✴️ Suy tụy ngoại tiết

Nội dung

Khái niệm suy tụy ngoại tiết

Suy tụy ngoại tiết là một rối loạn liên quan đến tuyến tụy và các enzyme của tuyến tụy tạo ra. Enzyme là các hóa chất được giải phóng để tham gia vào các phản ứng hóa học cụ thể và tuyến tụy tiết ra nhiều enzyme khác nhau phục vụ cho nhiều chuyển hóa khác nhau của quá trình tiêu hóa thức ăn.

Tiêu hóa thức ăn là một chu trình phức tạp, bắt đầu từ miệng với quá trình nhai và tiết ra nước bọt. Tiếp đó, axit trong dạ dày sẽ giúp xử lý một phần khi một người nuốt thức ăn.

Sau khoảng 15 phút, thức ăn được xử lý chuyển đến ruột non. Ở đây, tuyến tụy tiết các enzyme cần thiết để chuyển đổi các chất trong thức ăn thành các phân tử nhỏ hơn. Những phân tử này sau đó được hấp thụ vào máu và gửi đến để nuôi dưỡng cơ thể.

Tuyến tụy cùng với tuyến nước bọttuyến mồ hôi, là một trong những tuyến ngoại tiết chính của cơ thể. Các tuyến ngoại tiết giải phóng các chất vào một cơ quan khác hoặc bề mặt của cơ thể thông qua ống dẫn.

Các tuyến nội tiết như tuyến giáptuyến yên khác tuyến ngoại tiết ở chỗ chúng giải phóng hormone trực tiếp vào máu. Tuyến tụy có cả 2 chức năng – ngoại tiết và nội tiết. Tuyến tụy hoạt động tốt giúp quá trình tiêu hóa hiệu quả và hấp thụ các chất dinh dưỡng cần thiết.

Trong suy tụy ngoại tiết, tuyến tụy không sản xuất đủ các enzyme cần thiết để tiêu hóa thức ăn. Khi đó, cơ thể không thể hấp thụ các chất dinh dưỡng và vitamin cần thiết gây ra các vấn đề như tiêu chảy, thiếu hụt vitamin và sụt cân.

Nếu suy tụy ngoại tiết không được điều trị đúng cách, tình trạng này có thể dẫn đến chậm phát triển ở trẻ sơ sinh, trẻ em và các vấn đề về xương, nhiễm trùng và giảm tuổi thọ.

Nguyên nhân nào gây suy tụy ngoại tiết

Có nhiều nguyên nhân gây ra suy tụy ngoại tiết. Bất kỳ nguyên nhân nào làm tổn thương tuyến tụy, gây gián đoạn hoặc chặn sự giải phóng các enzyme tuyến tụy đều có thể dẫn đến suy tụy ngoại tiết. 2 nguyên nhân phổ biến nhất là xơ nang và viêm tụy mãn tính.

Xơ nang - một rối loạn di truyền đe dọa tính mạng tạo ra chất nhầy dày dính ảnh hưởng đến cả phổi và hệ tiêu hóa. Chất nhầy tích tụ và ngăn chặn sự giải phóng tự nhiên của các enzyme tuyến tụy trong quá trình tiêu hóa.

Trong bệnh lý viêm tụy mãn tính mô tụy bình thường bị viêm và dần trở thành mô sẹo. Sự tích tụ tăng dần của mô sẹo này ngăn cản các enzyme tiêu hóa thoát khỏi ống dẫn.

Nghiên cứu đã xác nhận mối liên hệ giữa hút thuốc và sự phát triển của viêm tụy mãn tính.

Các tình trạng và bệnh lý khác có thể gây ra suy tụy ngoại tiết là:

  • Ung thư tuyến tụy;

  • Phẫu thuật cắt bỏ tuyến tụy;

  • Tắc nghẽn ống tụy;

  • Bệnh celiac;

  • Bệnh Crohn;

  • Viêm tụy tự miễn;

  • Bệnh tiểu đường.

  • Hội chứng Zollinger-Ellison, trong đó một khối u của các tế bào tuyến tụy dẫn đến việc sản xuất quá nhiều axit dạ dày, cuối cùng dẫn đến loét dạ dày.

  • Hội chứng Dumping - một tập hợp các triệu chứng như mệt mỏi, đi tiêu nhiều lần thường gặp sau khi phẫu thuật loại bỏ một phần hoặc toàn bộ dạ dày để điều trị giảm cân. Hội chứng Dumping còn được là hội chứng dạ dày rỗng nhanh chóng, nó xảy ra khi thức ăn, đặc biệt là đường, di chuyển từ dạ dày vào ruột non quá nhanh.

  • Phẫu thuật nối tắt dạ dày và một số phẫu thuật đường tiêu hóa khác.

Triệu chứng

Suy tụy ngoại tiết có thể khó chẩn đoán vì các triệu chứng thường giống với các tình trạng rối loạn khác của hệ thống tiêu hóa bao gồm:

Các triệu chứng thường gặp nhất của suy tụy ngoại tiết là tiêu chảy và tụt cân. Tiêu chảy ở người suy tụy ngoại tiết còn được gọi là phân mỡ - loại phân có tình trạng như:

  • Phân lỏng;

  • Phân nhạt màu;

  • Phân đóng khối kích thước lớn;

  • Phân nổi bọt;

  • Phân bóng, nhờn.

Những phân này có chứa một lượng lớn chất béo không tiêu hóa, dính vào bồn cầu hoặc nổi trên mặt nước vì vậy thường dễ được nhận thấy. Các triệu chứng khác của suy tụy ngoại tiết cũng có thể bao gồm:

  • Tụt cân;

  • Mệt mỏi;

  • Chuột rút;

  • Đầy hơi;

  • Đau ở chính giữ dạ dày và tỏa ra phía sau;

  • Giảm khối lượng cơ bắp;

  • Có các dấu hiệu thiếu vitamin, chẳng hạn như móng giòn, rụng tóc và các vấn đề về da.

​           điều trị suy tụy ngoại tiết

Chẩn đoán

Chẩn đoán suy tụy ngoại tiết dựa trên các triệu chứng trên, đặc biệt khi người bệnh mô tả thêm các tình trạng như phân nhầy và tụt cân sau khi bác sĩ đã loại trừ các nguyên nhân khác.

Triệu chứng tiêu chảy của suy tụy ngoại tiết thường không xuất hiện cho đến khi tuyến tụy mất 90% khả năng sản xuất enzyme. Điều này có thể làm cho suy tụy ngoại tiết khó chẩn đoán hơn.

Do tính chất phát triển chậm của tình trạng này nên ít khi việc điều trị được áp dụng ngay lập tức. Tuy nhiên, bệnh nhân không cần phải lo lắng bởi không có bất kì mối nguy hiểm nào trong khi chờ đợi chẩn đoán và kết luận chính xác nhất trước khi bắt đầu điều trị.

Các xét nghiệm có thể cần thực hiện bao gồm xét nghiệm mẫu phân và các xét nghiệm máu khác nhau nhằm kiểm tra sự tích tụ chất béo và thiếu hụt vitamin của cơ thể. Bác sĩ cũng có thể yêu cầu chụp CT để kiểm tra nguyên nhân nào gây nên suy tụy ngoại tiết.

Điều trị suy tụy ngoại tiết

Liệu pháp thay thế enzyme tụy (PERT) là phương pháp điều trị tiêu chuẩn cho suy tụy ngoại tiết. PERT có nguồn gốc từ tuyến tụy tự nhiên của lợn và chứa cả ba loại enzyme tuyến tụy.

Bệnh nhân sẽ cần sử dụng thuốc chung với các bữa ăn hàng ngày. Liều lượng thuốc sẽ dựa trên cả trọng lượng cơ thể và lượng chất béo trong chế độ ăn uống do đó sẽ khác nhau ở mỗi người. Vì vậy cần hỏi ý kiến của bác sĩ trước khi sử dụng.

Lời khuyên về lối sống

Ngoài việc sử dụng các enzyme thay thế, những người mắc bệnh suy tụy ngoại tiết cần phải ngừng các thói quen có thể làm xấu đi cả sức khỏe của tuyến tụy và chất lượng cuộc sống nói chung như:

  • Bỏ thuốc lá;
  • Chế độ ăn uống cân bằng, điều độ, hạn chế chất béo;
  • Chia thành nhiều bữa ăn nhỏ trong ngày;
  • Không uống rượu;
  • Bổ sung vitamin: chủ yếu là các vitamin tan trong chất béo A, D, E và K có sự hướng dẫn của bác sĩ.

Việc điều trị có thể giúp bệnh nhân ăn uống và tiêu hóa thức ăn, hấp thụ chất dinh dưỡng một cách bình thường, từ đó cải thiện chất lượng cuộc sống hơn.

Xem thêm: u tế bào sigma đảo tụy Langerhans

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top