Mụn ở trẻ sơ sinh là một tình trạng phổ biến, thường tạm thời ở trên da mặt hay da cơ thể của bé. Tình trạng này gây những mụn nhỏ màu đỏ hay trắng. Ở hầu hết các trường hợp, mụn sẽ tự biến mất mà không cần điều trị.
Mụn ở trẻ sơ sinh còn được gọi là mụn trứng cá ở trẻ sơ sinh. Tình trạng này gặp ở khoảng 20% trẻ sơ sinh.
Mụn ở trẻ sơ sinh khác với mụn ở trẻ nhũ nhi ở chỗ chúng không có đầu trắng mở hay đầu đen. Mụn ở trẻ nhũ nhi còn có thể có dạng nang hay nốt. Ở một vài trường hợp hiếm gặp, chúng có thể để lại sẹo nếu không được chữa trị.
Mụn sơ sinh chỉ xuất hiện trong vài tháng tuổi đầu của bé. Mụn nhũ nhi có thể tồn tại đến khi trẻ được 2 tuổi. Mụn nhũ nhi ít phổ biến hơn mụn sơ sinh.
Vẫn chưa rõ các nguyên nhân gây ra mụn sơ sinh. Một vài nhà nghiên cứu cho rằng chúng được tạo ra bởi các hormone của mẹ hay trẻ.
Cũng giống như mụn trứng cá ở người vị thành niên hay trưởng thành, mụn sơ sinh thường là các nốt mụn sưng lên màu đỏ. Mụn mủ hay mụn đầu trắng cũng có thể mọc, vùng da xung quanh mụn có thể sưng đỏ.
Mụn có thể mọc ở bất kỳ vị trí nào trên mặt trẻ, nhưng thường gặp nhất là ở vùng gò má. Một vài trẻ cũng có thể nổi mụn ở phần lưng trên hay cổ của trẻ.
Mụn có thể trở nên dễ dàng nhận biết hơn nếu trẻ quấy khóc. Vải thô, nước bọt hay chất nôn có thể làm khó chịu vùng bị mụn.
Mụn sơ sinh thỉnh thoảng xuất hiện ngay khi trẻ được sinh ra. Nhưng, ở hầu hết các trường hợp chúng sẽ nổi lên trong vòng 2-4 tuần sau sanh. Và mụn sẽ tồn tại trong vòng vài ngày hay vài tuần, mặc dù trong một vài trường hợp chúng có thể sẽ không mất đi trong vòng vài tháng.
Những tình trạng tương tự bao gồm chàm, ban đỏ nhiễm độc, mụn thịt.
Chàm thường xuất hiện dưới dạng các nốt đỏ ở trên mặt. Chúng cũng có thể xuất hiện trên đầu gối hay khuỷu tay khi trẻ lớn hơn. Chàm có thể bị bội nhiễm gây ra hình thái màu vàng và khô cứng. Tình trạng có thể trở nên xấu hơn nếu trẻ bắt đầu bò và là xước đầu gối hay khuỷu của chúng. Bác sĩ thường sẽ phân biệt được mụn sơ sinh và chàm một cách dế dàng.
Dạng thường gặp nhất của chàm là viêm da dị ứng.
Bệnh chàm tiết bã là dạng dễ nhầm với mụn sơ sinh nhất. Bệnh còn được biết đến với tên Viêm da tiết bã.
Chàm có thể được điều trị bởi các thuốc không cần kê đơn như Aquaphor và Vanicream. Các loại thuốc đặc trị liều nhẹ cũng có thể được bác sĩ kê đơn.
Bác sĩ cũng có thể sẽ yêu cầu bạn dọn bỏ các tác nhân dị ứng khỏi nhà và cho con bạn dùng men tiêu hóa.
Ban đỏ nhiễm độc là một bệnh ngoài da thường gặp khác mà cũng có triệu chứng là các mụn nhỏ màu đỏ. Chúng có thể xuất hiện ở mặt, ngực hay chi của bé trong vài ngày tuổi đầu.
Chúng vô hại và thường biến mất sau 1 tuần tuổi.
Mụn thịt là những mụn trắng nhỏ thường mọc ở trên mặt trẻ. Chúng được hình thành khi các tế bào da chết bị rớt vào các lỗ nhỏ trên da và thường xuất hiện trong vòng vài tuần đầu sau khi sinh.
Mụn thịt không có mối liên hệ với mụn sơ sinh và không cần phải điều trị.
Mụn sơ sinh thường sẽ biến mất mà không cần điều trị.
Một vài trẻ sẽ bị mụn đến tận vài tháng thay vì vài tuần. Để điều trị loại mụn cứng đầu này, bác sĩ sẽ kê đơn một vài loại kem hay thuốc mỡ bôi để giúp trị mụn.
Đừng cho trẻ dùng các loại thuốc trị mụn không kê đơn, sữa rửa mặt, hay kem dưỡng da. Da của trẻ rất nhạy cảm ở độ tuổi này, nên bạn có thể đang làm cho tình trạng trẻ nặng thêm hay tạo ra thêm vấn đề ngứa da khi sử dụng các sản phẩm đó.
Trong lúc chờ cho mụn của trẻ biến mất thì có một số việc bạn có thể làm để giúp giữ cho da của trẻ khỏe mạnh hơn:
Rửa mặt cho trẻ thường xuyên với nước ấm. Giờ tắm là thời điểm tốt nhất để rửa mặt cho trẻ. Bạn không cần phải dùng thêm bất cứ gì ngoài nước ấm, nhưng nếu bạn muốn thì có thể dùng xà phòng nhẹ hay nước rửa mặt không xà phòng. Đừng do dự về việc hỏi ý kiến bác sĩ.
Các sản phẩm không chứa hương liệu là các chất ít khả năng gây kích ứng da trẻ nhất.
Những sản phảm với retinoid (chất có liên quan với Vitamin A), hay erythromycin, thường được dùng để điều trị mụn ở người trưởng thành. Tuy nhiên, chúng thường không được khuyến cáo dùng cho trẻ em.
Đừng dùng bất cứ sản phẩm xà phòng thơm, sữa tắm tạo bọt hay bất kỳ dạng xà phòng nào khác có chứa nhiều chất hóa học.
Kem hay tinh chất dưỡng da có thể làm trầm trọng thêm tình trạng da của trẻ và làm mụn nặng thêm.
Lau mặt cho trẻ bằng khăn lông có thể làm da trẻ nặng thêm. Thay vào đó, lau nhẹ bằng một tấm vải sạch mỏng, lau chuyển động theo hình vòng tròn.
Sau khi nước rửa mặt được lau sạch, dùng khăn lông chạm thấm nhẹ lên mặt trẻ để làm khô.
Không nặn hay ngắt mụn vì có thể làm kích ứng da trẻ và làm cho tình trạng tồi tệ hơn.
Mụn sơ sinh thường vô hại. Chúng không làm cho trẻ ngứa hay đau. Mụn sẽ tự biến mất nhanh chóng.
Không có điều trị đặc hiệu cho mụn sơ sinh, nhưng bạn vẫn nên đến gặp bác sĩ nếu như lo lắng về nó. Khám sức khỏe định kỳ cho trẻ là thời điểm thích hợp nhất để hỏi bác sĩ về mụn sơ sinh, và bàn về những thắc mắc khác liên quan đến sức khỏe của trẻ.
Nên khám bác sĩ ngay khi trẻ có mụn đầu đen, mụn mủ hay bị viêm. Nếu như trẻ đau hay khó chịu thì bạn cũng nên cho trẻ đi khám ngay.
Nếu như mụn không tự hết sau nhiều tháng, bác sĩ có thể sẽ cho trẻ dùng thuốc bôi có chứa 2.5% benzoyl peroxide.
Ở những trường hợp hiếm gặp, bác sĩ có thể cho dùng kháng sinh, như erythromycin hay isotretinoin, để phòng sẹo vĩnh viễn ở trẻ. Đối với trẻ, chuyện này thường chỉ xảy ra khi trẻ bị mụn nặng do tình các bệnh nền khác.
Mụn sơ sinh không tái phát, nhưng nếu trẻ có mụn trước tuổi dậy thì, bạn nên cho trẻ đi khám vì đây có thể là dấu hiệu của một bệnh nền khác.
Một vài tình trạng hiếm gặp khác cũng có thể gây ra mụn không đáp ứng với các biện pháp thông thường. Những tình trạng này bao gồm u, tăng sản tuyến thượng thận bẩm sinh, và một vài bệnh nội tiết khác.
Nếu con gái của bạn có các dấu hiệu của dậy thì sớm, nên đi khám bác sĩ ngay. Các triệu chứng có thể bao gồm phát triển lông tóc quá mức hay da nhờn bất thường.
Xem thêm: Mụn sơ sinh hay phát ban - 5 loại bệnh khác nhau và cách điều trị
Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh