✴️ Dinh dưỡng cho trẻ trong 3 năm đầu đời

Nếu được chăm sóc đầy đủ dinh dưỡng cho trẻ trong 3 năm đầu đời, bé sẽ đạt được sự phát triển tối đa. Trong 3 năm đầu đời (khoảng 1.000 ngày) là thời kỳ vàng cho sự phát triển của bé, nếu được chăm sóc đầy đủ bé sẽ phát triển tối đa, đồng thời tác động lâu dài đến sức khỏe và sự phát triển của bé lúc trưởng thành…

Với mỗi bậc cha mẹ, không gì vui hơn khi đứa con yêu của mình khỏe mạnh, thông minh, phát triển bình thường…

 

Coi chừng trẻ rối loạn dinh dưỡng

Đây là điều tưởng chừng đơn giản nhưng lại làm cho bao nhiêu bậc cha mẹ lúng túng, nhất là những người làm cha, làm mẹ lần đầu. Do vậy, sẽ có nhiều trẻ dễ bị đối mặt với tình trạng rối loạn dinh dưỡng, đó là béo phì và còi xương.

Đây là hai bệnh về dinh dưỡng rất nguy hiểm đối với trẻ em, ảnh hưởng không những đến tình trạng hiện tại mà còn gây hậu quả về sau cho tương lai các em.

Các nhà khoa học đã chỉ ra rằng những trẻ bị béo phì thì lớn lên gần như sẽ mắc chứng béo phì, từ béo phì sẽ dẫn đến một loạt các bệnh về tim mạch, tiểu đường, cao huyết áp…

Còn những trẻ bị còi xương sẽ ảnh hưởng đến hệ miễn dịch, trẻ sẽ rất dễ mắc các bệnh nhiễm khuẩn như viêm phổi, viêm não… và những trẻ bị thiếu dinh dưỡng sẽ khó phát triển đầy đủ cả về thể chất lẫn tinh thần như những trẻ phát triển bình thường.

bệnh thường gặp ở trẻ em

 

Các nhà nghiên cứu về nhi khoa trên toàn thế giới đã chỉ ra rằng, 3 năm đầu đời (khoảng 1.000 ngày) là thời kỳ vàng cho sự phát triển của bé, nếu được chăm sóc đầy đủ và đúng về mặt dinh dưỡng thì các bé sẽ không những phát triển tối đa trong giai đoạn hiện tại, mà còn tác động lâu dài đến sức khỏe và phát triển của các bé lúc trưởng thành.

Rất nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng chế độ dinh dưỡng trong 1.000 ngày đầu đời ảnh hưởng rất lớn đến các vấn đề sức khỏe, trí não và thể chất như:

Hệ miễn dịch: Dinh dưỡng tốt thì hệ miễn dịch của bé sẽ đầy đủ khỏe mạnh, lúc đó bé dễ dàng chống lại các bệnh nhiễm trùng như viêm phổi, viêm não… cũng như các bệnh dị ứng.

Hệ thần kinh: 80% não bộ và hệ thần kinh của bé sẽ phát triển hoàn thiện trong giai đoạn này, vì thế nếu được cung cấp dinh dưỡng tốt bé sẽ có trí thông minh tốt nhất, sẽ dễ dàng đánh thức những tiềm năng bí ẩn của bé.

Hệ thống xương: Hoàn thiện tốt trong giai đoạn này thì sẽ tạo điều kiện cho việc gia tăng chiều cao và phát triển vận động của bé ở lứa tuổi vị thành niên. Các em sẽ có chiều cao tối đa, giảm thiểu các bệnh về xương khi về già như loãng xương…

Các mô hình bệnh tật của người già như cao huyết áp, tim mạch, ung thư, béo phì… có liên quan mật thiết đến dinh dưỡng trong giai đoạn phát triển vàng này của các bé.

Ở những người không có mức phát triển cân nặng bình thường tỷ lệ bệnh tật sẽ cao hơn. Vì vậy, để trang bị cho bé một tương lai thật bền vững thì việc quan tâm đến chế độ dinh dưỡng đúng và đầy đủ ngay giai đoạn 1.000 ngày đầu đời là một điều cần thiết và cực kỳ quan trọng.

dinh-duong-3-nam-dau-doi

 

Nguyên tắc nuôi con và dinh dưỡng cho trẻ

Nuôi con bằng sữa mẹ

Cho trẻ bú mẹ hoàn toàn trong 4 – 6 tháng đầu. Cho đến bây giờ các nhà khoa học vẫn chưa tìm ra công thức thực phẩm nào tốt hơn sữa mẹ cho các bé ở những tháng đầu đời.

Sữa mẹ có đầy đủ các chất dinh dưỡng cân bằng cho sự phát triển của bé trong 6 tháng đầu đời, ngoài ra sữa mẹ có chứa các kháng thể giúp trẻ tăng cường khả năng miễn dịch, sức đề kháng.

Nuôi con bằng sữa mẹ là việc làm khoa học, chính xác mang lại nhiều lợi ích cho cả mẹ và con. Nếu vì lý do nào đó mà mẹ không có sữa hay trẻ không bú được sữa mẹ thì hãy đến các chuyên gia dinh dưỡng để có một công thức thức ăn tốt nhất cho sự phát triển của con bạn.

Dùng biểu đồ cân nặng để theo dõi sự phát triển của trẻ: Qua biểu đồ tăng trưởng về cân nặng có thể dễ dàng đánh giá được hiệu quả của công thức thực phẩm mà bạn đang cho bé sử dụng.
Nếu cân nặng của trẻ nằm trong giới hạn phát triển bình thường thì công thức bạn đang sử dụng là tốt nhưng nếu trẻ tăng cân quá nhiều, hoặc quá thấp cân thì lúc này nên tìm đến nguyên nhân của sự rối loạn dinh dưỡng hay vấn đề dinh dưỡng chưa hợp lý trong công thức nuôi các bé.

Cho trẻ ăn dặm đúng cách

Sau 6 tháng cơ thể bé phát triển rất nhanh mà nhu cầu dinh dưỡng từ sữa mẹ không đủ để cung cấp cho sự tăng trưởng này, vì vậy cung cấp thêm thức ăn ngoài là việc cần thiết.

Tuy nhiên đừng cho trẻ ăn sớm quá trước 4 tháng tuổi vì lúc này hệ tiêu hóa của bé chưa hoàn chỉnh để tiêu hóa thức ăn thêm, nếu ăn dặm sớm trẻ dễ bị rối loạn tiêu hóa và dinh dưỡng. Công thức cho thức ăn dặm cần tuân theo nguyên tắc:

Đa dạng hóa thực phẩm, tổng hợp thức ăn

Mỗi loại thực phẩm sẽ cung cấp các chất dinh dưỡng đặc trưng, vì vậy việc đa dạng hóa thức ăn là cung cấp cho bé đầy đủ dinh dưỡng. Việc đa dạng hóa thức ăn nên theo nguyên tắc tháp dinh dưỡng.

Hạn chế chế biến thức ăn

Thức ăn chế biến nhiều sẽ dễ mất dinh dưỡng, nhất là các nguyên tố vi lượng như sắt, kẽm… và các vitamin rất dễ bị mất khi chế biến.

Hiện có nhiều loại sữa bổ sung một số chất giúp tăng cường phát triển trí não của trẻ do có các axit amin và khoáng chất. Ngoài sữa mẹ, có thể cho trẻ uống thêm sữa bột và ăn dặm.

Hạn chế thức ăn nhanh

Đây là thức ăn chứa nhiều calo và chất béo, trẻ ăn những thức ăn này dễ bị thừa cân và béo phì. Cung cấp chất xơ cho trẻ bằng cách cho trẻ ăn nhiều hoa quả.

Lịch tiêm phòng tiêm chủng cho trẻ

 

Cho trẻ đi tiêm phòng đầy đủ:

Được tiêm phòng đầy đủ bé sẽ không mắc bệnh nhiễm khuẩn như: viêm não, viêm phổi, sởi, quai bị…

Ngoài ra, nên tẩy giun định kỳ 2 lần/ năm, nên khuyến khích bé vận động thường xuyên, hợp lý để kích thích vị giác giúp trẻ ăn ngon hơn, đồng thời cũng phòng bệnh béo phì ở trẻ.

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top