Có một số nguyên nhân tiềm ẩn khiến một vận động viên bất kỳ nào đó ngã quỵ mà không gặp phải chấn thương nào trên sân thi đấu. May mắn thay, hầu hết các trường hợp nguyên nhân đều là lành tính và có thể phục hồi nhanh chóng và không có biến chứng. Tuy nhiên, khi đối mặt với các tình trạng này, đội ngũ nhân viên y tế cần chuẩn bị sẵn sàng các tình trạng nguy hiểm đến tính mạng cho đến khi các tình trạng này được kiểm soát hoàn toàn.
Trong trận mở màn bảng B vòng chung kết EURO 2020 giữa Đan Mạch và Phần Lan, một sự cố trên sân Parken đã khiến cả thế giới bóng đá sững sờ. Phút 43, tiền vệ Christian Eriksen của đội tuyển Đan Mạch bất ngờ đổ gục xuống sân, trong một tình huống di chuyển ra đường biên và không va chạm với ai. Ngay lập tức, trọng tài đã cho ngừng trận đấu và gọi các bác sĩ vào sân để cấp cứu cho tiền vệ này. Sau 15 phút cấp cứu bằng các biện pháp hồi sức tim phổi, Eriksen đã được đưa lên cáng ra khỏi sân và lên thẳng xe cứu thương để đến bệnh viện. Sự cố của chàng tiền vệ này làm dấy lên những lo ngại về các trường hợp ngã gục bất thường ở các cầu thủ - một trong những ám ảnh đã từng gặp phải trong lịch sử giải túc cầu trên toàn thế giới.
Trong những nguyên nhân phổ biến nhất của đột tử ở các vận động viên, tình trạng ngừng tim là một nguyên nhân thường gặp, với nguyên nhân do nhiều bệnh tim tiềm ẩn khác nhau. Việc thực hiện hồi sức tim phổi ngay lập tức, cùng với sử dụng các máy khử rung tim tự động bên ngoài (AED) nhanh chóng có thể là chìa khóa để mang đến sự sống cho các vận động viên. Đo nhiệt độ cũng có thể phát hiện ra khả năng đột quỵ do nhiệt độ cao (say nắng…) và cần làm mát cơ thể ngay lập tức trước khi vận chuyển vận động viên ra ngoài sân thi đấu. Tình trạng hạ natri máu khi gắng sức cũng là nguyên nhân đe dọa tính mạng trong các môn thể thao đòi hỏi sức bền kéo dài như marathon hay ba môn phối hợp.
Theo nghiên cứu trên 136 trường hợp tử vong bất thường ở các vận động viên của các nhà khoa học tại Hoa Kỳ, có 100 trường hợp tử vong do nguyên nhân tim mạch, thường gặp nhất là do bệnh cơ tim phì đại, dị dạng động mạch vành và một loạt các bệnh lý tim mạch tiềm ẩn khác. 13 trường hợp tử vong khác là do nhiệt độ cao, 7 do tiêu cơ vân do gắng sức (tất cả đều có đặc điểm tế bào hình liềm tiềm ẩn), 4 do hen suyễn và 3 do sét đánh. Một nghiên cứu khác trên 1866 trường hợp tử vong của các vận động viên thi đấu tại quốc gia này cũng cho kết quả:
416 trường hợp tử vong trong số này là do nguyên nhân chấn thương.
1049 trường hợp là do nguyên nhân tim, hầu hết với các tình trạng tiềm ẩn như bệnh cơ tim phì đại, dị dạng động mạch vành, viêm cơ tim, bệnh cơ tim thất phải do arrythmogenic và những bệnh khác.
65 ca tử vong được cho là do chứng commotio cordis (rối loạn nhịp tim do tác động mạnh vào ngực), 46 do nhiệt độ cao, 34 do sử dụng ma túy, 15 do hen suyễn và 13 do thuyên tắc phổi.
Nhìn vào dữ liệu tử vong trong bóng đá ở Hoa Kỳ từ năm 1990 đến năm 2010 đã chỉ ra trong 243 trường hợp tử vong, có 164 trường hợp không do chấn thương và 79 trường hợp được xác định do chấn thương. Trong 164 trường hợp tử vong không do chấn thương, 100 trường hợp là do các tình trạng bệnh tim, 36 do nhiệt độ cao, 11 trường hợp có đặc điểm tế bào hình liềm, 7 trường hợp rối loạn nhịp tim do tác động mạnh vào ngực, 7 trường hợp hen suyễn, 5 trường hợp thuyên tắc phổi, 3 trường hợp gặp vấn đề ở bụng, 3 trường hợp do nhiễm trùng và 3 trường hợp bệnh khác.
Tóm lại, dữ liệu liên quan đến các nguyên nhân phổ biến của các trường hợp tử vong liên quan đến thể thao phần lớn là do nguyên nhân tim mạch. Phần lớn các trường hợp tử vong liên quan đến tim là do các bệnh lý tim tiềm ẩn, thường là bẩm sinh với đa phần là bệnh cơ tim phì đại, dị dạng động mạch vành, bệnh cơ tim thất phải loạn nhịp, viêm cơ tim, bệnh Marfan, hội chứng QT dài, hội chứng Wolf-Parkinson-White, và các bệnh khác và rối loạn nhịp tim khác. Ở các vận động viên lớn tuổi, tử vong vì bệnh mạch vành chiếm ưu thế. Bên cạnh tử vong do tim, các nguyên nhân phổ biến khác bao gồm do nhiệt độ cao (say nắng…), hen suyễn, thuyên tắc phổi, tiêu cơ vân và những nguyên nhân khác...
Commotio cordis đại diện cho một tình trạng riêng biệt, theo đó một trái tim bình thường về cấu trúc và không có bất kỳ vấn đề bẩm sinh tiềm ẩn nào – gặp phải tình trạng rung thất sau khi bị tác động lực vào vùng ngực. Tác động vào ngực thường không nghiêm trọng và có thể xảy ra bằng nắm đấm, cùi chỏ, hoặc phổ biến hơn là một cú va chạm bằng bóng đá hoặc bóng chày. Điều này có thể xảy ra ngay cả khi vận động viên đang đeo thiết bị bảo vệ ngực phù hợp với môn thể thao đó.
Ngã gục thường xảy ra ngay lập tức sau va chạm, nhưng 1% nạn nhân sẽ vẫn đứng thẳng, hoạt động và minh mẫn trong từ 10 đến 20 giây trước khi gục ngã. Commotio cordis thường được báo cáo ở trẻ em hoặc thanh thiếu niên, những người được suy đoán có thể dễ gặp phải tình trạng này vì thành ngực chưa chắc chắn hoàn toàn. Theo các nghiên cứu thực nghiệm đã chỉ ra rằng, nếu thành ngực trên tim bị tác động trong khoảng 15–30 mili giây trước đỉnh của sóng T trên chu kỳ điện tim – đại diện cho khoảng 1% chu kỳ tim – thì tình trạng rung thất có thể xảy ra. Khả năng sống sót khi này sẽ phụ thuộc vào việc khử rung tim ngay lập tức có kịp thời hay không. Nhiều nghiên cứu đã cho thấy tỷ lệ sống sót là tương tự với các nguyên nhân khác gây ngừng tim đột ngột – nếu thực hiện hô hấp nhân tạo và khử rung tim ngay lập tức.
Việc tập luyện kéo dài trong môi trường nóng ẩm có thể gây ra tình trạng say nóng do gắng sức và có thể khiến ngã gục. Nhiệt lượng bên trong cơ thể sinh ra do vận động mạnh có thể khó được thoát ra môi trường, kéo theo tăng nhiệt độ cơ thể quá mức. Say nắng đe dọa tính mạng thường được đặc trưng bởi nhiệt độ lõi trên 40 độ C cùng với trạng thái tinh thần có liên quan. Vận động viên gặp phải tình trạng này có thể xuất hiện đau đầu, lú lẫn, mất phương hướng, mất khả năng điều hòa nhiệt độ, ngất lịm và hôn mê.
Đối với bất kỳ trường hợp ngã gục được loại trừ khả năng do ngừng tim, say nắng – say nóng là lý do thứ 2 cần được xem xét ngay lập tức, nhất là khi môi trường xung quanh nóng ẩm. Đo nhiệt độ có thể tại trực tràng, nách, miệng có thể không biểu hiện chính xác nhiệt độ bên trong cơ thể và dẫn đến chẩn đoán tức thời sai, đe dọa tính mạng. Việc tiên lượng không chỉ phụ thuộc vào nhiệt độ bên trong cơ thể mà còn liên quan trực tiếp đến thời gian duy trì lượng nhiệt đó (duy trì trên 40,5 độ C). Do vậy, làm mát nhanh chóng cần được ưu tiên hàng đầu trong các trường hợp nghi ngờ.
Vẫn còn nhiều tranh luận liên quan đến phương pháp làm mát an toàn cho các vận động viên, và hầu hết đều chỉ ra rằng việc ngâm mình trong bồn nước là cách tốt nhất. Việc sử dụng nước đá có thể khiến gây tình trạng run rẩy do co mạch ngoại vi, do vậy các chuyên gia khuyến nghị nên sử dụng nước ở mức vừa phải. Tuy vậy, sử dụng nước đá ở những trường hợp không bị say nắng thực tế có thể mang tính vượt trội ở một số thời điểm. Nếu không có sẵn bồn nước đá ngay lập tức, có thể sử dụng nước đá hoặc khăn ngâm nước lạnh đặt lên người kết hợp với quạt. Chườm đá gần động mạch trung tâm ở cổ, nách và bẹn cũng có thể có hiệu quả. Nhìn chung, mục tiêu quan trọng là làm mát cơ thể ngay lập tức trước và trong khi chờ vận chuyển đến cơ sở y tế. Các biện pháp làm mát phải được tiếp tục trong quá trình vận chuyển đến trung tâm cấp cứu.
Một trong những nguyên nhân hàng đầu dẫn đến ngã gục và có khả năng tử vong trong các cuộc đua kéo dài hoặc các cuộc thi phối hợp là tình trạng hạ natri máu khi gắng sức. Điều này được các nhà khoa học mô tả ban đầu vào năm 1985. Kể từ đó, một số báo cáo trường hợp và loạt trường hợp đã mô tả những vận động viên có mức natri thấp (thường dưới 135mEq/L), với những thay đổi trạng thái tâm thần do phù não.
Sinh lý bệnh giải thích cho điều này được cho là do uống quá nhiều nước hoặc chất lỏng giảm trương lực và nồng độ arginine vasopressin bị ức chế không hoàn toàn, dẫn đến nạp nước mà không có bài niệu bù, gây hạ natri máu loãng. Thông thường, điều này xảy ra ở những vận động viên chạy marathon chậm hơn – những người uống một lượng lớn chất lỏng tại một số điểm dừng cung cấp nước dọc theo đường đua. Tình trạng này chỉ hiếm khi được báo cáo trong các cuộc đua ngắn hơn hoặc trong các môn thể thao đồng đội.
Đối với các cuộc đua đường trường dài hơn và các cuộc đua phối hợp, ngoài việc có sẵn một nhiệt kế đo nhiệt độ, một thiết bị phân tích nồng độ natri di động tại chỗ cũng là thiết bị được khuyên dùng. Các dấu hiệu và triệu chứng ở một vận động viên bị hạ natri huyết do gắng sức có thể trùng lặp với say nắng do gắng sức và việc phân biệt 2 tình trạng này có thể rất khó nếu không đo nhiệt độ lõi cơ thể và nồng độ natri huyết thanh. Ở những vận động viên có trạng thái tinh thần thay đổi như chóng mặt, lú lẫn, buồn nôn, co giật, hôn mê… nếu nguyên nhân do say nắng gắng sức được loại trừ, nên xem xét việc hạ natri máu khi gắng sức.
Phổ biến hơn nhiều so với các nguyên nhân gây tử vong do tim và say nắng có khả năng gây tử vong do chấn thương, được gọi chung là ngã gục liên quan đến các vận động và chủ yếu được mô tả trong các cuộc đua đường trường và các môn phối hợp. Điều này thường được đặc trưng bởi một vận động viên gục ngã ngay lập tức khi băng qua vạch đích hoặc trong một vài khoảnh khắc kết thúc.
Căn nguyên của tình trạng này được cho là tụt huyết áp tư thế do tụ máu ở tĩnh mạch chi dưới. Trong khi chạy, các cơn co thắt cơ của chi dưới tiếp tục bơm máu từ tĩnh mạch trở về tim để duy trì hoạt động của tim. Khi ngừng chạy sau khi vượt vạch đích, các tĩnh mạch này không còn cơ co bóp để bơm máu, dẫn đến dồn máu ở tĩnh mạch chi dưới và thiếu nguồn cung cấp cho tim, làm giảm cung lượng tim và dẫn đến tụt huyết áp tư thế đứng.
Mặc dù ngã gục do vận động có thể khá nghiêm trọng, nhưng nó được coi là lành tính và có tiên lượng tốt. Mất nước cũng có thể góp phần gây nghiêm trọng tình trạng này, nhưng nó thường không phải là nguyên nhân chính. Việc điều trị thường bao gồm đặt vận động viên nằm xuống với chân nâng cao để tăng lưu lượng máu quay trở lại tim. Nên quan sát chặt chẽ để đảm bảo không bỏ sót các yếu tố có thể gây tử vong trong trường hợp này.
Các tình trạng đe dọa tính mạng dẫn đến ngã gục ở các vận động viên tuy hiếm, nhưng không phải là không có thể xảy ra. Nguyên nhân phổ biến nhất gây đột tử ở vận động viên là ngừng tim, sau đó là say nắng do gắng sức. Do vậy, chuẩn bị sẵn sàng với hô hấp nhân tạo ngay lập tức và sử dụng máy khử rung tim ngoài tự động nhanh chóng trong các trường hợp ngừng tim giúp cải thiện đáng kể tỷ lệ sống sót. Việc phát hiện say nắng ngay tại chỗ, sau đó giảm nhiệt độ cũng có thể cứu được tính mạng của vận động viên. Nếu trong trường hợp nghi ngờ hạ natri máu khi gắng sức, hãy có các điều trị thích hợp ở các cơ sở thích hợp.
Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh