✴️ Khi nào cần siêu âm đầu dò âm đạo

Siêu âm đầu dò âm đạo là gì?

     Siêu âm là một phương tiện thường được dùng để chẩn đoán các bệnh lý của các cơ quan, đặc biệt là ở vùng bụng – chậu, bằng cách dùng sóng siêu âm có tần số cao tạo ra hình ảnh về cấu trúc bên trong cơ thể. Trong lãnh vực sản phụ khoa, thông qua hình ảnh siêu âm, bác sĩ có thể xem được sự phát triển, bất thường của các cơ quan hay bào thai.

Siêu âm qua ngã âm đạo là một loại siêu âm vùng chậu được các bác sĩ sử dụng để kiểm tra các cơ quan sinh sản nữ bao gồm tử cung, ống dẫn trứng, buồng trứng, cổ tử cung và âm đạo.

Không giống như siêu âm bụng hoặc vùng chậu thông thường, đầu dò nằm bên ngoài khung chậu, ở kỹ thuật này, đầu dò siêu âm sẽ được đặt vào khoảng 5-8cm trong âm đạo.

     

 Hình ảnh đầu dò siêu âm âm đạo

Nên tiến hành siêu âm đầu dò âm đạo khi nào?

     Có nhiều trường hợp cần siêu âm đầu dò âm đạo bao gồm:

  • Thăm khám phụ khoa hoặc đau vùng bụng – chậu bất thường
  • Chảy máu âm đạo chưa rõ nguyên nhân
  • Đau vùng chậu
  • Mang thai ngoài tử cung (xảy ra khi thai làm tổ bên ngoài tử cung, thường là trong ống dẫn trứng)
  • Khô âm đạo.
  • Kiểm tra u nang buồng trứng hoặc u xơ tử cung
  • Xác nhận rằng đặt vòng tránh thai đúng vị trí

Bác sĩ cũng có thể đề nghị siêu âm qua âm đạo trong thai kỳ để:

  • Theo dõi nhịp tim của thai nhi
  • Quan sát cổ tử cung để biết bất kỳ thay đổi nào có thể dẫn đến các biến chứng như sảy thai hoặc sinh non.
  • Kiểm tra bất thường của nhau thai.
  • Xác định nguyên nhân chảy máu bất thường.
  • Chẩn đoán nguy cơ sẩy thai.
  • Xác nhận có thai sớm.

Chuẩn bị siêu âm đầu dò âm đạo như thế nào?

     Trong hầu hết các trường hợp, siêu âm đầu do đòi hỏi ít sự chuẩn bị.

  • Thay đồ và mặc áo choàng dành cho khám sản phụ.
  • Tùy thuộc vào hướng dẫn của bác sĩ và lý do cần phải siêu âm, bàng quang có thể cần phải trống hoặc đầy một phần. Bàng quang đầy nước cho hình ảnh siêu âm rõ ràng hơn về các cơ quan ở vùng chậu.

Để bàng quang căng đầy, cần phải uống khoảng 800-1000ml nước khoảng một giờ trước khi tiến hành thủ thuật.

Nếu đang trong chu kỳ kinh nguyệt hoặc có chảy máu bất thường mà cần phải tiến hành siêu âm đầu dò, cần gỡ bỏ băng vệ sinh trước khi siêu âm.

     

Tư thế siêu âm đầu dò âm đạo

Điều gì xảy ra khi siêu âm qua ngã âm đạo?

     Khi tiến hành siêu âm, bệnh nhân nằm ngửa trên bàn khám, gập đầu gối. Để thuận lợi nhất, thường bác sĩ cho bệnh nhân kê một gối nhỏ phần mông.

Đầu dò siêu âm sẽ được bọc bằng bao cao su có kèm gel bôi trơn, sau đó đầu dò được đưa vào âm đạo. Đối với bệnh nhân có dị ứng với nhựa latex, cần thông báo với bác sĩ trước khi tiến hành cuộc thăm khám.

Bệnh nhân có thể cảm thấy một số áp lực hay khó chịu khi đầu dò được đưa vào, cảm giác này tương tự như thủ thuật phết tế bào cổ tử cung Pap khi bác sĩ đưa mỏ vịt vào âm đạo.

Đầu dò phát sóng âm và thu lại tín hiệu, tín hiệu này được mã hóa và cho ra hình ảnh các cơ quan vùng chậu. Trong quá trình tiến hành, đầu dò siêu âm có thể được xoay nhẹ để có được hình ảnh đầy đủ và tổng thể.

Bác sĩ có thể yêu cầu siêu âm truyền nước muối (SIS) vào lòng tử cung. Đây là một loại siêu âm đặc biệt liên quan đến việc đưa nước muối vô trùng vào tử cung trước khi siêu âm để giúp xác định bất kỳ bất thường nào có thể xảy ra bên trong tử cung. Dung dịch nước muối làm căng tử cung cung cấp hình ảnh chi tiết hơn về bên trong tử cung so với siêu âm thông thường. Tuy nhiên thủ thuật này không được thực hiện ở phụ nữ có thai hoặc đang có tình trạng nhiễm trùng.

Các yếu tố rủi ro khi siêu âm đầu dò âm đạo là gì?

     Không có rủi ro sức khỏe nào khi thực hiện siêu âm qua ngã âm đạo. Thực hiện siêu âm qua ngã âm đạo đối với thai phụ cũng an toàn cho cả mẹ và thai nhi do siêu âm hoàn toàn không sử dụng bức xạ.

Khi đầu dò được đưa vào âm đạo, một số bệnh nhân cảm thấy khó chịu. Tuy nhiên, sự khó thường không nhiều và sẽ biến mất sau khi hoàn tất.

Kết quả siêu âm đầu dò âm đạo cho thấy gì?

     Siêu âm đầu dò âm đạo giúp chẩn đoán nhiều tình trạng bệnh lý bao gồm:

  • Ung thư ở các cơ quan sinh sản
  • Đánh giá thai kì
  • U nang
  • U xơ
  • Nhiễm trùng vùng chậu
  • Mang thai ngoài tử cung
  • Sẩy thai
  • Phát hiện nhau tiền đạo

Tham khảo ý kiến bác sĩ về kết quả và phương án điều trị nếu cần thiết.

Tổng kết

     Hầu như không có các rủi ro khi tiến hành siêu âm đầu dò âm đạo mặc dù bệnh nhân có thể gặp một số khó chịu. Toàn bộ quá trình tiền hành mất khoảng 15 đến 20 phút và kết quả thường sẽ có ngay sau đó.

Thông thường, siêu âm vùng chậu hoặc bụng được thực hiện trước khi siêu âm qua ngã âm đạo tùy thuộc vào triệu chứng thực thể.

Nếu gặp quá nhiều khó chịu từ siêu âm đầu do và không thể thực hiện được phương pháp, bác sĩ có thể thực hiện siêu âm qua ngả bụng. Phương pháp này cũng được tiến hành đối với trẻ em khi cần hình ảnh vùng chậu.

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top