✴️ Những câu hỏi hay gặp về mất cân bằng nội tiết

Nội dung

Mất cân bằng hormone là gì?

Hormone hay còn gọi là nội tiết tố là những chất hóa học do các tuyến nội tiết tạo ra, đóng vai trò quan trọng trong việc điều chỉnh nhiều hoạt động trong cơ thể như:

  • Quá trình trao đổi chất
  • Nhịp tim
  • Chu kỳ ngủ
  • Sinh sản và hoạt động tình dục
  • Quá trình tăng trưởng và phát triển của cơ thể
  • Tâm trạng và mức độ căng thẳng.

Bình thường lượng hormone được tạo ra sẽ dao động ở một số giai đoạn trong cuộc đời, đáng chú ý nhất là ở các thời điểm dậy thì, và ở nữ thì có thêm trong thai kỳ, khi cho con bú, trong chu kỳ kinh nguyệt và tiền mãn kinh. Tuy nhiên, vì một số nguyên nhân mà lượng hormone sản xuất nhiều hoặc ít hơn bình thường, dẫn đến mất cân bằng hormone. Dưới đây là một số triệu chứng có thể gặp của mất cân bằng hormone nữ:

  • Các vấn đề về kinh nguyệt như trễ kinh, không có kinh hoặc có kinh thường xuyên.
  • Tính tình cáu gắt, nóng nảy, đổ mồ hôi đêm
  • Lông trên mặt, cằm hoặc các bộ phận khác của cơ thể khá rậm
  • Mụn trên mặt, ngực hoặc lưng
  • Sạm da, đặc biệt là dọc theo cổ, ở bẹn và bên dưới vú
  • Các vấn đề về âm đạo như khô âm đạo, teo âm đạo, đau khi quan hệ tình dục.
  • Tăng cân khó kiểm soát
  • Giảm ham muốn tình dục.

Nguyên nhân mất cân bằng nội tiết do đâu?

Nguyên nhân gây mất cân bằng tùy thuộc vào loại hormone hoặc tuyến nội tiết sản xuất ra loại hormone đó. Dưới đây là một số nguyên nhân gây mất cân bằng nội tiết phổ biến:

  • Một số loại thuốc
  • Hóa trị liệu trong điều trị ung thư
  • Có khối u, dù lành tính hay ác tính
  • Rối loạn ăn uống
  • Căng thẳng
  • U tuyến yên.

Ngoài ra, một số bệnh lý nền cũng được xem là nguyên nhân gây mất cân bằng hormone:

  • Bệnh đái tháo đường (típ 1 hay típ 2)
  • Một số bệnh liên quan đến tuyến giáp như suy giáp, cường giáp, viêm tuyến giáp, hoạt động tuyến giáp không bình thường.
  • Hội chứng Cushing hoặc nồng độ cortisol cao
  • Tăng sản thượng thận bẩm sinh, gây ra mức độ thấp của cortisol và aldosterone
  • Bệnh lý Addison.

Mất cân bằng hormone được điều trị như thế nào?

Đối với nam giới, một số biện pháp điều chỉnh testosterone có thể giúp thuyên giảm triệu chứng và lấy lại cân bằng hormone như thuốc điều trị testosterone, gel hoặc miếng dán có chứa testosterone.

Đối với nữ giới, các phương pháp điều trị mất cân bằng hormone nữ phụ thuộc vào nguyên nhân gây ra tình trạng này. Sau đây là một số biện pháp được áp dụng phổ biến:

1. Kiểm soát sinh sản bằng nội tiết tố

Một số phương pháp kiểm soát sinh sản có chứa nội tiết estrogen và progesterone có thể giúp điều hòa kinh nguyệt, bao gồm các dạng: thuốc viên, vòng, miếng dán hay dụng cụ đặt tử cung (IUD).

2. Liệu pháp estrogen

Những triệu chứng khô âm đạo hoặc đau khi quan hệ thường liên quan đến sự thay đổi nồng độ estrogen và dẫn đến tình trạng mất cân bằng nội tiết tố. Do đó, các liệu pháp estrogen sau có thể giúp giảm các triệu chứng này, bao gồm thoa kem có chứa estrogen lên các mô âm đạo, sử dụng viên nén hoặc vòng estrogen.

3. Các loại thuốc điều trị triệu chứng

  • Thuốc thay thế hormone: Có tác dụng hỗ trợ giúp làm thuyên giảm các triệu chứng liên quan đến thời kỳ tiền mãn kinh như hay cáu gắt, đổ mồ hôi ban đêm.
  • Eflornithine: có thể giúp làm chậm sự phát triển quá mức của lông mặt.
  • Thuốc kháng androgen: khi cơ thể có mức androgen cao, các hiệu quả bao gồm: hạn chế tình trạng mụn trứng cá, rụng tóc quá nhiều và lông vùng mặt.
  • Clomiphene và letrozole: giúp kích thích rụng trứng ở những người bị hội chứng buồng trứng đa nang.
  • Metformin: thuốc điều trị bệnh đái tháo đường loại 2 giúp kiểm soát hoặc giảm lượng đường trong máu nhưng có thể có tác dụng giảm androgen và kích thích rụng trứng.
  • Levothyroxine: thuốc có chứa levothyroxine như Synthroid và Levothroid, có thể giúp cải thiện các triệu chứng của suy giáp, một nguyên nhân của mất cân bằng hormone.

* Việc sử dụng thuốc cần có chỉ định của bác sĩ.

 

Một chế độ dinh dưỡng cân bằng sẽ giúp kiểm soát cân nặng ở mức vừa phải, ngăn ngừa một số bệnh lý nền và duy trì sự cân bằng hormone. Sau đây là một số lưu ý về chế độ dinh dưỡng:

  • Chất béo lành mạnh: Bạn nên tiêu thụ các chất béo từ dầu ô liu, dầu quả bơ. Các chất béo này có thể ổn định quá trình sản xuất của một số hormone liên quan đến cảm giác thèm ăn, cảm giác no và quá trình trao đổi chất.
  • Chất xơ: Chất xơ có nhiều trong các loại rau xanh. Dưỡng chất này đóng vai trò quan trọng trong sức khỏe đường ruột và hỗ trợ điều chỉnh hormone insulin – nguyên nhân chính gây ra bệnh đái tháo đường.
  • Các loại cá béo: Hàm lượng chất béo cao trong một số loại cá (như cá hồi) có thể gia tăng sức khỏe tim mạch và hệ tiêu hóa, đồng thời có thể mang đến nhiều lợi ích cho não và hệ thần kinh trung ương.
  • Trà xanh: Trà xanh là một loại đồ uống có chứa chất chống oxy hóa và các hợp chất giúp tăng cường trao đổi chất, giảm tiết cortisol (một loại hormone tăng tiết khi bị căng thẳng), đồng thời giảm quá trình viêm và oxy hóa.
  • Tránh sử dụng nhiều đường: Các loại bánh ngọt, kem, nước ngọt… có chứa khá nhiều đường. Việc tiêu thụ nhiều đường ảnh hưởng đến một vài quá trình chuyển hóa của cơ thể. Do đó, hạn chế đường trong chế độ dinh dưỡng có thể giúp ổn định nồng độ hormone insulin.

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top