✴️ U nang âm đạo

Nội dung

U nang là những khối dạng túi chứa đầy không khí, dịch hoặc các chất khác. Trong hầu hết các trường hợp, u nang không có hại cũng không gây đau đớn.

Các  nang có kích thước nhỏ đến kích thước của một quả cam. Những cục u này có thể xuất hiện bất cứ nơi nào trên cơ thể, bao gồm cả âm đạo.

U nang âm đạo có thể gây ra bởi những chấn thương âm đạo thông qua việc sinh con, bởi các khối u lành tính trong âm đạo, hoặc do sự tích tụ dịch tại âm đạo.

Các loại u nang âm đạo

Một số loại u nang là do chấn thương trong khi sinh, phẫu thuật hoặc là kết quả của các vật chất trong thời kì mang thai còn sót lại sau khi em bé được sinh ra.

U nang âm đạo tồn tại ở nhiều dạng khác nhau. Bao gồm:

  • U nang tuyến Bartholin: Là những u nang chứa đầy dịch hình thành trên tuyến Bartholin, nằm ở hai bên của cửa âm đạo có nhiệm vụ sản xuất dịch nhờn bôi trơn môi ngoài của âm đạo.
  • U nang thể vùi phúc mạc: Thông thường u này xuất hiện ở mặt dưới của thành âm đạo. Chúng có xu hướng rất nhỏ và khó có thể được phát hiện. Là một trong những dạng u nang phổ biến  có thể phát triển trên âm đạo được gây ra bởi chấn thương trong khi sinh hoặc phẫu thuật.
  • U nang Müllerian: Đây là một loại u nang phổ biến khác hình thành do kết quả của các chất còn sót lại sau khi sinh. Chúng phát triển bất cứ nơi nào trên thành âm đạo và thường chứa đầy dịch lỏng.
  • U nang ống Gartner: Có thể xảy ra khi các ống dẫn trong phôi không tự biến mất sau khi trẻ chào đời. Các ống dẫn còn sót lại có thể phát triển thành u nang âm đạo theo thời gian.

nang tuyến bartholinNang tuyến Bartholin

Nguyên nhân và yếu tố nguy cơ

U nang âm đạo rất có thể xảy ra khi một ống dẫn hoặc tuyến bị tắc, dẫn đến việc tích tụ dịch và các vật chất khác. Tùy vào nguyên nhân của một u nang âm đạo mà người ta có thể phân loại chúng.

Các yếu tố nguy cơ có khả năng nhất gây ra u nang bao gồm rách âm đạo khi sinh con, phẫu thuật làm tổn thương niêm mạc âm đạo hoặc cắt tầng sinh môn (vết cắt nhỏ giữa âm đạo và hậu môn) được thực hiện  khi sinh con để mở rộng âm đạo.

Các nang tuyến của Bartholin xảy ra khi ống đổ của tuyến Bartholin bị tắc nghẽn bởi vạt da bao phủ nó, gây ra sự tích tụ dịch lỏng.

Triệu chứng

U nang thường sẽ không được phát hiện cho đến khi có thăm khám sức khỏe sản phụ khoa. U nang âm đạo không có khả năng gây ra cho phụ nữ bất kỳ triệu chứng nào đáng chú ý. Tùy thuộc vào kích thước và vị trí, mà phụ nữ có thể hoặc không cảm thấy những triệu chứng của khối u.

Thông thường, bác sĩ phụ khoa sẽ phát hiện ra u nang trong lần thăm khám phụ khoa. Các nang này có thể giữ nguyên kích thước hoặc phát triển lớn hơn theo thời gian.

Hầu hết các u nang sẽ không đau. Tuy nhiên, một số u nang lớn hơn có thể gây khó chịu trong quan hệ tình dục, trong khi đi bộ hoặc tập thể dục.

Biến chứng

Biến chứng rất có thể xảy ra từ u nang là nhiễm trùng gây áp-xe. (chứa mủ và dịch có thể gây đỏ, đau và sưng). Nếu áp-xe hình thành, có thể cần phải được dẫn lưu.

Một số lượng lớn vi khuẩn thông thường và các vi khuẩn từ các bệnh lây truyền qua đường tình dục, chẳng hạn như chlamydia và lậu, có thể khiến u nang phát triển thành áp-xe. Trong các trường hợp khác, vi khuẩn thường được tìm thấy trong ruột, chẳng hạn như E.coli cũng có thể dẫn đến áp-xe Bartholin.

Khi nào đi khám bác sĩ

Phụ nữ nên đi khám phụ khoa hàng năm như một phần của việc chăm sóc sức khỏe thông thường. Ngoài ra, cần kiểm tra bất kỳ khối u mới nào trên âm đạo để đảm bảo rằng tính chất của khối u đó là lành tính.

Nếu u nang âm đạo trở nên đau đớn hoặc có dấu hiệu nhiễm trùng cần có biện pháp chẩn đoán và chữa trị kịp thời.

Điều trị

Trong hầu hết các trường hợp u nang âm đạo, điều trị là không cần thiết. Điều trị được áp dụng chỉ khi có cảm giác khó chịu hoặc đau đớn, kích thước của u nang lớn hoặc nếu có nhiễm trùng.

Nếu cần điều trị, một trong các lựa chọn sau có thể được sử dụng:

  • Thuốc kháng sinh, thường được kê đơn nếu u nang âm đạo bị nhiễm trùng, hoặc trong các trường hợp khi xét nghiệm cho thấy có nhiễm trùng lây qua đường tình dục. Nếu áp-xe đã hình thành và được dẫn lưu đúng cách, có thể không cần phải dùng kháng sinh.

  • Cắt bỏ tuyến, tiến hành trong các trường hợp hiếm gặp của u nang Bartholin.

  • Với u nang thường xuyên tái phát hoặc khó chịu, bác sĩ sẽ tiến hành đặt các mũi khâu ở mỗi bên của một vết rạch thoát dịch để tạo ra một lỗ mở vĩnh viễn. Một ống cao su được đưa vào để thúc dẫn lưu dịch trong một vài ngày sau khi làm thủ thuật đồng thời giúp ngăn ngừa tái phát.

Phòng ngừa

Sự phát triển của u nang âm đạo rất khó ngăn chặn. Phòng ngừa bằng cách giảm thiểu các tác nhân gây ra u nang như giữ cho âm đạo càng sạch càng tốt. Quan hệ tình dục an toàn có thể giúp ngăn ngừa nhiễm trùng từ các bệnh lây truyền qua đường tình dục.

Có thể bạn quan tâm: Khi nào cần siêu âm đầu dò âm đạo

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top