✴️ Hồi đầu thảo

Nội dung

Hồi đầu thảo là dược liệu có tính bình, vị đắng, được y học cổ truyền sử dụng trong các bài thuốc chữa mụn nhọt, đau dạ dày, bế kinh, cao huyết áp ở phụ nữ. Dưới đây là liều lượng và cách sử dụng cây thuốc này phù hợp với từng bệnh.

Tên gọi khác: Cỏ vùi đầu, Cây vạn bố, Vùi sầu, Vùi đầu thảo, Mần tảo lấy (dân tộc Tày), Hồi đầu thảo, Thủy điền thất, Bơ bỉa mến ( dân tộc Thái )

Tên gọi trong khoa học: Tacca plantaginea (Hance) Drenth.

Họ: Taccaeae ( Râu hùm)

 

Mô tả về cây hồi đầu thảo

+ Đặc điểm thực vật

Hồi đầu thảo là cây thân thảo có hoa được khoa học miêu tả lần đầu tiên vào năm 1972. Cây trưởng thành có chiều cao trung bình dao động từ 15 – 25cm.

Củ hình tròn hoặc hình trứng do rễ cây phình to.

Lá cây xanh mướt, phình to và nhọn ở đầu. Lá phát triển trực tiếp từ củ (thân rễ) do cây không có thân. Cuống lá có chiều dài khoảng 5 – 7 cm. Mỗi lá dài khoảng 10 – 20cm và rộng từ 2 đến 5 cm. Mặt trên lá nhẵn bóng nhìn rõ các phiến chạy dọc từ cuống cho đến tận đầu lá.

Hoa hồi đầu thảo màu tím, mọc thành cụm hình tán, ra từ tháng 9 – tháng 12 trong năm. Mỗi cụm gồm 6 – 10 hoa mọc chung trên một cái cán dẹt và có khuynh hướng mọc cong dần xuống. Mỗi bao hoa gồm 6 phiến, trong khi đó báo chung lại chứa 4 lá bắc nhỏ có màu tím.

Quả: Cây cho quả dạng nang. Đỉnh quả mở không đều. Bên trong chứa hạt nhỏ có vỏ ngoài màu nâu, hình thoi.

+ Phân bố

Cây hồi đầu thảo phát triển chủ yếu ở các nước châu Á như Trung Quốc, Việt Nam, Malaysia, Indonesia, Ấn Độ, Myanma, Lào… Cây mọc hoang và sinh trưởng mạnh trong môi trường ẩm mát, chẳng hạn như ven sông suối, trong rừng.

Tại Việt Nam, hồi đầu thảo được tìm thấy ở một số tỉnh miền núi phía Bắc có độ cao thấp, chẳng hạn như Lạng Sơn hay Cao Bằng.

+ Bộ phận dùng

Củ hồi đầu thảo ( thân rễ ) chính là bộ phận được thu hoạch làm thuốc chữa bệnh. 

+ Đặc điểm dược liệu

Củ hồi đầu thảo có dạng tròn hoặc hình trứng. Ruột bên trong màu vàng. Nếm có vị nhạt, mùi hăng tương tự như mùi củ nghệ. Khi được phơi khô, dược liệu chuyển sang màu be nhạt, mùi hăng đã được khử hết và thơm như củ tam thất.

+ Thu hái – Sơ chế

Cây hồi đầu thảo thường được trồng vào mùa xuân hoặc mùa thu bằng cách sử dụng củ giống. Đến mùa hè và mùa thu có thể thu hoạch được.

Toàn bộ cây sẽ được nhổ lên. Sau đó cắt bỏ lá và phần rễ con mọc xung quanh củ, đem rửa sạch đất cát. Dùng ngay hoặc phơi/sấy khô.

+ Bào chế dược liệu

Khi sử dụng, củ hồi đầu thảo được đem ủ cho mềm. Sau đó thái lát mỏng đem tẩm với gừng tươi, cho vào chảo nóng sao vàng.

+ Thành phần hóa học của hồi đầu thảo

Củ hồi đầu thảo chứa thành phần chủ yếu là saponin steroid. Chất này đem thủy phân sẽ giải phóng diosgenin với hàm lượng dao động trong khoảng 1,12 – 1,14%.

 

Vị thuốc hồi đầu thảo

Thông tin về tính vị, quy kinh, tác dụng dược lý, chủ trị, liều lượng và cách sử dụng vị thuốc hồi đầu thảo.

+ Tính vị: 

Vị đắng, hơi the

Tính bình

+ Quy kinh

Đang chờ cập nhật

+ Tác dụng dược lý

Theo y học cổ truyền, hồi đầu thảo có công dụng bổ máu, chống ứ trệ khí huyết, làm tan máu bầm, thông kinh, tiêu thũng, giảm sưng, nhuận tràng, kích thích tiêu hóa, điều hòa chu kỳ kinh nguyệt, lợi mật.

công dụng của hồi đầu thảo

Củ hồi đầu thảo được có vị đắng, tính bình được thu hoạch làm thuốc chữa bệnh

 

+ Chủ trị:

Bế kinh, đau bụng kinh, kinh nguyệt không đều, cao huyết áp ở phụ nữ

Đau dạ dày

Viêm gan mãn tính

Táo bón

Mụn nhọt

Vết bầm tím sưng tấy ngoài da

Đau thượng vị

Viêm tá tràng

Tiêu hóa kém

+ Liều lượng – Cách sử dụng

Uống trong: Mỗi ngày uống 2 – 4 g củ ở dạng bột, viên hoàn hoặc 6 – 12g dạng sắc uống. Ngoài ra có thể dùng hồi đầu thảo ngâm rượu uống.

Dùng ngoài không kể liều lượng. 

 

Bài thuốc chữa bệnh sử dụng hồi đầu thảo

Hồi đầu thảo được sử dụng trong nhiều bài thuốc chữa bệnh của y học cổ truyền. Với mỗi chứng bệnh thì cần điều chỉnh liều lượng sử dụng sao cho phù hợp.

1. Bài thuốc điều trị mụn nhọt, sưng tấy da do chấn thương

Theo lương y Lê Trần Đức, những trường hợp đang bị mụn nhọt hoặc chấn thương gây sưng tấy ngoài da có thể dùng dược liệu này làm thuốc uống và đắp ngoài da theo cách sau:

Chuẩn bị: Cây và củ hồi đầu thảo tươi

Cách sử dụng: Rửa sạch dược liệu đã chuẩn bị. Tất cả cho vào cối giã nát rồi chế thêm một ít nước đun sôi để nguội vào ( có thể thay thế bằng giấm ). Bọc hỗn hợp vào một miếng vải sạch, vắt kiệt lấy nước uống. Bã dùng để đắp trực tiếp bên ngoài khu vực cần điều trị.

2. Điều trị máu xấu, kinh nguyệt ít, đau bụng trong kỳ hành kinh, chu kỳ kinh nguyệt không đều

Chuẩn bị: Hồi đầu thảo dạng khô

Cách sử dụng: Dược liệu đem tán thành bột mịn, đóng bịch ni lông hoặc cất vào trong lọ có nắp đậy để dùng trong thời gian dài. Mỗi ngày lấy 10g pha với nước đun sôi để nguội uống. Thời gian bắt đầu uống thuốc là sau ngày có kinh khoảng 2 tuần. Một liệu trình điều trị kéo dài trong 10 ngày. Sau 2 – 3 đợt uống thuốc chu kỳ kinh nguyệt sẽ ổn định, máu tốt, da dẻ hồng hào nhuận sắc hơn.

3. Bài thuốc trị chứng cao huyết áp cho nữ giới

Trong sách Tài nguyên cây thuốc Việt Nam có chia sẻ bài thuốc chữa cao huyết áp dành cho phụ nữ như sau:

Chuẩn bị: Củ gấu ( hương phụ ) 18g, hồi đầu thảo 20g

Cách sử dụng: Củ gấu tẩm với muối hoặc với giấm, rượu ( được gọi là hương phụ tử chế ). Sau đó cho vào ấm cùng với hồi đầu thảo. Chế vào 300ml nước sạch, nấu sôi, vặn lửa nhỏ canh cho đến khi nước sắc cạn còn khoảng 200ml thì ngưng. Cứ mỗi ngày lại sắc 1 thang thuốc theo cách như trên rồi chia làm 3 lần uống. Đều đặn sử dụng hàng ngày cho đến khi huyết áp được giữ ở mức ổn định.

4. Điều trị bế kinh đau bụng 

Bế kinh hay còn gọi là tắt kinh chỉ tình trạng phụ nữ không hành kinh liên tục trong nhiều tháng. Nguyên nhân là do rối loạn nội tiết tố, mãn kinh sớm, thức khuya thường xuyên hoặc do căng thẳng quá mức. Sử dụng hồi đầu thảo đúng cách có thể giúp khắc phục bệnh lý này.

– Cách 1: 

Chuẩn bị: 20g hồi đầu thảo khô, 1 chén rượu trắng khoảng 10ml 

Cách sử dụng: Tán dược liệu thành bột mịn rồi uống chung với rượu.

– Cách 2: 

Chuẩn bị: Hồi đầu thảo và rượu trắng có nồng độ từ 36 – 40 độ. Cứ 1kg dược liệu thì cần 3 lít rượu.

Cách sử dụng: Dược liệu đem tán bột. Cho vào một cái bình thủy tinh có kích thuốc vừa phải rồi đổ rượu vào ngâm cùng. Mỗi ngày gạn uống 2 lần x 20ml/ lần. Khi uống nên lắc bình rượu để bột thuốc phân tán đều, không bị lắng xuống dưới đáy.

5. Điều trị bệnh viêm gan mãn tính và các vấn đề ở đường tiêu hóa (đau dạ dày, tiêu hóa kém, táo bón, viêm tá tràng, đau tức ở khu vực thượng vị và mỏ ác)

Chuẩn bị: Dược liệu khô 

Cách sử dụng: Nghiền hồi đầu thảo thành bột mịn. Mỗi ngày uống 6 – 10g. Trong quá trình điều trị cần kiêng dùng giấm, rượu.

**Lưu ý: Mặc dù lành tính nhưng hồi đầu thảo được sử dụng đúng cách, đúng liều lượng mới đem lại hiệu quả. Tham khảo ý kiến thầy thuốc trước khi dùng.

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top