✴️ Hội chứng bìu cấp ở trẻ em

ĐẠI CƯƠNG

Hội chứng bìu cấp là biểu hiện cấp tính tình trạng sưng, đỏ, đau vùng bìu và là một trong những cấp cứu nhi thường gặp. Các nguyên nhân gây hội chứng bìu cấp gồm có xoắn tinh hoàn, xoắn phần phụ tinh hoàn, viêm mào tinh - tinh hoàn, thoát vị bẹn nghẹt, tràn dịch tinh mạc cấp, bướu tinh hoàn, dãn tĩnh mạch tinh, phù nề bìu vô căn, Henoch - Scholein. Trong đó xoắn tinh hoàn chiếm tỷ lệ cao trong các trường hợp hội chứng bìu cấp ở trẻ thiếu niên, đe dọa gây tổn thương tinh hoàn không hồi phục nếu bị xoắn kéo dài trên 8 giờ nên phải được theo dõi cấp cứu cho đến khi loại trừ được hoàn toàn. 

 

XOẮN TINH HOÀN

Định nghĩa:

Xoắn tinh hoàn là xoắn các cấu trúc của thừng tinh, làm ngăn cản dòng máu đến tinh hoàn và mào tinh dẫn đến tinh hoàn có thể bị hoại tử.

Tần suất:

Tần suất mắc bệnh là 1:160 nam giới. Có thể gặp ở mọi lứa tuổi, 2/3 trường hợp ở tuổi thanh niên, hai đỉnh cao là chu sinh và dậy thì.

Cơ chế:

Hiện chưa được hiểu biết rõ ràng. Có những yếu tố liên quan như sự co kéo của cơ nâng tinh hoàn, cơ Dartos và tăng testosteron. Mức độ và thời gian xoắn quyết định thương tổn tinh hoàn (xoắn nhẹ sẽ làm tắc tĩnh mạch dẫn đến phù nề tinh hoàn và gây đau. Xoắn nặng hơn và kéo dài làm nghẽn tĩnh mạch và sau đó là động mạch, dẫn đến hoại tử tinh hoàn)

Nguyên nhân và phân loại

Xoắn ngoài bao tinh mạc: chiếm khoảng 5%, xuất hiện trong thời kỳ bào thai, trong khi chuyển dạ (nhất là trường hợp đẻ khó, con so, nặng cân), trẻ sơ sinh, tinh hoàn không xuống bìu không được cố định vì vậy dễ bị xoắn

Xoắn trong bao tinh mạc: do bất thường vị trí bám của màng tinh hoàn vào thừng tinh (bám cao), tinh hoàn không được cố định và có thể xoắn.

Xoắn giữa mào tinh và tinh hoàn nếu có phân ly mào tinh - tinh hoàn.

Chẩn đoán

Bệnh sử: 

Chú trọng triệu chứng khởi phát, đặc tính cơn đau, đánh giá độ trầm trọng các triệu chứng.

Đau bìu là triệu chứng đầu tiên (80% trường hợp), đau đột ngột, dữ dội, tăng dần bắt đầu từ bìu lan đến bẹn. Một số ít trường hợp đau có thể khởi đầu từ hố chậu. 20% trường hợp có tiền sử chấn thương vùng bìu. Khoảng 1/3 trường hợp có tiền sử đau vùng bìu thoáng qua, có thể là do các đợt xoắn nhanh tự hết. Bệnh nhân có thể kèm theo buồn nôn, nôn, sốt nhẹ.

Khám lâm sàng: quan sát vùng bẹn bìu, sờ bụng, bẹn, bìu, tinh hoàn, mào tinh hoàn.

Ở tuổi thiếu niên biểu hiện với bìu căng lên, sưng to, phù nề ở tinh hoàn và dọc theo thừng tinh. Mất phản xạ da bìu. Tinh hoàn to chắc, nằm ở cao, một số ít trường hợp nằm ngang hơn bình thường, ấn đau tại tinh hoàn và dọc theo thừng tinh.

Ở tuổi sơ sinh dấu hiệu bìu to, đỏ rất dễ bị bỏ sót vì ít đau, thường cho là do sang chấn sản khoa, nếu xoắn thừng tinh xảy ra trong thời kỳ bào thai thường biểu hiện một khối ở bìu bầm, mật độ chắc, không đau.

Xoắn tinh hoàn ẩn: bệnh nhân thường xuất hiện một khối căng, nóng, đỏ, đau ở bẹn, khám tinh hoàn cùng bên không có ở bìu.

Cận lâm sàng:

Chụp đồng vị phóng xạ Tc99m (giảm máu tới tinh hoàn và không thấy có mạch máu trong tinh hoàn là dấu hiệu của xoắn tinh hoàn, trong khi luồng máu đến nhiều hơn trong viêm mào tinh hoàn, độ chính xác đạt tới 95%).

Siêu âm Doppler màu (xác định luồng máu tới tinh hoàn)

Trong điều kiện nước ta hiện nay chẩn đoán xoắn tinh hoàn vẫn chủ yếu dựa vào lâm sàng và siêu âm Doppler màu.

Điều trị

Chỉ định phẫu thuật: đây là một cấp cứu nhi nên có chỉ định mổ khẩn ngay khi có chẩn đoán lâm sàng. Ngoài ra nếu lâm sàng không loại trừ được xoắn cũng có chỉ định mổ thám sát.

Phương pháp phẫu thuật: đối với trẻ lớn

Rạch da theo đường nếp bìu hay đường giữa bìu.

Đưa tinh hoàn ra ngoài và tháo xoắn.

Đánh giá tình trạng tinh hoàn qua màu sắc và khả năng chảy máu qua đường rạch bao tinh mạc.

Nghi ngờ: đắp gạc ấm và chờ khoảng 20 phút nếu tinh hoàn hồng trở lại có thể giữ tinh hoàn.

Khâu cố định tinh hoàn bằng cách khâu lộn tinh mạc ra ngoài và cố định bao tinh mạc vào cân dartos

Tinh hoàn bị hoại tử hoặc không có khả năng hồi phục: cắt bỏ tinh hoàn (vì giữ lại sẽ có thể làm cho tinh hoàn đối diện không sản xuất được tinh trùng do cơ chế tự miễn).

Cố định tinh hoàn bên đối bên bằng cách khâu lộn bao tinh mạc và cố định vào dartos

Theo dõi

Bệnh nhân có thể xuất viện vào ngày hôm sau - Các biến chứng: chảy máu, nhiễm trùng, bung vết mổ, teo tinh hoàn. - Tái khám sau một tuần. Tinh hoàn hết đau, da bìu bớt sưng đỏ, hết đau.

 

XOẮN PHẦN PHỤ TINH HOÀN

Đinh nghĩa:

Phần phụ tinh hoàn là di tích phôi thai của phần trên ống Muller, tồn tại như một nang nước ở ống dẫn tinh, mào tinh và cực trên tinh hoàn (92%).

Tần suất:

Gặp nhiều hơn xoắn tinh hoàn, thường gặp nhất ở lứa tuổi tiền dậy thì.

Lâm sàng:

Ít cấp tính hơn xoắn tinh hoàn, đau ít hơn. Trường hợp điển hình khi khám nắn thấy một cục nhỏ di động, chắc, đau nằm giữa mào tinh và tinh hoàn , tinh hoàn bình thường. Da bìu có dấu hiệu đốm xanh blue -dot sign ở cực trên tinh hoàn, phản xạ da bìu còn.

Điều trị:

Nội khoa nếu có chẩn đoán xác định. Dùng kháng viêm không steroid, phẫu thuật nếu vẫn không loại trừ xoắn tinh hoàn.

Theo dõi:

Vài ngày sau bệnh sẽ hết triệu chứng đau.

 

VIÊM MÀO TINH HOÀN

Tuổi:

Xảy ra bất kể lứa tuổi nào

Nguyên nhân:

Trào ngược nước tiểu nhiễm trùng hoặc các bệnh mắc phải lây qua đường tình dục như lậu hay Clamydia

Lâm sàng:

Đau xuất hiện từ từ kèm sốt và các triệu chứng viêm đường tiết niệu như tiểu gắt, tiểu mủ. Khám sờ tinh hoàn không đau, mào tinh to, chắc và đau. Phản xạ da bìu (+)

Cận lâm sàng:

Tổng phân tích nước tiểu có bạch cầu, nước tiểu đục và cấy nước tiểu dương tính. Siêu âm Doppler màu thấy tăng luồng máu tới mào tinh, tinh hoàn

Điều trị:

Kháng sinh

 

VIÊM TINH HOÀN

Ít gặp ở trẻ em

Nguyên nhân:

Thường là do virus nhất là quai bị

Lâm sàng:

Khám thấy tinh hoàn đau, da bìu đỏ, phù nề, ấn dọc thừng tinh không đau. Phản xạ da bìu (+)

Điều trị:

Triệu chứng là chính, kháng sinh không có chỉ định

 

LƯU ĐỒ CHẨN ĐOÁN VÀ XỬ TRÍ

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top