✴️ Quá trình đặt STENT được thực hiện như thế nào? (Phần 2)

Nội dung

Tuy có nhiều loại stent khác nhau nhưng thủ thuật thực hiện thì tương tự nhau. Một số thủ thuật đặt stent có thể xâm lấn tối thiểu, và bênh nhân chỉ cần được gây tê tại chỗ hoặc truyền thuốc an thần đường tĩnh mạch.

Thủ thuật đặt stent thường thực hiện cho bệnh nhân ngoại trú, nhưng một số bệnh nhân có thể sẽ cần được nhập viện theo dõi qua đêm.

Ở trong tất cả các thủ thuật đặt stent, các bác sĩ đều sẽ cần theo dõi các dấu hiệu sinh tồn như nhịp tim, huyết áp và nồng độ oxy.

Đặt stent nong mạch máu

Trong quá trình đặt stent tại động mạch, các bệnh nhân sẽ được trải qua quá trình nong mạch. Stent loại này bao gồm:

  • Stent mạch vành
  • Stent động mạch cảnh
  • Stent mạch máu ngoại biên

Trong quá trình nong mạch máu, bệnh nhân sẽ được dùng thuốc an thần qua đường tĩnh mạch, hoặc trong một số trường hợp khác thì có thể sẽ cần đến gây mê tổng quát. Nong mạch qua stent thường được thực hiện cho bệnh nhân ngoại viện.

Đầu tiên, bác sĩ sẽ rạch một đường nhỏ tại vùng cần tiếp cận đến động mạch. Sau đó, một bóng nhỏ được gắn trên đầu tận của một ống nhỏ hay dây dẫn sẽ được đưa vào trong động mạch bị hẹp. Bóng sau đó được bơm lên để nong mạch máu ra.

Bác sĩ có thể sử dụng tia X để nhìn thấy được bên trong các mạch máu và tìm được vị trí bị tắc nghẽn để thực hiện thủ thuật. 

Sau đó bóng sẽ được lấy ra ngoài để đặt stent lên xung quanh nó, và đưa lại bên trong lòng mạch bị hẹp. Khi bóng được bơm trở lại thì stent cũng sẽ giãn ra và nong lòng mạch ra.

Bóng sau đó được làm xẹp và rút ra ngoài, để stent ở lại bên trong. Bác sĩ sẽ ấn lên vị trí vết rạch để ngăn chảy máu và sử dụng một thiết bị nhỏ để đóng vết rạch lại.

Đặt stent niệu quản

Đặt stent niệu quản là một thủ thuật ngoại viện. Bệnh nhân có thể được cho dùng thuốc an thần hoặc gây mê tổng quát. Bác sĩ sẽ định vị thận bằng siêu âm hoặc Xquang sau đó một sợi dây mỏng sẽ được đặt vào cơ thể xuyên qua da để đến được niệu quản.

Stent sẽ được đặt một đầu tại thận và đầu còn lại nằm trong bàng quang. Stent sẽ cuộn nhẹ lại để nằm trọn tại vị trí đó. Vết cắt sẽ được ép để cầm máu và sau đó được đóng lại bằng một thiết bị nhỏ.

Đặt stent tiền liệt tuyến

Stent được đặt thông qua đường niệu đạo. Stent sau đó sẽ giãn ra, đẩy phần tiền liệt tuyến to đang chèn ép ra ngoài để làm thông thoáng niệu đạo.

Đặt stent thực quản

Bệnh nhân có thể về ngay trong ngày thực hiện thủ thuật. Bệnh nhân có thể được cho dùng thuốc an thần, thuốc tê ở thành họng hoặc gây mê tổng quát.

Xquang hoặc một ống nhỏ có gắn camera được gọi là ống nội soi sẽ được dùng để hướng dẫn thực hiện thủ thuật.

Một ống catheter được đặt vào miệng để đặt stent vào trong thực quản. Khi stent đã được đặt vào thì nó sẽ giãn ra, sau đó ống catheter được rút ra ngoài.

Đặt stent đường thở

Stent đường thở thường được đặt trong bệnh viện và bệnh nhân phải được gây mê tổng quát. Sau khi thực hiện bệnh nhân có thể sẽ phải ở lại bệnh viện một đêm. Ống nội soi sẽ được dùng để hướng dẫn các bác sĩ thực hiện thủ thuật.

Một dây dẫn sẽ được đưa vào đường thở để đặt stent vào vị trí có vấn đề. Sau khi đặt, stent sẽ giãn ra và nong đường thở.

 

NGUY CƠ VÀ BIẾN CHỨNG

Tất cả các thủ thuật đều có một số nguy cơ. Có biến chứng và nguy cơ có thể xảy ra khi đặt stent bao gồm:

  • Nhiễm trùng
  • Trong các trường hợp hiếm gặp có thể có xuất hiện tổn thương tạng, hoặc co thắt bàng quang sau khi đặt stent niệu quản.
  • Phản ứng dị ứng với thuốc cản quang nếu như có sử dụng
  • Đối với stent tiền liệt tuyến thì có thể gặp rối loạn đi tiểu, nhiễm trùng tiểu, hoặc viêm tiền liệt tuyến
  • Tắc nghẽn tại stent
  • Huyết khối
  • Stent bị chệch khỏi vị trí
  • Hẹp stent, ví dụ như ở stent đường mật
  • Tắc nghẽn ở stent thực quản do thức ăn

Các biến chứng nghiêm trọng hiếm gặp cũng có thể xảy ra. Nên đi cấp cứu ngay khi có các dấu hiệu và triệu chứng của cơn đau tim, cơn thiếu máu não thoáng qua, đột quỵ hoặc khó thở.

NGUY CƠ VÀ BIẾN CHỨNG

 

QUÁ TRÌNH HỒI PHỤC SAU KHI ĐẶT STENT

Bệnh nhân có thể về nhà ngay sau khi thực hiện thủ thuật. Nhưng trong một số trường hợp thì có thể sẽ phải ở lại bệnh viện vài tiếng hay qua đêm để theo dõi, tùy thuộc vào loại stent được đặt.

Trong suốt quá trình hồi phục, bệnh nhân nên tuân thủ theo các hướng dẫn của chuyên viên y tế. Các hướng dẫn bao gồm các thuốc nào nên hoặc không nên dùng, khi nào có thể hoạt động bình thường trở lại, và khi nào đến tái khám.

Bệnh nhân có thể đi làm trở lại trong vòng vài ngày hoặc vài tuần sau khi đặt stent.

Nếu như bệnh nhân được đặt stent động mạch thì sẽ cần dùng các thuốc như aspirin, thuốc kháng tiểu cầu trong vòng một năm hoặc hơn sau khi thực hiện thủ thuật để phòng ngừa huyết khối.

Mặc dù stent không thể chữa khỏi vấn đề nền, nó có thể giúp giảm triệu chứng. Bệnh nhân cần liên hệ bác sĩ ngay khi có triệu chứng nặng hoặc tái phát.

 

TIÊN LƯỢNG

Stent giúp nong rộng các vị trí tắc nghẽn ra. Nếu như stent không thể giữ cho đường ống đó được thông thoáng thì bệnh nhân nên được thực hiện một phẫu thuật khác, ví dụ như phẫu thuật bắc cầu ở động mạch trong tim.

Các biến chứng nặng mặc dù hiếm gặp cũng có thể xảy ra trong quá trình thực hiện thủ thuật.

Bệnh nhân nên theo dõi bệnh tình, thực hiện lối sống lành mạnh và đi khám định kỳ để phòng ngừa các biến chứng xảy ra sau khi thực hiện đặt stent.

 

TÓM TẮT

Stent là các ống nhỏ được dùng để nong các đường ống bị hẹp trong cơ thể như động mạch, đường thở.

Bệnh nhân có thể cần được đặt stent để điều trị bệnh động mạch, phì đại tiền liệt tuyến, sỏi thận, hay các bệnh tại thực quản.

Một số thủ thuật có thể xâm lấn tối thiểu và bệnh nhân cần được gây tê tại chỗ. Trong một số trường hợp khác thì có thể sẽ cần phải gây mê tổng quát và ở lại bệnh viện lâu hơn.

Các biến chứng nghiêm trọng thường hiếm gặp trong thủ thuật đặt stent. Tuy nhiên, nếu bệnh nhân có các triệu chứng của đau tim, cơn thiếu máu cụ bộ thoáng qua, đột quỵ, hoặc khó thở cần được cấp cứu ngay.

Bệnh nhân nên biết các triệu chứng cảnh báo của các biến chứng cho stent của chính mình và các việc cần làm nếu gặp. Các nhân viên y tế có thể cung cấp những thông tin đó.

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top