✴️ Viêm kết giác mạc mùa xuân

ĐẠI CƯƠNG

Viêm kết giác mạc mùa xuân là một hình thái lâm sàng của viêm kết mạc dị ứng, gặp chủ yếu ở nam giới, tuổi thanh thiếu niên. Bệnh thường khởi phát ở trẻ em vào khoảng 4-5 tuổi, bênh tiến triển mạn tính, thường theo mùa và hay có những đợt kịch phát.

 

NGUYÊN NHÂN

Bệnh có cơ chế dị ứng rõ ràng, tuy nhiên việc xác định dị nguyên là gì còn gặp nhiều khó khăn.

Dị nguyên thường gặp: phấn hoa, bụi nhà...

Bệnh có liên quan mật thiết với sự thay đổi thời tiết lúc giao mùa (nhất là xuân hè), ánh nắng, thay đổi nội tiết và yếu tố di truyền.

 

CHẨN ĐOÁN

Lâm sàng

Triệu chứng cơ năng.

+ Ngứa là dấu hiệu điển hình của viêm mùa xuân, thường xuất hiện thành từng cơn vào những giờ nhất định (có thể vào buổi sáng khi mới ngủ dậy lúc tiếp xúc với ánh nắng hoặc buổi chiều tối).

+ Bệnh nhân có cảm giác như có dị vật trong mắt, cộm, sợ ánh sáng, chảy nước mắt, giảm thị lực. Dử mắt nhiều, có đặc điểm dính, dai và có thể kéo thành sợi.

Dấu hiệu thực thể.

Tổn thương đặc hiệu trong viêm mùa xuân:

+ Nhú viêm hình đa giác: trên diện kết mạc sụn (chủ yếu mi trên, đôi khi cũng thấy có vài nhú to trên kết mạc sụn mi dưới) có những nhú đa giác, mặt phẳng xếp sát nhau với các rãnh ngăn cách sâu, mạch máu đan thành lưới trong lòng nhú. Trường hợp tiến triển nặng, các nhú phì đại khổng lồ với tiết tố nhày mủ lấp đầy các khe giữa các nhú.

+ Viêm giác mạc chấm nông: là tổn thương thường gặp trong những đợt bệnh tiến triển cấp. Các chấm bắt màu fluorescein dày đặc và đồng đều trên khắp diện giác mạc, gây kích thích chói sáng và co quắp mi. Triệu chứng này sẽ hết đi khi đợt viêm cấp được điều trị ổn định.

+ Màng máu giác mạc: có hình thái giống lưỡi liềm màu xám, bờ sắc nét, các mạch máu đi song song hướng tâm, không nối thành quai như mạch máu mắt hột.

+ Loét giác mạc: ổ loét có màu trắng xám, đáy phẳng, sạch, bờ gọn, đặc biệt ít gây kích thích, nếu không có bội nhiễm kèm theo, do vậy nên được gọi là “loét trơ”.

Các hình thái lâm sàng.

Có 3 thể lâm sàng tùy vị trí tổn thương đặc hiệu: kết mạc sụn mi, rìa và hỗn hợp.

+ Hình thái sụn mi: cương tụ kết mạc kèm theo nhú tăng sản chủ yếu trên kết mạc sụn mi trên, hình thái nhú khác nhau tùy theo giai đoạn phát triển của bệnh.

+ Hình thái nhãn cầu: đặc trưng bởi cương tụ vùng rìa giác mạc, kết mạc vùng rìa dày lên, màu hồng xám hay vàng xám. Trong những trường hợp bệnh nặng trên nền kết mạc vùng rìa dầy xuất hiện những chấm trắng (hạt Trantas).

+ Hình thái hỗn hợp: gồm tổn thương điển hình phối hợp cả ở vùng rìa và trên kết mạc sụn mi.

Cận lâm sàng

Xét nghiệm tế bào học: chất nạo kết mạc sụn mi trên: có bạch cầu ái toan.

Xét nghiêm tìm dị nguyên.

Chẩn đoán xác định:

Lâm sàng:

+ Ngứa mắt, cộm mắt, chảy nước mắt, dử mắt dai dính.

+ Nhú viêm hình đa giác trên kết mạc sụn mi trên, viêm kết mạc vùng rìa.

Cận lâm sàng:

+ Tế bào học: có bạch cầu ái toan.

Chẩn đoán phân biệt:

Mắt hột:

+ Tổn thương đặc hiệu: hột trên kết mạc sụn mi, hột có thể ở tất cả các lứa tuổi.

+ Màng máu trên giác mạc: các mạch máu nối với nhau thành quai mạch.

Viêm kết mạc hột.

+ Viêm kết mạc hột có tổn thương đặc hiệu là: hột trên kết mạc sụn mi dưới thường cùng lứa tuổi, và hết khi điều trị viêm kết mạc ổn định.

+ Viêm kết mạc mùa xuân tổn thương đặc hiệu là: nhú viêm ở kết mạc sụn mi trên và nhú còn tồn tại trong thời gian dài dù điều trị chống viêm tích cực.

Viêm kết mạc nhú gai khổng lồ.

Thường tìm thấy nguyên nhân: kính tiếp xúc ( bị cả 2 mắt), mũi chỉ khâu trên bề mặt nhãn cầu ( thường chỉ ở 1 mắt). (Viêm kết mạc mùa xuân không thấy nguyên nhân trên mắt).

Viêm kết mạc dị ứng do cơ địa.

+ Tổn thương đặc hiệu: không có nhú viêm trên kết mạc sụn mi.

+ Thường kèm tổn thương trên da.

Viêm kết mạc dị ứng theo mùa.

+ Tổn thương đặc hiệu không có nhú viêm trên kết mạc sụn mi trên.

+ Tính chất theo mùa rõ.

 

ĐIỀU TRỊ

Nguyên tắc điều trị

Tại mắt điều trị triệu chứng là chủ yếu.

+ Chống dị ứng: kháng Histamin, ổn định dưỡng bào...

+ Chống viêm: corticoid.

+ Tăng cường dinh dưỡng cho biểu mô kết giác mạc, điều trị khô mắt phối hợp.

+ Điều trị ngoại khoa khi cần thiết.

Toàn thân:

+ Điều trị giải mẫn cảm nếu tìm được dị nguyên.

+ Nếu ngoài biểu hiện ở mắt bệnh nhân còn có các biểu hiện dị ứng ở các cơ quan khác: viêm mũi dị ứng, hen phế quản, viêm da dị ứng….cần dùng thuốc chống dị ứng toàn thân (uống hoặc tiêm), cần thiết phải phối hợp điều trị với chuyên khoa dị ứng.

Điều trị cụ thể:

Ngoài cơn kịch phát.

Tra tại chỗ.

+ Các thuốc kháng histamin và ổn định dưỡng bào như: Pemirolast K 0,1% tra mắt 3 lần/ ngày, Olopatadine hydrochlotide 0,2% tra mắt 1 lần/ ngày, Ketotifen 0,025% tra mắt 2 lần/ ngày, Epinastine HCL 0,05% tra mắt 2 lần/ ngày…cho đến khi hết triệu chứng. Có thể dùng lại khi xuất hiện bệnh.

+ Nước mắt nhân tạo như: Cacboxymethyl cellulose sodium, Polyethylene glycol 0,4% và Propylen glycol 0,3%, acid Hyaluronic tra mắt 4 lần/ ngày.

Trong cơn kịch phát.

Tra theo phác đồ như ngoài cơn kịch phát.

+ Phối hợp với thuốc tra có corticosteroid : Prednisolon acetate 1% hoặc Fluorometholon 0,1%: 4-6 lần/ ngày, tra một đợt 7-10 ngày.(khi dùng corticosteroid để điều trị cơn kịch phát phải lưu ý những tác dụng phụ của corticoid, đặc biệt là biến chứng tăng nhãn áp: phải theo dõi nhãn áp định kỳ).

+ Thuốc kháng sinh nhỏ mắt: phòng nhiễm trùng, có thể dùng 1trong các loại chỉ có kháng sinh đơn độc hoặc thuốc phối hợp cả kháng sinh và corticosteroid: 3-4 lần/ ngày.

+ Thuốc co mạch: Naphazoline HCL hoặc Naphazolin Nitrat đơn thuần 3 – 4 lần/ngày hoặc thuốc nhỏ mắt phối hợp cả thuốc co mạch và kháng histamin: Naphazoline HCL và Pheniramin maleat tra mắt 3-4 lần/ngày….dùng trong thời gian ngắn 3-5 ngày giúp làm giảm nhanh triệu chứng đỏ mắt và ngứa mắt.

 

TIẾN TRIỂN VÀ BIẾN CHỨNG.

Tiến triển.

+ Bệnh hay có những đợt kịch phát dù có điều trị liên tục.

+ Một số trường hợp bệnh có thể thuyên giảm khi bệnh nhân đến tuổi dậy thì.

Biến chứng.

+ Tổn thương giác mạc: viêm giác mạc, loét giác mạc, loét thủng giác mạc, sẹo giác mạc.

+ Biến chứng do dùng thuốc có Corticoid: tăng nhãn áp, đục thủy tinh thể.

 

PHÒNG BỆNH

Hạn chế tiếp xúc với nắng, gió.

Trong đợt kịch phát phải đến khám và điều trị tích cực.

Ngoài đợt kịch phát vẫn nên khám định kỳ.

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO

Andrea Leonardi (2010): Allergic disease of Conjunctiva and Cornea, Cornea and external eye disease, chapter 8, pp97-116.

Hoàng Minh Châu, “Viêm kết giác mạc mùa xuân”, Nhãn khoa giản yếu (Tập 1), Nhà xuất bản y học, trang 123-127.

Hoàng Minh Châu, Phạm Ngọc Đông, “Viêm kết giác mạc mùa xuân”, Nhãn khoa (Tập 2), Nhà xuất bản y học, trang 18-21.

Sunil Kumar, “ Vernal keratoconjunctivitis: a major review”, Acta Ophthalmol 2009:87:pp133-147.

Tôn Kim Thanh, Hoàng Minh Châu, Phạm Khánh Vân, Hoàng Thị Phúc, “Viêm kết mạc dị ứng”, Bài giảng nhãn khoa bán phần trước nhãn cầu, Nhà xuất bản y học, trang 73-82.

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top