✴️ Làm gì khi trẻ ngã u đầu?

Xử trí sơ cứu sau ngã

      Gọi cấp cứu 115 và không được di chuyển tư thế của trẻ nếu:

  • Chấn thương nặng vùng đầu cổ, ngực, khung chậu, hông, đùi cẳng chân.
  • Bất tỉnh (gọi cấu véo không đáp ứng)
  • Khó thở (thở nhanh, thở gấp, thở rên)
  • Không thở (hãy ép tim thổi ngạt tại chỗ ngay lập tức - nếu biết)
  • Co giật trước trong và sau ngã

     Nếu trẻ không nôn và không có bất kì biểu hiện nào ở trên:

  • Trấn an và tìm kiếm vết thương
  • Đắp, chườm lạnh, đá lạnh lên vết sưng, xước da
  • Cho uống Paracetamol giảm đau (10mg/kg/lần) nếu trẻ đau nhiều
  • Nằm nghỉ trong vài giờ sau ngã
  • Theo dõi sát, phát hiện bất kì bất thường nào trong vòng ít nhất 24 giờ sau ngã

 Đi khám ngay nếu:

  • Ngủ li bì khó đánh thức
  • Quấy khóc không dỗ được
  • Nôn nhiều, nôn vọt (trên 2 lần
  • Kêu đau đầu, đau cổ, đau lưng
  • Kêu đau tăng lên ở bất kì đâu
  • Yếu chân tay, đi lại khó
  • Mắt khó nhìn về một điểm
  • Méo miệng khi khóc
  • Bất cứ hành vi hay biểu hiện nào bố mẹ cảm thấy không bình thường

     

‍ Ngã cụng đầu có chụp CT não ngay?
      Ngã đụng đầu thường làm bố mẹ lo lắng nhiều. Nhiều bố mẹ đến phòng cấp cứu và xin bác sĩ cho đi chụp CT sọ não. Một lần chụp CT scan là nhiều lát chụp Xquang và được ghép lại để dựng thành một hình ảnh tổng thể của sọ - não. Nhưng nhiều trường hợp, bác sĩ không chỉ định chiều theo ý bố mẹ, mà yêu cầu theo dõi thêm. Vì sao vậy?

1. Trong nhiều ca bệnh thì chụp CT là không thực sự cần cho chẩn đoán và điều trị

      Ở Mỹ, cứ 10 ca ngã đập đầu đến phòng cấp cứu thì 5 ca chụp CT sọ não. Nhưng 1/3 trong số phim chụp đó là không có giá trị. Trước khi chỉ định chụp phim, bác sĩ sẽ cần hỏi về cơ chế chấn thương, diễn biến và triệu chứng sau chấn thương và khám hiện tại - từ đó đưa ra quyết định.

Trong nhiều tình huống chấn động não nhẹ, phim CT sọ não sớm ít khi có ý nghĩa, bác sĩ sẽ chưa yêu cầu chụp. Trong nhiều ca tai nạn nhẹ, chỉ cần chụp XQ sọ thẳng và nghiêng để đánh giá sơ bộ phần xương, xoang, nền sọ mà thôi.

Nhiều trẻ nhập viện ngay sau tai nạn trong tình trạng khá ổn, thì phim CT chụp ngay lúc này cũng chưa chắc đã có hình ảnh tổn thương (Vd: Chưa rõ tổn thương xuất huyết). Bác sĩ sẽ trực tiếp đánh giá khám xét, theo dõi và chỉ định khi cần thiết.

Chụp CT sẽ có ý nghĩa khi tổn thương là nghi ngờ tổn thương xương sọ và chảy máu (xuất huyết).

Bố mẹ cần hiểu rằng:
      Nếu cần chụp để chẩn đoán và xử trí: bố mẹ không cho chụp, bác sĩ cũng sẽ cố giải thích để bố mẹ hiểu mục đích và đồng ý chụp. (Bác sĩ biết mình có vũ khí gì trong tay mà!).

2. Chụp CT cũng có nguy cơ nhiễm tia xạ

      Vì tương đương với nhiều lát chụp Xquang, chụp CT sẽ kèm theo nguy cơ (nhỏ) nhiễm tia X. Với não bộ còn đang phát triển của trẻ, chỉ khi nào cần thiết để chẩn đoán thì mới phải chịu nguy cơ này.

3. Chụp CT không hề rẻ

      Nhất là khi không được bảo hiểm thanh toán (trái tuyến, bệnh viện tư nhân) thì giá cả của một lần chụp cũng là tiền triệu. Phải cân nhắc. Cần mới làm. Chưa cần thì chưa phí tiền.

     

 Vậy nếu phải chụp CT?
      Nếu bác sĩ chỉ định chụp, hãy hiểu rằng:

  • Tình trạng con cần xử trí cấp. Phim CT này cần cho bác sĩ để đánh giá tổn thương để điều trị đúng và kịp thời.
  • Kĩ thuật viên sẽ chọn liều tia X “nhẹ” và vừa đủ với trẻ.
  • Sẽ chỉ chụp vùng cần thiết mà thôi (sọ hoặc thêm cột sống cổ).
  • Bác sĩ sẽ rất cân nhắc nếu chỉ định chụp tiếp (nếu cần thì bác sĩ mới chỉ định).

Xem thêm: Sốt co giật ở trẻ nhỏ

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top