Điều trị các phản ứng quá mẫn với vắc-xin

Vắc-xin và các thành phần tá dược có thể gây ra các tác dụng không mong muốn, là nguyên nhân gây ra sự tranh cãi và làm cản trở các chương trình tiêm chủng mở rộng mang tầm cỡ quốc gia cũng như gây bùng phát trở lại những bệnh dịch có thể phòng tránh được bằng tiêm vaxin như Sởi, Rubella… Những vắc-xin mà thành phần  có  trứng hoặc gelatine thì phản ứng dị ứng thường nặng và tần suất xuất hiện phản ứng cũng cao hơn. Tuy vậy, phản ứng dị ứng nặng và gây tử vong như sốc phản vệ vẫn rất hiếm khi xảy ra và thường chỉ khoảng xấp xỉ 1/ 1.000.000 liều tiêm.

Về mặt lâm sàng, các biểu hiện phản ứng phụ do vắc-xin rất đa dạng nhưng hầu hết khu trú tại chỗ tiêm và là hậu quả của quá trình viêm không đặc hiệu do các thành phần trong vắc-xin như muối nhôm hoặc các thành phần vi khuẩn hoạt động. Trên thực tế có một số ghi nhận những trường hợp xuất hiện cơn co thắt phế quản giống hen, xơ cứng rải rác, hội chứng Guillain-Barré, viêm ruột hoặc tử vong ngay sau tiêm vắc-xin có thể do nguyên nhân nào đó chưa biết rõ có liên quan. Tuy nhiên không thấy có mối liên quan dựa trên khoa học và bằng chứng trên lâm sàng. Đối với bệnh nhân có cơ địa dị ứng (Atopy), cho đến nay chưa có bằng chứng làm gia tăng nguy cơ dị ứng  vắc-xin trong nhóm bệnh nhân này.

Các phản ứng nhẹ tại chỗ hoặc tình trạng sốt sau tiêm vắc-xin thường xảy ra và không có chống chỉ định tiêm những liều vắc-xin sau. Tuy nhiên những trường hợp phản ứng dị ứng toàn thân hoặc sốc phản vệ, bệnh nhân cần được thăm khám, khai thác tiền sử đầy đủ và làm các test chẩn đoán dị ứng với vắc-xin và thành phần trong vắc-xin, tuân thủ theo các hướng dẫn điều trị và tư vấn của bác sỹ chuyên khoa là điều quan trọng để chẩn đoán đúng và đưa ra quyết định điều trị phù hợp. Với những trường hợp dị ứng thực sự mà bắt buộc phải tiêm liều vaxin nhắc lại trong khi không có chế phẩm thay thế giảm mẫn cảm sẽ được chỉ định.

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top