Bạn biết gì về Siêu vi khuẩn kháng thuốc

Nhưng, chỉ 4 năm sau khi kháng sinh được đưa vào sử dụng rộng rãi, các loại vi khuẩn kháng thuốc kháng sinh cũng bắt đầu xuất hiện.

Cho tới ngày nay, các loại vi khuẩn gây ra những căn bệnh nguy hiểm nhất trên thế giới đều thay đổi cấu trúc nhanh theo thời gian. Thông thường, mỗi loại kháng sinh có tác dụng chống lại một số vi khuẩn nhất định và những vi khuẩn cứng đầu không bị khắc chế bởi loại kháng sinh này có thể sẽ chịu khuất phục trước loại kháng sinh khác.

Do đó, dưới áp lực chọn lọc khi tiếp xúc với chất kháng sinh, gene kháng thuốc kháng sinh sẽ tự hình thành trong vi khuẩn thông qua một đột biến gene có lợi nào đó. Không những có khả tăng tự sản sinh ra gene kháng thuốc, vi khuẩn còn có thể thu nhận gene kháng thuốc từ các vi khuẩn khác.

Đây chỉ là những phản ứng bình thường trong y học. Tuy nhiên, mọi việc đã trở nên phức tạp hơn rất nhiều khi giới y học phát hiện ra loại vi khuẩn “siêu kháng thuốc” khi chúng trơ lì trước hầu hết các loại kháng sinh hiện có.

Gene NDM-1 là gì?

Loại gene kháng thuốc kháng sinh NDM-1 (New Delhi Metallo-Beta-Lactamase) được đặt theo tên thủ đô Ấn Độ - New Delhi khi nó được phát hiện cuối năm 2009.

Một bệnh nhân người Thụy Điển phát bệnh tại Ấn Độ và sau khi điều trị không thành công ở New Delhi, đã được đưa về nước tiếp tục chạy chữa. Các bác sĩ đã phát hiện trong mẫu bệnh phẩm của bệnh nhân này một loại gene nguy hiểm có khả năng vô hiệu hóa hầu như mọi loại kháng sinh hiện có.

Các chuyên gia nghiên cứu cũng đã tìm ra được rằng NDM-1 có nguồn gốc từ Ấn Độ và Pakistan. Sau ca bệnh đầu tiên được phát hiện đó, giờ đây NDM-1 cũng đã được xác định xuất hiện tại nhiều nước như Anh, Mĩ, Úc, Canađa, Nhật Bản, Bỉ, Braxin...

Theo thống kê, các vi khuẩn kháng thuốc sẽ thường xuất hiện ở những người bệnh có tiền sử sử dụng kháng sinh không đúng cách. Thực tế này đã được chứng minh khi hầu hết các bệnh nhân phát hiện dương tính với NDM-1 đều đã từng điều trị tại các bệnh viện ở Ấn Độ, Pakistan hoặc Bangladesh... (những nước có thói quen sử dụng thuốc kháng sinh tràn lan).

Và những người mất cân bằng tỉ lệ vi khuẩn trong cơ thể, người thường tiếp xúc với các thiết bị y tế trong thời gian dài, người có hệ miễn dịch yếu, hoặc những bệnh nhân nằm viện lâu ngày cũng có nguy cơ cao bị nhiễm các vi khuẩn mang gene NDM-1. Ngoài ra, gene NDM-1 còn có thể lây nhiễm cho cả những người có sức khỏe tốt chỉ nhập viện để phẫu thuật thẩm mĩ.

Các chuyên gia y tế hoàn toàn có lý do để lo lắng về mức độ lây lan gia tăng của NMD-1 trên phạm vi toàn cầu khi mà du lịch, đặc biệt là du lịch kết hợp khám chữa bệnh đang ngày càng trở nên phổ biến.

 

Sự nguy hiểm của NDM-1

Vi khuẩn sản sinh ra NDM-1 kháng lại hầu hết các loại kháng sinh hiện có bao gồm cả carbapenems - nhóm kháng sinh đặc trị thường được dùng trong các trường hợp khẩn cấp và được xem như hy vọng cuối cùng của bệnh nhân.

Cho đến nay, NDM-1 đã được phát hiện có trong 2 loại vi khuẩn: Vi khuẩn đường ruột E.coli gây bệnh tả và loại vi khuẩn gây bệnh viêm phổi Klebsiella. Cả hai loại vi khuẩn này đều có thể dẫn tới nhiễm trùng đường tiết niệu và nhiễm độc máu.

Mức độ nguy hiểm càng cao hơn khi NDM-1 có thể dễ dàng nhảy từ nhóm vi khuẩn này sang nhóm vi khuẩn khác. Điều đó có nghĩa là chẳng có gì đảm bảo rằng NMD-1 chỉ dừng chân ở hai loại vi khuẩn nói trên. Nếu NDM-1 thâm nhập vào loại vi khuẩn đã sẵn kháng với nhiều loại kháng sinh khác thì nó sẽ gây ra những căn bệnh gần như không thể nào chữa được.

 

Đối phó với siêu vi khuẩn kháng thuốc

Theo các nhà khoa học, chúng ta vẫn còn nhiều biện pháp khả thi giúp kiểm soát quá trình này.

Bào chế kháng sinh mới:

Cho đến nay mới chỉ có hai loại kháng sinh polymyxins và tigecycline có thể trị được loại vi khuẩn mang gene NDM-1 nhưng cũng không đảm bảo chắc chắn thành công.

Các nhà khoa học và các công ty dược phẩm vẫn không ngừng tích cực nghiên cứu tìm ra loại kháng sinh mới có khả năng tiêu diệt hoặc kìm hãm sự phát triển của những loại vi khuẩn kháng thuốc nguy hiểm này.

Kiểm soát sự lây lan của vi khuẩn:

Một trong những cách đơn giản nhất giúp “phòng bệnh”, đặc biệt đối với những người dễ lây nhiễm như bệnh nhân hay y bác sĩ chính là rửa tay đúng cách. Những bệnh nhân nhiễm bệnh gây ra bởi các vi khuẩn kháng thuốc kháng sinh cũng cần được xác định kịp thời và cách ly trong toàn bộ trong thời gian điều trị để đảm bảo ngăn chặn sự lây lan.

Những nơi có nguy cơ cao như bệnh viện, nhà bệnh nhân… cần được tăng cường vệ sinh và áp dụng các biện pháp khử khuẩn đối với các bề mặt môi trường (giường bệnh, chăn màn, quần áo, dụng cụ y tế…), xử lý rác thải y tế đúng cách…

 

Dùng thuốc đúng cách

Tình trạng sử dụng thuốc kháng sinh tràn lan, thiếu kiểm soát chính là môi trường phát triển lý tưởng cho các loại vi khuẩn kháng thuốc. Tại Việt Nam hiện nay, người bệnh luôn thường có thể tự mua thuốc về uống mà không nhất thiết cần bác sĩ kê đơn.

Ngay cả y bác sĩ cũng vẫn còn nhiều người lạm dụng thuốc kháng sinh trong điều trị cho bệnh nhân mà quên đi khuyến cáo dùng kháng sinh trị sai bệnh cũng giống với việc tập cho các vi khuẩn trong cơ thể những “miếng võ” chống lại kháng sinh và khi thời gian tập dượt đủ dài, kháng sinh sẽ bị vô hiệu hóa.

Điều tương tự cũng xảy ra với những trường hợp sử dụng quá liều hoặc không đủ liều. Nhiều người dừng uống thuốc ngay khi thấy mình khỏe hơn dù chưa dùng hết liều chỉ định mà không biết rằng làm như vậy là đang tạo điều kiện cho vi khuẩn xấu đang “ngắc ngoải” sống dậy.

Một bệnh nhân lao thông thường chỉ cần được điều trị trong vòng từ sáu đến chín tháng với khoảng 10 đôla tiền thuốc là có thể khỏi bệnh nhưng nếu bỏ dở nửa chừng, vi trùng sẽ chiến đấu chống lại và biến thể thành một loại khác khó trị hơn.

Khi đó, người ta có thể tốn tới 100.000 đôla để trị các loại nhờn thuốc từ thấp đến cao và thậm chí là mất đến hơn một năm rưỡi với 500.00 đôla nếu rơi phải trường hợp lao phổi kháng thuốc tối đa mà cũng chưa chắc chắn là sẽ khỏi bệnh.

Ước tính sẽ cần khoảng 800 triệu đôla đến 1,5 tỉ đôla để có thể đưa các loại thuốc kháng sinh mới ra thị trường.

Tuy nhiên, ngay cả khi đã sản xuất được loại kháng sinh có khả năng ngăn chặn NDM-1 hiệu quả thì vẫn hoàn toàn có khả năng sẽ xuất hiện loại vi khuẩn kháng thuốc thậm chí còn nguy hiểm hơn cả NDM-1.

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top