Folate và axit folic rất quan trọng để phát triển một thai nhi khỏe mạnh vì nó ngăn ngừa khuyết tật ống thần kinh. Ống thần kinh phát triển trong vòng 28 ngày đầu của thai kỳ, nên tất cả phụ nữ trong độ tuổi sinh sản được khuyến cáo bổ sung folate. Folate ngăn ngừa một số bất thường về tim, sứt môi và hở hàm ếch. Đồng thời giảm nguy cơ thiếu máu, sẩy thai, sinh non và trẻ sơ sinh nhẹ cân. Nó có thể được tìm thấy trong ngũ cốc ăn sáng tăng cường, đậu lăng, mì Ý, gạo, các loại đậu, bông cải xanh, nước cam, rau chân vịt và dâu tây.
Vai trò của Folate và Axit Folic trong thai kỳ là gì?
Folate (vitamin B-9) rất quan trọng trong hình thành hồng cầu, cho sự phát triển và chức năng của tế bào khỏe mạnh. Chất dinh dưỡng rất quan trọng trong thời kỳ đầu mang thai để giảm nguy cơ dị tật bẩm sinh về não và cột sống. Lượng folate mỗi ngày được khuyến cáo cho người lớn là 400 microgam (mcg). Phụ nữ đang có kế hoạch mang thai hoặc có thể mang thai nên bổ sung 400 đến 1.000 mcg axit folic mỗi ngày.
Folate được tìm thấy chủ yếu trong các loại rau xanh lá đậm, các loại đậu, đậu Hà Lan và các loại hạt. Trái cây giàu folate bao gồm cam, chanh, chuối, dưa và dâu tây. Dạng tổng hợp của folate là axit folic. Nó là một thành phần vitamin thiết yếu trước khi sinh và có trong nhiều loại thực phẩm tăng cường như ngũ cốc và mì ống.
Chế độ ăn kiêng thiếu thực phẩm giàu folate hoặc axit folic có thể dẫn đến thiếu folate. Thiếu folate cũng có thể xảy ra ở những người mắc các bệnh, chẳng hạn như bệnh celiac, bệnh này ngăn cản ruột non hấp thụ chất dinh dưỡng từ thức ăn (hội chứng kém hấp thu).
Sự khác biệt giữa Axit Folic và Folate là gì?
Mọi người thường sử dụng cả 2 loại thay thế cho nhau vì chúng đều là các dạng vitamin B9 nhưng trên thực tế có một sự khác biệt quan trọng. Axit folic là dạng tổng hợp thường được sử dụng trong thực phẩm đã chế biến và thực phẩm bổ sung. Folate có thể được tìm thấy trong thực phẩm tự nhiên như rau xanh, trứng và trái cây họ cam quýt.
Nghiên cứu về việc sử dụng folate và uống bổ sung axit folic cho các trường hợp cụ thể cho thấy:
- Dị tật bẩm sinh. Nghiên cứu đã chỉ ra rằng bổ sung axit folic có thể ngăn ngừa dị tật bẩm sinh của ống thần kinh. Uống vitamin hàng ngày trước khi sinh – lý tưởng là bắt đầu từ ba tháng trước khi thụ thai – có thể giúp đảm bảo phụ nữ nhận đủ chất dinh dưỡng thiết yếu này.
- Thiếu axit folic. Sự thiếu folate trong dinh dưỡng được điều trị bằng cách uống bổ sung axit folic. Loại thiếu hụt này không còn là vấn đề ở nhiều quốc gia nơi tăng cường axit folic trong thực phẩm như ngũ cốc và mì ống.
- Các bệnh lý tim và mạch máu và đột quỵ. Axit folic hoạt động cùng với vitamin B-6 và B-12 để kiểm soát nồng độ cao của homocysteine trong máu. Nồng độ homocysteine tăng cao có thể làm tăng nguy cơ mắc các bệnh về tim và mạch máu (bệnh tim mạch).
- Ung thư. Một số nghiên cứu cho thấy folate có thể làm giảm nguy cơ mắc các bệnh ung thư khác nhau.
- Trầm cảm. Một số bằng chứng cho thấy axit folic có thể hữu ích trong điều trị trầm cảm.
- Sa sút trí tuệ. Không có đủ bằng chứng ủng hộ việc bổ sung axit folic để ngăn ngừa sa sút trí tuệ.
Làm thế nào mà các yếu tố di truyền có thể quyết định đến quá trình chuyển hóa vitamin B9?
Tiến sĩ Chris D. Meletis giải thích rằng ước tính 25 – 60% dân số có đột biến ở một trong các gen MTHFR, điều này tác động bất lợi đến khả năng chuyển hóa axit folic (dạng tổng hợp của B9) và thậm chí một số folate tự nhiên trong thực phẩm thành dạng hoạt động của folate. Nếu bạn đang cố gắng mang thai, hãy cân nhắc việc thực hiện xét nghiệm gen để xác định xem bạn có đột biến gene MTHFR hay không. Kết quả sẽ giúp bạn đưa ra lựa chọn sáng suốt về nhu cầu dinh dưỡng của riêng bạn, bao gồm cả việc bạn có nên chọn các chất bổ sung trước sinh và mang thai ở dạng hoạt động, dạng methylfolate của axit folic hay không.
MTHFR chuyển đổi vitamin B9 từ dạng tổng hợp thành dạng có hoạt tính sinh học
Vitamin B9 được tìm thấy ở dạng tổng hợp (axit folic) xuất hiện trong nhiều thực phẩm bổ sung vitamin và thực phẩm tăng cường hoặc dạng tự nhiên có trong thức ăn (folate). Cả folate tổng hợp và hầu hết folate có nguồn gốc từ thức ăn mà chúng ta tiêu thụ phải được chuyển hóa thông qua con đường enzyme tự nhiên trong cơ thể thành dạng có hoạt tính sinh học cuối cùng được gọi là L-methylfolate (còn được gọi là 5-MTHF). Khi MTHF được tạo ra, dạng B9 hoạt động này có thể xâm nhập vào các tế bào và vượt qua hàng rào máu não để giúp nuôi dưỡng các mô và não của chúng ta. Việc chuyển hóa thành công từ axit folic hoặc folate thành MTHF phụ thuộc vào một loại enzym chuyển đổi được gọi là MTHFR.
MTHFR là nguyên nhân làm tăng nồng độ homocysteine liên quan đến sẩy thai liên tiếp
Homocysteine là một axit amin tự nhiên được tạo ra khi protein bị phân (giải) hủy trong cơ thể. Nó không có hại ở nồng độ thấp, nhưng khi ở nồng độ cao, nó có thể dẫn đến tình trạng tăng đông máu, khi đó máu của bạn có xu hướng dễ đông lại hơn bình thường. Phụ nữ có nồng độ homocysteine cao có thể tăng nguy cơ sẩy thai, tiền sản giật và thậm chí sinh non – rất có thể là do sự gia tăng đông máu gây ra bởi nồng độ homocysteine tăng cao.
Tại sao nồng độ homocysteine tăng cao? Methylfolate, dạng hoạt động của axit folic, đóng vai trò chuyển đổi homocysteine thành methionine (một axit amin vô hại), vì vậy nếu thiếu methylfolate do đột biến MTHFR và sau đó không có khả năng chuyển đổi axit folic thành methylfolate, homocysteine có thể tích tụ đến nồng độ nguy hiểm.
Các nhà nghiên cứu đã phát hiện ra mối liên hệ giữa nồng độ homocysteine cao và sẩy thai liên tiếp, điều này (cho thấy rằng) gợi ý đột biến di truyền MTHFR có thể đóng một vai trò trong việc sẩy thai.
Mối liên hệ giữa MTHFR và PCOS
Tình trạng đặc biệt phổ biến nhất gây vô sinh ở phụ nữ là hội chứng buồng trứng đa nang (PCOS). Phụ nữ mắc hội chứng buồng trứng đa nang dễ mất cân bằng nội tiết và chuyển hóa, bao gồm rối loạn điều hòa đường máu, còn được gọi là đề kháng insulin. Các vấn đề về chuyển hóa này có thể gây ra hiện tượng không rụng trứng mạn tính (khi buồng trứng không phóng thích noãn trong chu kỳ kinh nguyệt), (kinh thưa) thiểu kinh (kinh nguyệt không đều), cường androgen (quá nhiều testosterone) và đề kháng insulin. Với hàng loạt những triệu chứng liên quan đến khả năng sinh sản, không có gì đáng ngạc nhiên khi PCOS là nguyên nhân hàng đầu gây vô sinh.
Nhiều nghiên cứu đang được thực hiện để tìm hiểu các nguyên nhân cơ bản của PCOS. Một nghiên cứu năm 2014 đã tìm thấy mối liên quan giữa PCOS và đột biến gene MTHFR, (và) các nhà nghiên cứu kết luận rằng một đột biến MTHFR đặc thù làm tăng khả năng mắc PCOS. Mối liên hệ chung giữa MTHFR và PCOS lại một lần nữa liên quan đến nồng độ homocysteine. Nói chung, nguyên nhân phổ biến nhất làm tăng nồng độ homocysteine (hyperhomocysteinemia) là giảm hoạt động của MTHFR dẫn đến giảm sản xuất methylfolate. Những phụ nữ mắc PCOS thường có nồng độ homocysteine cao hơn những phụ nữ khỏe mạnh khác. Nhiều nghiên cứu đang được thực hiện để xác định quan hệ chính xác giữa MTHFR và PCOS.
Nên bắt đầu bổ sung Acid Folic từ khi nào là hợp lý nhất?
Những dị tật bẩm sinh này có thể xuất hiện trong khoảng thời gian 3 - 4 tuần đầu của thai kỳ. Do vậy, việc bổ sung Acid Folic trong giai đoạn sớm, khi não và tủy sống đang phát triển là vô cùng cần thiết. Thai phụ nên bổ sung Acid Folic từ 3 tháng trước khi mang thai và 3 tháng đầu của thai kỳ. Theo khuyến cáo của Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch Hoa Kỳ (CDC), thai phụ nên bổ sung Acid Folic hằng ngày, chậm nhất là 1 tháng trước khi mang thai.
Ngoài ra, phụ nữ trong độ tuổi sinh nở cũng nên bổ sung loại vitamin này, do dự trữ sắt thấp vì bị mất máu trong các kỳ kinh nguyệt khiến nữ giới dễ bị thiếu Acid Folic hơn nam giới, dẫn đến thường xuyên mệt mỏi.
Nguồn bổ sung Acid folic tốt nhất là từ ngũ cốc dinh dưỡng. Folate cũng được tìm thấy nhiều trong một số loại rau xanh sẫm như rau cải xanh, rau bina, các loại hạt,... và một số loại quả nhóm citrus như cam, chanh, bưởi khác...
Tuy nhiên, sẽ rất khó để biết chính xác đã bổ sung đủ lượng Acid Folic mỗi ngày đầy đủ chưa, vì thực phẩm chứa hàm lượng Acid Folic mỗi hôm có thể khác nhau, cách chế biến cũng khác. Do vậy, cách tốt nhất được khuyến cáo đó là phụ nữ nên sử dụng các dạng viên uống có sẵn, được chuẩn hóa hàm lượng Acid Folic , như vậy, thai phụ có thể hoàn toàn yên tâm, không sợ bị thiếu hoặc quá thừa loại vitamin này.
Theo khuyến cáo của Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch Hoa Kỳ (CDC), hàm lượng Acid Folic được khuyên bổ sung mỗi ngày là ít nhất 400 mcg.
Một lưu ý khi bổ sung Acid Folic , đó là phụ nữ nên uống sau bữa ăn 30 phút, kèm với nước lọc.
Cũng có thể uống vào buổi tối trước khi đi ngủ 2 tiếng và kèm theo một chút đồ ăn nhẹ sẽ khiến dạ dày được thoải mái dễ chịu.
Người mẹ cũng lưu ý thêm là, viên bổ sung vitamin có nhiều loại kết hợp Acid Folic với sắt. Sau khi uống viên chứa Acid Folic và sắt, phân đi ngoài có thể có màu đen của sắt chứa trong viên uống nên đó hoàn toàn không phải là dấu hiệu đáng ngại.
Tài liệu tham khảo
Folate and Folic Acid in Pregnancy – American Pregnancy Association
Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh