✴️ Những điều cần biết về nhiễm trùng huyết ở trẻ sơ sinh

Nội dung

Các triệu chứng của nhiễm trùng huyết như thế nào?

Phát hiện sớm và điều trị kịp thời nhiễm trùng huyết giúp giảm nguy cơ biến chứng nặng và tử vong. Các triệu chứng nhiễm trùng huyết có thể khác nhau tuy nhiên có thể bao gồm một hoặc nhiều triệu chứng sau:

  • Nhịp thở, nhịp tim nhanh;
  • Hụt hơi;
  • Đau hoặc khó chịu;
  • Nôn mửa;
  • Sốt;
  • Da sần sùi hoặc nhợt nhạt;
  • Hạ thân nhiệt, tay chân lạnh;
  • Run rẩy.

Một số triệu chứng trên thường gặp ở trẻ sơ sinh và không nhất thiết là dấu hiệu của nhiễm trùng huyết. Tuy nhiên, nếu em bé có biểu hiện mắc bệnh và xuất hiện một hoặc nhiều triệu chứng trên thì cần đưa trẻ đi khám càng sớm càng tốt.

Điều gì có thể gây nhiễm trùng huyết ở trẻ sơ sinh?

Nhiễm trùng huyết là một phản ứng quá mức của hệ thống miễn dịch đối với nhiễm trùng ở một vị trí trong cơ thể. Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Hoa Kỳ (CDC), hầu hết các trường hợp nhiễm trùng huyết là do nhiễm vi khuẩn. Tuy nhiên, nhiễm trùng huyết cũng có thể xảy ra khi phản ứng với nhiễm vi rút, nấm hoặc ký sinh trùng.

Một báo cáo trường hợp năm 2016 ghi nhận rằng hầu hết các trường hợp nhiễm trùng huyết bắt nguồn từ nhiễm trùng đường hô hấp hoặc đường máu.

Trẻ em dưới 1 tuổi có nhiều nguy cơ bị nhiễm trùng huyết, đặc biệt nếu chúng sinh non hoặc mẹ của chúng bị nhiễm trùng khi mang thai. Các yếu tố nguy cơ khác của nhiễm trùng huyết bao gồm hệ thống miễn dịch suy yếu hoặc tình trạng sức khỏe mãn tính, chẳng hạn như:

  • Bệnh tiểu đường;
  • Bệnh phổi;
  • Bệnh thận.

Những lựa chọn điều trị

Nhiễm trùng huyết là một trường hợp khẩn cấp đối với bất kỳ ai, kể cả trẻ sơ sinh. Nếu nghi ngờ con mình bị nhiễm trùng huyết nên đưa trẻ đến phòng cấp cứu ngay lập tức để được điều trị chuyên khoa.

Phương pháp điều trị đầu tiên cho nhiễm trùng huyết là dùng kháng sinh tiêm tĩnh mạch (IV) để giúp chống lại nhiễm trùng. Ngoài ra, bác sĩ sẽ cung cấp các phương pháp điều trị để giúp ổn định trẻ sơ sinh và giảm nguy cơ biến chứng sau này như:

  • Bù dịch và chất điện giải đường tĩnh mạch (IV);
  • Thuốc trợ tim;
  • Thuốc huyết áp;
  • Máy trợ thở;
  • Thuốc an thần.

Việc điều trị nhiễm trùng huyết có thể mất thời gian và có thể phải nằm viện vài tuần. Trong một số trường hợp có thể cần điều trị tại phòng chăm sóc đặc biệt.

Nhiễm trùng huyết ở trẻ sơ sinh chẩn đoán như thế nào?

Bác sĩ sẽ thực hiện các xét nghiệm chẩn đoán để xác định nguyên nhân cơ bản của nhiễm trùng huyết. Biết được nguyên nhân là chìa khóa để đưa ra phương pháp điều trị thích hợp. Một số xét nghiệm chẩn đoán có thể sử dụng để chẩn đoán các bệnh nhiễm trùng cơ bản bao gồm:

  • Xét nghiệm nước tiểu;
  • Xét nghiệm máu;
  • Xét nghiệm dịch tủy sống.

Trong một số trường hợp, bác sĩ có thể thực hiện các kỹ thuật chẩn đoán hình ảnh y tế để kiểm tra tổn thương các cơ quan của cơ thể và các mô khác. Ví dụ về các thử nghiệm này bao gồm:

Các yếu tố nguy cơ của nhiễm trùng huyết là gì?

Tất cả trẻ sơ sinh đều có thể bị nhiễm trùng huyết, mặc dù một số trẻ có nguy cơ cao hơn những trẻ khác. Các yếu tố nguy cơ bao gồm:

  • Dưới 1 tuổi;
  • Sinh non;
  • Mẹ bị nhiễm trùng khi mang thai;
  • Có hệ thống miễn dịch suy yếu hoặc tình trạng sức khỏe tiềm ẩn khác làm tăng khả năng bị nhiễm trùng;
  • Bị rối loạn chức năng đa cơ quan.

Ảnh hưởng lâu dài

Chăm sóc và điều trị y tế sớm sẽ tăng cơ hội sống sót của trẻ và đẩy nhanh thời gian hồi phục tổng thể của trẻ. Tuy nhiên, việc hồi phục hoàn toàn sau nhiễm trùng huyết sẽ mất thời gian đông thời trẻ sẽ có thể thay đổi hành vi sau khi được điều trị. Những thay đổi này có thể bao gồm:

  • Mệt mỏi;
  • Khó ngủ;
  • Kém ăn;
  • Quấy khóc.

Sau nhiễm trùng huyết, một số trẻ có thể tiếp tục gặp các triệu chứng về thể chất và cảm xúc. Một số ảnh hưởng lâu dài có thể có bao gồm:

  • Mệt mỏi và suy nhược;
  • Mất ngủ;
  • Gặp ác mộng;
  • Thay đổi tâm trạng;
  • Chán ăn;
  • Thường xuyên đau ốm hơn.

Ở trẻ sơ sinh, ảnh hưởng lâu dài do nhiễm trùng huyết thường khá phổ biến. Một nghiên cứu năm 2019 về nhiễm trùng huyết ở trẻ em ghi nhận rằng gần một phần tư số trẻ em khỏi nhiễm trùng huyết bị suy giảm chất lượng cuộc sống liên quan đến sức khỏe.

Khi nào đến gặp bác sĩ

Bất cứ ai nhận thấy các dấu hiệu nhiễm trùng huyết ở trẻ, nên đưa trẻ đến bệnh viện ngay lập tức. Nhiễm trùng huyết có thể khiến sức khỏe của trẻ suy giảm nhanh chóng. Nếu không được điều trị y tế kịp thời có thể gây tử vong.

Một nghiên cứu năm 2014 báo cáo tỷ lệ tử vong ở trẻ em bị nhiễm trùng huyết nặng là 14%, nhưng các tác giả lưu ý rằng tỷ lệ này cao hơn ở nhóm nhỏ đặc biệt là đối với trẻ dưới 1 tuổi.

Vì nhiễm trùng huyết là hậu quả của việc nhiễm trùng, cha mẹ nên thường xuyên theo dõi con mình để phát hiện các dấu hiệu nhiễm trùng hoặc bệnh tật. Một số dấu hiệu chung của nhiễm trùng ở trẻ sơ sinh bao gồm:

  • Bú kém;
  • Cáu kỉnh bất thường;
  • Khóc dai dẳng;
  • Thiếu năng lượng;
  • Tăng hoặc hạ thân nhiệt
  • Phát ban da hoặc thay đổi màu da;
  • Khó thở.

Quan điểm

Trẻ bị nhiễm trùng huyết sẽ cần được điều trị y tế khẩn cấp để giảm nguy cơ biến chứng và tử vong.

Các biến chứng nặng có thể phát triển nhanh hơn ở trẻ sơ sinh bị suy giảm hệ thống miễn dịch hoặc tình trạng sức khỏe mãn tính. Tuy nhiên, tất cả trẻ sơ sinh phải được điều trị khẩn cấp, bất kể tình trạng sức khỏe tổng thể của chúng như thế nào.

Với việc điều trị kịp thời và thích hợp, hầu hết trẻ sơ sinh sẽ khỏi bệnh trong vòng vài tuần. Tuy nhiên, một số trương hợp có thể sẽ có những thay đổi hành vi trong khi quá trình hồi phục tại nhà.

Phòng ngừa

Cách đảm bảo duy nhất để tránh bị nhiễm trùng huyết là ngăn ngừa tất cả các bệnh nhiễm trùng có thể gây ra tình trạng này. Mặc dù điều này khó có thể xảy ra, nhưng cha mẹ thể thực hiện các biện pháp để giảm nguy cơ con họ bị nhiễm trùng như:

  • Đảm bảo rằng môi trường của trẻ sạch sẽ và hợp vệ sinh;
  • Khử trùng và điều trị bất kỳ vết thương hở nào và giữ cho chúng được che chắn sạch sẽ cho đến khi chúng lành hẳn;
  • Kiểm soát mọi tình trạng sức khỏe tiềm ẩn có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh nhiễm trùng hoặc nhiễm trùng huyết ở trẻ;
  • Theo dõi trẻ để phát hiện các dấu hiệu sớm của nhiễm trùng;
  • Đảm bảo rằng đứa trẻ nhận được tất cả các loại vắc-xin được khuyến nghị cho các bệnh nhiễm trùng có thể dẫn đến nhiễm trùng huyết;
  • Cung cấp dinh dưỡng đầy đủ để tăng sức đề kháng chống lại nhiễm trùng.

Tóm lược

Nhiễm trùng huyết ở trẻ sơ sinh là một tình trạng khẩn cấp. Nếu không được điều trị kịp thời, tình trạng bệnh có thể dẫn đến các biến chứng nặng và thậm chí tử vong.

Cha mẹ nên nhận biết các dấu hiệu nhiễm trùng huyết ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ. Nếu trẻ bị ốm và có bất kỳ dấu hiệu nào của nhiễm trùng huyết nên đưa trẻ đến phòng cấp cứu gần nhất ngay lập tức.

Không phải lúc nào cũng có thể ngăn ngừa nhiễm trùng – làm tăng nguy cơ nhiễm trùng huyết. Tuy nhiên, có thể thực hiện các bước để giảm nguy cơ mắc các bệnh nhiễm trùng cho con mình. Các biện pháp này bao gồm đảm bảo một môi trường sống sạch sẽ và hợp vệ sinh, cho trẻ chủng ngừa tất cả các loại vắc-xin cần thiết chống lại các mầm bệnh truyền nhiễm và phát hiện các dấu hiệu nhiễm trùng sớm.

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top