Các loại vắc xin dành cho người nhiễm HIV

Nội dung

Bệnh nhân HIV nên tiêm chủng để đề phòng nhiễm trùng. Dù bạn có bắt đầu điều trị hay còn trì hoãn việc này, bác sĩ sẽ khuyên bạn tiêm chủng phòng ngừa một loạt bệnh như sởi, quai bị, uốn ván và những bệnh nhiễm virus khác, giống như khi bé bạn từng được tiêm. Những căn bệnh này có thể đe dọa tính mạng của bạn hoặc khiến hệ miễn dịch phải trả giá rất đắt. Thông thường, phải mất 6 tháng để hoàn thành những mũi tiêm này. Bạn cần cố gắng đi tiêm đúng hẹn.

3 loại vắc-xin kinh điển hay sử dụng:

- Vắc-xin bất hoạt là các vi sinh vật độc hại bị giết bằng hóa chất hoặc bằng nhiệt. Ví dụ: các vắc-xin chống cúm, dịch tả, dịch hạch, viêm gan siêu vi A… Hầu hết các vắc-xin loại này chỉ gây đáp ứng miễn dịch không hoàn toàn và ngắn hạn, cần phải tiêm nhắc nhiều lần.

- Vắc-xin sống, giảm độc lực là các vi sinh vật được nuôi cấy dưới những điều kiện đặc biệt nhằm làm giảm đặc tính độc hại của chúng. Vắc-xin điển hình loại này thường gây được đáp ứng miễn dịch dài hạn và là loại vắc-xin được ưa chuộng dành cho người lớn khỏe mạnh. Ví dụ: Các vắc-xin ngừa bệnh sốt vàng, sởi, rubellavà quai bị…

- Các “toxoid” là các hợp chất độc bị bất hoạt trích từ các vi sinh vật (trong trường hợp chính các độc chất này là phương tiện gây bệnh của vi sinh vật). Ví dụ: các vắc-xin ngừa uốn ván và bạch hầu…

Vắc-xin sống ngừa bệnh lao không phải là dòng vi khuẩn lao gây bệnh, mà là một dòng lân cận được gọi là BCG.

Một trong những tai biến xảy ra do vắc-xin là nhiễm bệnh, cụ thể là các loại vắc-xin sống, giảm độc lực có thể gây bệnh cho người bị suy giảm miễn dịch.

Người nhiễm HIV trước tiêm ngừa cần phải kiểm tra sức khỏe. Thông thường bệnh nhân được theo dõi bằng xét nghiệm máu: đếm tế bào CD4. Khi CD4 < 200 thì không nên sử dụng tiêm ngừa các loại bệnh thuộc nhóm vắc-xin sống, giảm độc lực

Các loại bệnh được đề nghị tiêm ngừa bao gồm: viêm phổi, cúm, uốn ván, bạch hầu, viêm gan siêu vi, sởi, quai bị, rubella, dịch tả, thương hàn, sốt vàng và thủy đậu ….

Như vậy, trước khi tiêm bạn cần kiểm tra CD4 và cần sự tư vấn của BS chỉ định tiêm ngừa để biết rõ vắc-xin đó thuộc loại nào có thể sử dụng được cho bạn không, bạn nhé!

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top