✴️ Ý kiến chuyên gia về điều trị viêm loét dạ dày- tá tràng

Viêm loét dạ dày – tá tràng là tình trạng có sự hiện diện của tổn thương loét trên niêm mạc dạ dày hoặc tá tràng. Nguyên nhân gây bệnh cho đến nay vẫn chưa được xác định rõ ràng và thống nhất nhưng có liên quan tới vi khuẩn Helicobacter pylori, lạm dụng thuốc kháng viêm không steroid, thói quen ăn uống sinh hoạt không lành mạnh. Tại Việt Nam, viêm loét dạ dày – tá tràng có tỷ lệ người mắc bệnh rất cao. Vậy làm thế nào để điều trị căn bệnh này hiệu quả. Cùng tìm hiểu qua một số lời khuyên từ các chuyên gia y tế trong bài viết sau.

y-kien-chuyen-gia-ve-dieu-tri-viem-loet-da-day-ta-trang

Viêm loét dạ dày – tá tràng là tình trạng có sự hiện diện của tổn thương loét trên niêm mạc dạ dày hoặc tá tràng

 

Điều trị tùy theo nguyên nhân

Cụ thể nếu vi khuẩn Helicobacter pylori (H. pylori) là nguyên nhân dẫn tới viêm loét dạ dày, tá tràng, người bệnh có thể được chỉ định sử dụng thuốc kháng sinh và thuốc thuốc ức chế bơm proton (PPI). Trường hợp viêm loét dạ dày tá tràng do vi khuẩn H. pylori và ảnh hưởng của việc lạm dụng thuốc kháng viêm không steroid (NSAIDs) cũng có hướng điều trị tương tự.

Nếu nguyên nhân gây bệnh là do ảnh hưởng của các loại thuốc kháng viêm không steroid, bác sĩ thường chỉ định điều trị bằng thuốc ức chế bơm proton. Chất đối kháng thụ thể H2 đôi khi được sử dụng thay thế cho thuốc ức chế bơm proton. Người bệnh cũng có thể phải điều trị thêm thuốc kháng acid để giảm bớt các triệu chứng khó chịu trong thời gian ngắn hạn.

 

Thuốc sử dụng trong điều trị viêm loét dạ dày, tá tràng

Thuốc kháng sinh

Người bệnh bị nhiễm khuẩn H. pylori dẫn tới viêm loét dạ dày, tá tràng thường được chỉ định điều trị bằng thuốc kháng sinh trong 1 – 2 tuần. Thuốc có thể gây ra những tác dụng phụ nhẹ như mệt mỏi, tiêu chảy, miệng có vị kim loại. Bệnh nhân sẽ được kiểm tra khoảng 4 tuần sau khi hoàn tất điều trị bằng thuốc kháng sinh để xác định xem liệu có vi khuẩn H. pylori còn lại trong dạ dày hay không. Nếu có, cần tiếp tục một đợt điều trị loại trừ bằng cách sử dụng các loại thuốc kháng sinh khác.

Thuốc ức chế bơm proton (PPIs)

Thuốc ức chế bơm proton có tác dụng giảm lượng axit dạ dày tiết ra, ngăn chặn vết loét tiến triển nghiêm trọng hơn. Người bệnh thường được kê đơn từ 4 – 8 tuần. Tác dụng phụ của loại thuốc này nhẹ và thường biến mất sau điều trị, bao gồm: đau đầu, tiêu chảy/táo bón, mệt mỏi, đau bụng, chóng mặt, phát ban.

y-kien-chuyen-gia-ve-dieu-tri-viem-loet-da-day-ta-trang

Căn cứ vào tình trạng của người bệnh, bac sĩ sẽ tư vấn cách điều trị phù hợp nhất

 

Chất đối kháng thụ thể H2

Giống như thuốc ức chế bơm proton, chất đối kháng thụ thể H2 hoạt động bằng cách giảm lượng acid do dạ dày sản xuất. Tiêu chảy, đau đầu, chóng mặt, phát ban, mệt mỏi… là những tác dụng phụ có thể gặp của chất đối kháng thụ thể H3 tuy nhiên rất hiếm.

Thuốc kháng acid

Cả 3 loại thuốc nêu trên cần khoảng vài giờ trước khi bắt đầu phát huy tác dụng. Vì vậy bác sĩ có thể cho người bệnh sử dụng thuốc kháng acid bổ sung để trung hòa acid dạ dày, tạm thời giảm nhẹ các triệu chứng. Thuốc kháng acid nên sử dụng khi người bệnh đang gặp phải triệu chứng khó chịu hoặc triệu chứng chuẩn bị xuất hiện (sau bữa ăn hay trước khi đi ngủ). Nguy cơ gặp phải tác dụng phụ khi sử dụng loại thuốc này là rất thấp và có thể là tiêu chảy/táo bón, đầy hơi, co thắt dạ dày, mệt mỏi.

 

Đừng quên điều chỉnh chế độ ăn uống – sinh hoạt

Bên cạnh việc điều trị y tế theo đúng chỉ định của bác sĩ, chế độ ăn uống – sinh hoạt hàng ngày cũng đóng vai trò rất quan trọng. Người bệnh lưu ý:

Không hút thuốc.

Ăn nhiều bữa nhỏ trong ngày thay vì 3 bữa chính. Tăng cường tiêu thụ thực phẩm giàu chất xơ tự nhiên từ rau, củ, quả, các loại hạt…

Không uống rượu, bia.

Hạn chế ăn đồ ăn cay, nóng, thực phẩm chế biến sẵn, các loại thịt đỏ, thức uống có chứa caffeine (trà, cà phê)…

Dành thời gian tập thể dục.

Suy nghĩ tích cực, giảm bớt căng thẳng.

 

Viêm loét dạ dày, tá tràng không thể tự khỏi

Viêm loét dạ dày – tá tràng không thể tự khỏi. Tốt nhất nên tới bệnh viện để được thăm khám xác định nguyên nhân rõ ràng và tư vấn cách điều trị phù hợp.

Những thay đổi về thói quen ăn uống, sinh hoạt nêu trên chỉ giúp làm giảm triệu chứng, ngăn chặn tiến triển của bệnh chứ không thể làm liền vết loét. Trong một số trường hợp vết loét có thể tạm liền trong một thời gian sau đó tái phát trở lại do nguyên nhân gây viêm loét vẫn chưa được loại bỏ. Nguy hiểm hơn, khi viêm loét dạ dày, tá tràng tái phát, người bệnh có nguy cơ gặp phải những biến chứng nghiêm trọng như chảy máu hoặc thủng dạ dày, ruột.

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top