo mắt qua lại

3. Điều trị

Điều trị song thị tuỳ thuộc vào nguyên nhân tiềm ẩn.

a. Điều trị song thị một mắt: tuỳ thuộc vào nguyên nhân

Loạn thị: giác mạc cong bất thường. Kính hiệu chỉnh hay kính áp tròng thường có thể chống lại độ cong và giúp ánh sách tập trung vào mắt.

Phẫu thuật laser là một lựa chọn khác. Phương pháp điều trị này bao gồm việc định hình lại giác mạc bằng tia laser.

Đục thủy tinh thể: phẫu thuật thường là lựa chọn tốt nhất. Quy trình phẫu thuật loại bỏ thuỷ tinh thể bị đục và nguyên nhân gây ra song thị. Các biến chứng bao gồm nhiễm trùng, đau và có thể tiếp tục nhìn mờ hoặc nhìn đôi, nhưng điều trị kịp thời thường có thể giải quyết được những biến chứng này.

Khô mắt: Nếu mắt không tiết đủ nước mắt hoặc khô quá nhanh, chúng có thể bị viêm và đau. Điều này có thể dẫn đến nhìn đôi. Thông thường, sử dụng thuốc nhỏ mắt thay thế nước mắt sẽ làm giảm các triệu chứng.

b. Điều trị song thị hai mắt: tuỳ thuộc vào nguyên nhân mà phương pháp điều trị thị lực hai mắt khác nhau như: đeo kính, các bài tập mắt, đeo kính áp tròng mờ, tiêm botulinum toxin vào cơ mắt giúp giãn cơ, đeo miếng che mắt, phẫu thuật cơ vận nhãn giúp điều chỉnh lại vị trí.

Sử dụng lăng kính được đặt giữa hai mắt tại trung tâm của khung ảnh cũng có thể giúp tập hợp được hình ảnh từ hai mắt.

Bài tập mắt: không thể điều trị nhiều tình trạng gây song thị, tuy nhiên chúng có thể giúp những trường hợp thiếu khả năng hội tụ.

Hội tụ chậm dần (Smooth convergence):

  1. Tập trung vào mục tiêu chi tiết ví dụ như 1 que mảnh hay đoạn chữ nhỏ trên tạp chí.
  2. Giữ vật ngang tầm mắt cách một sải tay.
  3. Cố gắng giữ nguyên một hình ảnh duy nhất lâu nhất có thể.
  4. Di chuyển mục tiêu về phía mũi thật chậm và ổn định.
  5. Khi nhìn hình ảnh thành hình đôi thì hai mắt đã ngưng phối hợp. Cố gắng tập trung cao độ để kết hợp hai hình ảnh thành một, khi đó tiến mục tiêu gần lại mũi hơn.
  6. Khi không thể kết hợp được hai hình ảnh thành một thì đưa tay lại về vị trí ban đầu và bắt đầu tập lại từ đầu.
  7. Khoảng cách hội tụ bình thường là cách mũi 10cm. Cố gắng giữ hình ảnh thành duy nhất ở mức 10cm.
  8. Chuyên gia chỉnh hình nhãn khoa có thể sẽ cung cấp một công cụ gọi là Thẻ chấm để hỗ trợ bước này.

Hội tụ nhảy bước (Jump convergence):

  1. Lựa chọn mục tiêu tương tự như bài tập trên
  2. Bắt đầu với mục tiêu cách mũi 20cm
  3. Cố định góc nhìn của bạn từ 5 đến 6 giây
  4. Chuyển sang nhìn một vật cố định cách khoảng 3m từ 2 đến 3 giây
  5. Chuyển tầm nhìn của bạn sang mục tiêu gần hơn
  6. Lặp lại và dần dần di chuyển mục tiêu gần hơn cho đến khi bạn có thể nhìn rõ vật thể cách 10cm mà không bị nhìn đôi

Hiệu quả của các bài tập phần lớn bị hạn chế đối với điều trị thiếu khả năng hội tụ.

Nếu các triệu chứng không được cải thiện, hãy đến gặp bác sĩ để kiểm tra thêm.

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top