✴️ Hăm tã ở trẻ và cách xử lý

Nội dung

Thuật ngữ y khoa: viêm da do tã (diaper dermatitis) thuộc nhóm viêm da kích ứng do tiếp xúc (irritant contact dematitis) - chú ý nhé, không hề có chữ “dị ứng”.
Dấu hiệu sớm nhất của hăm tã thường là đỏ da hoặc các chấm nhỏ đỏ đỏ vùng bụng dưới, hai mông đít, bìu hoặc bím, ngấn đùi, bẹn - vùng da trực tiếp tiếp xúc với bỉm ướt bẩn. Hăm tã thường nhẹ, hiếm khi nặng nề và thường khỏi sau 3 - 4 ngày chăm sóc đúng cách.

Vì sao trẻ bị hăm?

Có hai cơ chế chính như sau:

1. Để bỉm ướt quá lâu không thay.

Ẩm ướt làm cho da dễ tổn thương hơn. Để bỉm ướt càng lâu, nước tiểu ngấm trong bỉm cùng vi khuẩn sản sinh ra các chất hoá học (như urease) làm tăng pH tại vùng da đó.

2. Để bỉm dính phân quá lâu không thay.

Các chất men tiêu hoá (như protease, lipase) tồn dư trong phân và sản sinh thêm nhờ vi khuẩn tấn công lớp da non nớt, khiến da mong manh dễ vỡ hơn. Vi khuẩn trong phân cũng làm suy giảm hệ khuẩn chí (vi khuẩn có lợi) trên da, tạo điều kiện cho vi khuẩn có hại bùng lên.
Ngoài ra, một vài tình trạng bệnh cũng làm con trẻ dễ hăm hơn như tiêu chảy xì xoẹt kéo dài, ăn sữa công thức (bú mẹ ít bị hơn), vừa phải điều trị kháng sinh “nặng” (dễ tiêu chảy, dễ nhiễm nấm).
Và dù bắt đầu do cơ chế nào thì một khi bề mặt da đã tổn thương, da sẽ càng trở nên mong manh trước các lần tiếp xúc tiếp theo với nước tiểu, phân và lại càng nhiễm thêm nấm, vi khuẩn bội nhiễm.

Mức độ

Bác sĩ sẽ căn cứ vào biểu hiện trên da và các triệu chứng toàn thân của cháu bé để phân độ nặng nhẹ (khác nhau về điều trị).

  • Hăm tã nhẹ khi: lác đác ban đỏ ở vị trí như mô tả, con không có biểu hiện khó chịu hay đau đớn.
  • Hăm tã mức độ trung bình: khi dát đỏ diện rộng ở vị trí như mô tả, kèm đau, kèm khó chịu (như hình đăng lúc sáng - đỏ rực cả mông đít).
  • Hăm tã nặng: khi dát đỏ diện rộng kèm phỏng nước, chợt loét trên da. Trẻ mệt mỏi, kích thích hoặc có biểu hiện nhiễm trùng nặng (li bì, sốt...)

Phân biệt

Nhiều bệnh na ná hăm tã. Đặc biệt là nếu hăm da kéo dài hoặc có triệu chứng khác đi kèm thì cần đi khám bác sĩ nhi hoặc da liễu để được khám sớm.
Hăm tã nhẹ - trung bình thường đỡ và khỏi trong hai đến ba ngày chăm sóc đúng cách. Kéo dài quá ba ngày tức là có vấn đề khác.
Nếu quá mốc ba ngày (đã chăm sóc đúng cách) mà vẫn chưa khỏi, khả năng cao là đã nhiễm thêm nấm Candida hoặc vi khuẩn (tụ cầu, liên cầu da). Việc này liên quan đến chỉ định thuốc mỡ, kem chống nấm và hoặc kháng sinh. Do đó, để tránh lạm dụng (tự mua) thuốc sai cách, chúng tớ không nói cụ thể ở đây. Các bạn chỉ cần nhớ là, nếu sau BA ngày không đỡ dù mẹ đã làm theo cách dưới đây, thì cần đi khám chuyên khoa.


Cách xử trí hăm tã

Chăm sóc da vùng đóng bỉm

  • Thay bỉm thường xuyên, giảm tối đa thời gian ướt đít.

  • Mỗi ngày cần có vài tiếng không đóng bỉm (để thoáng).

  • Rửa mông đít với nước ấm và dung dịch vệ sinh có pH trung tính (như nhiều mẹ đã chia sẻ là Ceta-, Lacta-)

  • Nếu ở nhà sẵn nước ấm, hạn chế dùng giấy ướt. Dù là loại không cồn không mùi, nhưng methyl-iso-thiazolion trong khăn ướt có thể gây dị ứng. Ở Mỹ vẫn cho dùng, còn ở Anh là khuyên không nên dùng.

Chọn loại bỉm

  • Sử dụng bỉm nguyên tem mác, hãng uy tín.

  • Bỉm dùng một lần thì tốt hơn.

  • Bỉm hay tã đều được, miễn là thay thường xuyên được.

     chăm sóc da vùng bỉm đúng cách

Bôi kem bảo vệ

  • Tác dụng như là hàng rào che chở cho bờ mông trước bỉm.

  • Thuốc mỡ thì tốt hơn kem và lotion do kem và lotion có thể có chất tạo mùi và phụ gia. Nói chung là càng thuần tuý không màu không mùi càng tốt.

  • Các loại kem chứa kẽm oxid, petrolatum, lanolin, silicone oil có thể tìm mua tại các quầy dược mỹ phẩm.

  • Đắp dày.

  • Đắp mỗi lần thay tã (sau khi rửa sạch thấm khô).

  • Sau khi đắp thì phủ thêm một lớp Vaseline để chống dính vào bỉm.

  • Tuỳ mức độ, các bác sĩ sẽ kê thêm kem bôi hydrocortisone hoặc chống nấm hoặc kem kháng sinh.

Phòng ngừa

  • Dùng bỉm giấy hoặc bỉm gì cũng được miễn là thay thường xuyên và có lúc để thoáng cho mát.

  • Không cố rửa ráy quá nhiều lần. Đặc biệt là khi đã có dấu hiệu hăm. Chỉ cần rửa nhẹ nhàng với nước ấm. Sau rửa thấm nhẹ bằng khăn tắm khô. Khi da đã hăm, dùng bình nước phun nhẹ rửa trôi hoặc dùng thêm dầu khoáng khi lau rửa, thay lớp kem chống hăm mới hay lau sạch vết phân khô bám dính.

  • Hạn chế dùng giấy ướt khi con bị hăm tã. Chỉ dùng khi không ở nhà hoặc đang vội không lau rửa được.

Lưu ý không được dùng:

  • Không dùng bột talc (phấn rôm) vì không có tác dụng hàng rào bảo vệ và có nguy cơ hít vào phổi và nguy cơ bệnh lý phụ khoa ở trẻ gái (J&J từng bị kiện với sản phẩm phấn rôm huyền thoại của họ).

  • Không dùng baking soda và các thể loại có chứa acid boric (đọc kĩ mác nhé các mẹ) do nguy cơ ngộ độc.

  • Các sản phẩm có chứa thành phần sau cũng không dùng: neomycin, phenol, benzocain, camphor, salicylate. Đây là các chất rất hay gặp ở các thần dược chữa hăm. Không dùng vì nguy cơ ngộ độc, tan máu.

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top