✴️ Cách trị ho khan ở trẻ em

Nội dung

Có nhiều nguyên nhân gây ho khan ở trẻ. Với cảm lạnh và ho thông thường có thể không phải là tình trạng nghiêm trọng, nhưng bố mẹ nên đưa trẻ đi khám nếu tình trạng ho trở nên mãn tính.

Bài viết dưới đây sẽ giúp bạn biết thêm thông tin về những tác nhân có thể gây ho khan ở trẻ em, cách điều trị và khi nào cần đi khám bác sĩ.

Nguyên nhân và cách điều trị

Điều quan trọng là cần lưu ý các triệu chứng khác đi kèm với ho. Nếu trẻ khó thở, bố mẹ nên đưa trẻ đi khám ngay lập tức.

Ho là triệu chứng do nhiều tình trạng khác nhau. Điều trị ho phụ thuộc vào nguyên nhân. Trong một số trường hợp, bố mẹ có thể giúp trẻ tránh bị ho khan bằng cách thực hiện các biện pháp phòng ngừa như tiêm vắc-xin thích hợp cho trẻ hoặc ngăn ngừa tiếp xúc với chất gây dị ứng hoặc chất kích thích.

Nếu không chắc chắn điều gì gây ra ho, nên đưa trẻ đi khám bác sĩ nhi khoa càng sớm càng tốt để được chẩn đoán chính xác.

Cảm cúm

Theo Học viện Dị ứng, Hen và Miễn dịch Hoa Kỳ, trẻ ở độ tuổi mẫu giáo có thể phát triển khoảng 8 lần nhiễm trùng đường hô hấp do virus trong một năm. Thông thường, mỗi đợt sẽ kéo dài trong 10 ngày.

Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) cho biết ho khi bị cảm lạnh có thể giúp cơ thể loại bỏ chất nhầy từ đường thở đồng thời cũng có thể bảo vệ phổi. Vì vậy nếu xác định trẻ ho do cảm lạnh thông thường, bố mẹ có thể không cần phải quá lo lắng. Nếu ho khan mà không có kèm them đờm hay chất nhầy, bố mẹ có thể cho trẻ uống nhiều nước ấm để giúp làm dịu vùng cổ họng.

Các phương pháp khác mà bố mẹ có thể áp dụng bao gồm:

  • Sử dụng máy tạo độ ẩm trong nhà;
  • Tắm và xông hơi bằng nước ấm;
  • Dùng luồng khí lạnh từ cửa sổ hoặc tủ lạnh nếu trẻ bị nghẹt mũi gây ho;
  • Bố mẹ cũng có thể thử cho trẻ ăn mật ong, nhưng chỉ dùng với trẻ từ 12 tháng tuổi trở lên.

Ho gà

Ho gà là một bệnh gây ra do vi khuẩn có thể gây tử vong ở trẻ chưa được tiêm phòng hoặc tiêm phòng không đầy đủ dưới 12 tháng tuổi.

Theo Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Hoa Kỳ (CDC), ở trẻ sơ sinh trên 12 tháng tuổi, bác sĩ có thể điều trị  ho gà bằng kháng sinh và các liệu pháp hỗ trợ.

Tuy nhiên ho gà vẫn có biến chứng nặng đe dọa tính mạng. Vắc xin là giải pháp an toàn và hiệu quả nhất hiện nay.

Hen suyễn

Hen suyễn có thể đe dọa tính mạng nếu nghiêm trọng. Bố mẹ nên đưa trẻ đến các cơ sở y tế ngay lập tức nếu các triệu chứng ở trẻ trở nên tồi tệ hơn hoặc nếu xảy ra các tình trạng sau đây:

  • Thở dốc hoặc thở rít tiến triển nặng nề hơn một cách nhanh chóng;
  • Da, móng tay nhợt nhạt, môi tím tái;
  • Trẻ thở không ra hơi;
  • Trẻ lờ đờ, nhận thức hoặc đáp ứng kém.

Trẻ bị hen suyễn nên tiêm phòng cúm hàng năm. Để điều trị hen suyễn ở trẻ em, bác sĩ có thể kê đơn thuốc để giảm nhanh các triệu chứng và giảm đau.

Thuốc được kê thường ở dạng thuốc hít. Trẻ cũng có thể sử dụng mặt nạ khí dung với sự hướng dẫn của các y bác sĩ.

          cách trị trẻ ho khan

Dị ứng

Dị ứng có thể gây ho khan ở trẻ em. Bố mẹ có thể cho trẻ sử dụng:

  • Thuốc kháng histamine không kê đơn (OTC);
  • Thuốc xịt mũi;
  • Thuốc thông mũi.

Nếu dị ứng nghiêm trọng có thể cần tiêm ngừa dị ứng. Bố mẹ cần đưa trẻ đến các cơ sở y tế gần nhất nếu trẻ có các biểu hiện như:

  • Phát ban;
  • Buồn nôn, nôn;
  • Đau bụng, tiêu chảy;
  • Khó thở;
  • Co thắt tại vùng cổ họng;
  • Ngất xỉu;
  • Tim loạn nhịp.

Chẩn đoán

Bác sĩ sẽ kiểm tra và hỏi về các triệu chứng cũng như thời gian trẻ bị ho đồng thời đánh giá cách thở của trẻ, các dấu hiệu quan trọng, kiểm tra phổi và các khu vực khác của cơ thể.

Thông thường việc kiểm tra âm thanh của trẻ ho, khám lâm sàng và các triệu chứng đi kèm có thể xác định nguyên nhân gây ho.

Trong một số trường hợp, chẳng hạn như phản ứng dị ứng, các xét nghiệm dị ứng có thể được yêu cầu để xác định nguyên nhân.

Khi nào đi khám bác sĩ

Bố mẹ nên đưa trẻ đi khám  nếu chúng bị ho kéo dài hơn 2-3 tuần hoặc có kèm các triệu chứng sau đây:

  • Sốt cao hoặc sốt ở trẻ sơ sinh;
  • Thở nhanh;
  • Khó thở;
  • Ho ra máu;
  • Có dấu hiệu mất nước;
  • Xuất hiện tiếng rít khi ho hoặc trẻ thở khò khè.

Bố mẹ cũng nên cần sự trợ giúp y tế khẩn cấp cho trẻ nếu chúng có dấu hiệu lên cơn hen nặng hoặc phản ứng dị ứng nghiêm trọng.

Tóm lược

Một số nguyên nhân gây ho khan như nhiễm trùng, dị ứng, chất gây ô nhiễm và hen suyễn. Trẻ bị ho khan, bố mẹ có thể theo dõi và điều trị ho tại nhà.

Nếu trẻ ho khan do một nguyên nhân đã được xác định, việc điều trị nguyên nhân đó sẽ giúp cắt cơn ho một cách rõ rệt. Tuy nhiên, nếu bố mẹ không biết nguyên nhân gây ho, trẻ bị sốt cao hoặc các triệu chứng khác nên đưa trẻ đi khám bác sĩ để được chẩn đoán và điều trị chính xác.

Có thể bạn quan tâm: Làm gì khi trẻ ngã u đầu?

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top