✴️ Đặt STENT có những loại nào? (Phần 1)

Đặt stent là thủ thuật đặt một ống nhỏ vào trong mạch máu hoặc một đường nối bên trong cơ thể để giữ cho vị trí đó luôn được thông thoáng. Stent có thể được lắp đặt ở trong một động mạch bị hẹp, ví dụ như những mạch máu đi đến tim hoặc ở trong cổ, hoặc được dùng để nong một đường thở hẹp.

Stent có thể giúp bệnh nhân thở dễ dàng hơn hoặc giúp máu hay các dịch khác lưu thông dễ dàng trong cơ thể.

Stent có thể cần được đặt sau một cơn đau tim, ung thư phổi, hoặc các bệnh khác gây ảnh hưởng đến các đường ống trong cơ thể. Các loại stent khác có thể được dùng để nong đường mật, niệu quản, niệu đạo, hoặc thực quản. Stent có thể được làm bằng kim loại, lưới, silicone, vải hoặc sự kết hợp của nhiều nguyên liệu khác nhau.

Bài viết này sẽ cung cấp thông tin về những loại stent khác nhau, thủ thuật đặt stent, các nguy cơ có thể xảy ra, quá trình hồi phục và tiên lượng.

 

CÁC LOẠI STENT

Có nhiều loại stent khác nhau, tất cả đều phụ thuộc vào bệnh lý cần được điều trị và đường ống nào bị tắc nghẽn. Các loại stent bao gồm:

  • Stent mạch vành
  • Stent động mạch cảnh
  • Stent các mạch máu ngoại biên
  • Stent niệu quản
  • Stent tiền liệt tuyến
  • Stent thực quản
  • Stent đường mật
  • Stent đường thở.

Stent mạch vành

Stent giúp nong các động mạch đi đến cơ tim. Nếu bệnh nhân có các mảng xơ vữa tích tụ trong động mạch thì dòng chảy của máu sẽ bị giảm khi đi qua vị trí đó, dẫn đến sự hình thành của huyết khối và có thể gây tắc nghẽn dòng chảy đến tim và gây ra cơn đau tim.

Bệnh nhân có thể được đặt stent mạch vành nếu như bị đau tim hay bệnh mạch vành hoặc nếu như bác sĩ nghi ngờ bệnh nhân có nguy cơ gặp những biến chứng nghiêm trrọng.

Các triệu chứng của bệnh tim hoặc cơn đau tim:

  • Đau ngực
  • Khó thở
  • Chóng mặt
  • Buồn nôn
  • Cực kỳ mệt mỏi
  • Khó tiêu
  • Đau thân trên
  • Đánh trống ngực
  • Phù ở chân, bàn chân, bụng hay tĩnh mạch cổ

Stent mạch vành có thể ở dạng lưới kim loại. Dạng stent mạch vành thường gặp nhất là dạng stent phóng thích thuốc chậm, thuốc sẽ được phóng dần dần vào trong lòng động mạch để ngăn chặn nó bị hẹp trở lại.

Stent động mạch cảnh

Stent động mạch cảnh có thể giúp nong động mạch cảnh để điều trị các bệnh lý ở đây. Các động mạch cảnh nằm ở trong cổ và dẫn máu đến não, Nếu như các mảng bám tích tụ ở trong động mạch cảnh thì sẽ làm tăng nguy cơ bị đột quỵ.

Nhiều bệnh nhân không có triệu chứng nào của bệnh. Dấu hiệu đầu tiên của bệnh lý động mạch cảnh có thể là một cơn thiếu máu cục bộ thoáng qua hoặc một cơn đột quỵ với những triệu chứng như dưới đây:

  • Yếu hoặc liệt đột ngột một bên người
  • Mất khả năng phối hợp động tác
  • Lú lẫn
  • Chóng mặt
  • Thay đổi tạm thời hoặc mất thị lực
  • Nói không rõ ràng

Các stent động mạch cảnh có thể là loại lưới kim loại, hoặc phóng thuốc chậm để đưa thuốc dần dần vào trong động mạch để giữ cho chúng được thông thoáng.

Stent mạch máu ngoại vi

Các động mạch ngoại vi có mặt ở trong chân và cánh tay. Sự tích tụ của mảng bám ở trong các động mạch này có thể làm hẹp chúng và dẫn đến bệnh động mạch ngoại vi. Các triệu chứng của bệnh động mạch ngoại vi bao gồm:

  • Vọp bẻ nặng và đau trong lúc tập thể dục
  • Đau chân kể cả khi đã tập thể dục xong
  • Những vết thương chậm lành ở bàn chân và ngón chân
  • Hoại thư
  • Một bàn chân hoặc phía dưới của cẳng chân có nhiệt độ thấp hơn bên còn lại
  • Móng chân hoặc lông chân mọc chậm
  • Ở nam giới, đặc biệt là những đối tượng có đái tháo đường, có thể có rối loạn cương dương.

Stent mạch máu ngoại vi có thể giúp làm thông thoáng các động mạch ngoại vi và có thể được làm từ lưới kim loại hoặc được bọc bởi 1 lớp vỏ sợi tổng hợp.

CÁC LOẠI STENT

Stent niệu quản

Niệu quản là các ống dẫn nước tiểu từ thận đến bàng quang. Tắc nghẽn niệu quản có thể làm gián đoạn sự lưu thông của nước tiểu. Đặt stent ở niệu quản hay thận có thể giữ cho niệu quản thông thoáng và duy trì được dòng chảy bình thưởng của nước tiểu.

Stent niệu quản có thể được đặt trong trường hợp bệnh nhân có sỏi thận. Các triệu chứng của sỏi thận bao gồm:

  • Đau nhiều vùng lưng dưới
  • Đau dạ dày
  • Tiểu ra máu
  • Nước tiểu đục màu hoặc có mùi hôi
  • Buồn nôn và nôn
  • Sốt và lạnh run

Stent niệu quản là một ống nhựa mềm và dẻo, dài khoảng 8-11 inch. Trong một số trường hợp thì bệnh nhân chỉ cần được đặt stent niệu quản trong vòng vài ngày.

Stent tiền liệt tuyến

Bệnh nhân phì đại tiền liệt tuyến có thể sẽ cần được đặt stent nếu như các biện pháp điều trị khác không có hiệu quả. Triệu chứng của phì đại tiền liệt tuyến bao gồm:

  • Đi tiểu gấp, tiểu lắt nhắt
  • Thay đổi dòng chảy của nước tiểu
  • Đi tiểu đêm nhiều lần
  • Tiểu tiện không kiểm soát
  • Đau sau khi tiểu hoặc xuất tinh
  • Nước tiểu có màu hoặc mùi bất thường

Phì đại tiền liệt tuyến làm hẹp niệu đạo - đường ống dẫn nước tiểu ra ngoài cơ thể. Stent tiền liệt tuyến nới rộng vị trí hẹp trên niệu đạo ở tiền liệt tuyến. Stent tại vị trí này có thể tạm thời hoặc cũng có thể vĩnh viễn.

Stent thực quản

Thực quản là đường ống nối họng với dạ dày. Stent thực quản giúp thực quản được thông thoáng khi có bệnh lý làm nó tắc nghẽn như hẹp thực quản lành tính hay ung thư thực quản. Bệnh nhân có thể có triệu chứng:

  • Nuốt khó
  • Đau khi nuốt
  • Cảm giác thức ăn bị vướng trong lồng ngực
  • Thức ăn trào ngực lên họng sau khi nuốt

Stent thực quản có thể giúp làm giảm các triệu chứng kể trên và làm cho việc hấp thu thức ăn và nước uống trở nên dễ dàng hơn. Stent thực quản thường được làm từ kim loại hoặc nhựa.

Stent đường mật

Mật lưu thông qua đường mật từ gan đến ruột non để giúp tiêu hóa thức ăn. Stent đường mật được đặt khi có tắc nghẽn tại đường mật để giữ cho nó được thông thoáng. Stent đường mật thường được cấu tạo từ kim loại hoặc nhựa.

Các bệnh lý thường hay gây tắc nghẽn đường mật bao gồm: ung thư tụy, viêm tụy hoặc sỏi mật. Triệu chứng có thể phụ thuộc vào nguyên nhân nền:

  • Vàng da
  • Phân nhạt màu
  • Nước tiểu sậm màu
  • Ngứa
  • Đau hạ sườn phải
  • Sốt
  • Buồn nôn và nôn
  • Giảm cân không rõ nguyên nhân

Stent đường thở

Stent đường thở giúp giữ cho đường dẫn khí đến phổi và trong phổi được thông thoáng. Stent đường thở bao gồm:

  • Stent thanh quản để giữ thanh quản được mở
  • Stent khí quản để giữ khí quản được thông thoáng. Khí quản nằm dưới thanh quản và trên phổi
  • Stent phế quản giúp giữ cho các đường dẫn khí lớn bên trong phổi được thông thoáng

Stent khí quản có thể được làm từ silicone, nitinol, thép không rỉ và stent lai.

Có một số bệnh đường thở (lành và ác tính) có thể làm chặn hoặc hẹp đường thở và cần được đặt stent bao gồm:

  • Hẹp đường dẫn khí, bao gồm hẹp thanh quản hay khí quản
  • U lành hoặc ác
  • Rò đường dẫn khí, bao gồm rò thanh quản (TEF) hoặc rò khí quản (BEF)
  • Biến chứng đường thở sau ghép phổi
  • Bệnh phổi mạn tính bao gồm hen, COPD và giãn phế quản

Các triệu chứng phụ thuộc vào nguyên nhân nền và có thể bao gồm:

  • Khó thở
  • Thở nông
  • Ho
  • Kiệt sức
  • Khò khè
  • Nhiễm trùng hô hấp thường xuyên
  • Thắt ngực

 

Xem tiếp: Quá trình đặt STENT được thực hiện như thế nào? (Phần 2)

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top