Trẻ có thể bị táo bón ở mọi giai đoạn phát triển, trong đó táo bón rất dễ gặp ở trẻ trong giai đoạn ăn dặm. Để khắc phục và đề phòng tình trạng này, mẹ cần nắm rõ nguyên nhân táo bón ở trẻ ăn dặm do đâu?
Dấu hiệu trẻ ăn dặm bị táo bón
Tình trạng rối loạn tiêu hóa ở trẻ rất phổ biến, trong đó thường gặp nhất là táo bón.
Chấn đoán sơ bộ táo bón ở trẻ là khi trẻ đi đại tiện phân khô, cứng, số lần đi đại tiện ít hơn bình thường.
Cụ thể, dấu hiệu trẻ ăn dặm bị táo bón gồm có:
– Trẻ đi ngoài ít hơn bình thường: Tình trạng táo bón được đặc trưng bởi việc đi đại tiện ít hơn 3 lần một tuần. Tùy từng trẻ sẽ có số lần đại tiện không giống nhau. Chỉ cần thói quen đi đại tiện của trẻ có sự thay đổi so với bình thường cũng là dấu hiệu cảnh báo táo bón ở trẻ ăn dặm.
– Trẻ ăn dặm bị táo bón khi đại tiện sẽ thấy phân cứng, rời rạc, đôi khi kích thước lớn hơn
– Trẻ đại tiện khó, phải gắng sức rặn và gây đau khiến trẻ khóc, nếu dùng sức quá nhiều gây nứt kẽ hậu môn và chảy máu.
– Mỗi lần đi đại tiện của trẻ chiếm thời gian lâu hơn.
Nguyên nhân táo bón ở trẻ ăn dặm
Sau giai đoạn được nuôi bằng sữa mẹ, trẻ sẽ bước sang giai đoạn ăn dặm – một giai đoạn hoàn toàn mới đối với trẻ nên không tránh khỏi nhiều sự thay đổi vì chế độ dinh dưỡng của trẻ chuyển từ sữa (lỏng) sang thức ăn (đặc).
Theo các chuyên gia dinh dưỡng, táo bón ở trẻ ăn dặm là vấn đề thường gặp và trở thành nỗi lo của hầu hết các bậc phụ huynh có con nhỏ. Vậy nguyên nhân táo bón ở trẻ ăn dặm do đâu?
Hệ tiêu hóa của trẻ chưa kịp thích nghi với thực phẩm mới
Khi trẻ bắt đầu ăn dặm, hệ tiêu hóa của trẻ phải làm quen với thực phẩm cứng hơn, kích thước to hơn, đặc hơn so với giai đoạn chỉ bú sữa mẹ. Đồng thời, hệ tiêu hóa non nớt của trẻ phải “vật lộn” để nghiền nát thức ăn nên cha mẹ dễ dàng quan sát thấy những thay đổi quan trọng trong phân của trẻ như màu sắc, số lượng, mùi, tần suất đại tiện…Thỉnh thoảng mẹ còn thấy cả khối thức ăn trong tã của trẻ.
Nhưng mẹ không cần quá lo lắng vì hệ tiêu hóa của trẻ đang thích nghi với việc trẻ ăn thức ăn hoàn toàn.
Mẹ cho trẻ ăn dặm quá sớm
Nhiều trường hợp mẹ vội vàng cho trẻ ăn dặm hoặc cho ăn quá nhiều khi trẻ chưa sẵn sàng khiến cho hệ tiêu hóa của trẻ bị “quá tải” từ đó dẫn tới táo bón ở trẻ ăn dặm.
Trẻ bị thiếu nước
Táo bón ở trẻ ăn dặm còn do trẻ bị thiếu nước cộng với việc hệ tiêu hóa đang phải thích nghi với thực phẩm mới sẽ dẫn tới tình trạng phân cứng, khô, khó đẩy ra ngoài.
Phụ huynh cần lưu ý để tránh táo bón ở trẻ ăn dặm, cần nhớ bổ sung nước cho trẻ đúng nhu cầu.
Chế độ ăn dặm của trẻ thiếu chất xơ
Thiếu chất xơ trong chế độ ăn uống của trẻ cũng là nguyên nhân chính dẫn tới tình trạng táo bón ở trẻ ăn dặm và trẻ ở bất kỳ độ tuổi nào. Vậy nên cần nhớ bổ sung thêm các loại thực phẩm giàu chất xơ như rau xanh, trái cây, ngũ cốc nguyên hạt…
Phòng ngừa táo bón ở trẻ ăn dặm hiệu quả
Chất dinh dưỡng tốt cho tình trạng táo bón ở trẻ ăn dặm
Để ngăn ngừa trẻ bị táo bón khi bắt đầu ăn dặm, xây dựng chế độ ăn dặm lành mạnh, thường xuyên thay đổi các loại thực phẩm là điều rất quan trọng.
Dưới đây là các chất cần thiết bổ sung cho trẻ khi bị táo bón:
Sắt
Nên lựa chọn các loại thực phẩm giàu chất sắt bao gồm thịt, cá, các loại đậu, đậu phụ…cho vào trong khẩu phần ăn của các bé ăn dặm, bổ sung sắt thông qua thực phẩm sẽ an toàn hơn cả.
Nếu trẻ đang uống chất bổ sung sắt nhưng bị táo bón, mẹ cần hỏi bác sĩ tư vấn về việc giảm liều hay không?
Chất xơ và vitamin
Trái cây và rau là thực phẩm không thể thiếu trong thực đơn của trẻ bị táo bón. Nếu trẻ bổ sung sắt thì cần nhiều trái cây, rau xanh chứa vitamin C để tăng hiệu quả hấp thu sắt hơn.
Chất xơ đóng vai trò quan trọng giúp hình thành phân trong đường tiêu hóa, giúp quá trình đi đại tiện của trẻ được dễ dàng hơn.
Ngoài rau, trái cây, mẹ có thể lựa chọn đa dạng nguồn chất xơ từ các loạt hạt xay, ngũ cốc nguyên hạt, các loại đậu…
Những loại thực phẩm này không chỉ là nguồn cung cấp chất xơ tốt mà còn ngon, bổ dưỡng, chắc chắn trẻ sẽ thích.
Chất lỏng
Bổ sung đầy đủ lượng chất lỏng bao gồm nước (nước lọc, các loại nước ép trái cây tươi), sữa mẹ, sữa công thức.
Mẹ cần duy trì cho trẻ bú sữa mẹ hoặc uống sữa công thức trong giai đoạn ăn dặm và uống nước trong bữa ăn để quá trình tiêu hóa dễ dàng, trẻ dễ nuốt thức ăn hơn.
Các loại nước ép từ táo, lê… chứa nhiều chất xơ rất tốt cho quá trình đại tiện của trẻ.
Thực phẩm nên tránh khi trẻ ăn dặm
Bột sợi
Cho trẻ ăn bột có chất xơ (bột nở) như Metamucil TM hoặc bột protein sẽ khiến trẻ quá no để ăn bất kỳ thức ăn nào khác và gây khó khăn khi đi ngoài.
Sử dụng men vi sinh
Để điều trị táo bón cho trẻ sơ sinh, Hiệp hội Tiêu hóa Nhi khoa, Gan mật và Dinh dưỡng Bắc Mỹ (NASPGHAN) và Hiệp hội Tiêu hóa Nhi khoa Châu Âu đã đưa ra khuyến nghị được công bố vào năm 2018 về việc không khuyến khích cha mẹ sử dụng men vi sinh.
Thuốc nhuận tràng và các loại thuốc khác
Trước khi sử dụng bất kỳ một loại thuốc nào không kê đơn để điều trị táo bón ở trẻ ăn dặm, cha mẹ cần hỏi ý kiến bác sĩ.
Tự ý sử dụng thuốc nhuận tràng không đúng cách sẽ gây hại cho hệ tiêu hóa đang hoàn thiện và cực kỳ nhạy cảm của trẻ nhỏ.
Điều trị táo bón ở trẻ ăn dặm
Điều chỉnh chế độ dinh dưỡng của trẻ ăn dặm
Khi tình trạng táo bón ở trẻ ăn dặm xảy ra, mẹ cần thay đổi ngay thực đơn cho trẻ bằng việc bổ sung nhiều loại thực phẩm giàu chất xơ, khoáng chất để giúp cải thiện hệ tiêu hóa cho trẻ.
Đừng quên cho trẻ uống nhiều nước giúp quá trình đào thải phân ra ngoài trơn tru hơn.
Ngâm hậu môn với nước ấm
Nếu trẻ khó đi đại tiện, mẹ hãy thực hiện giải pháp ngâm hậu môn của trẻ vào nước ấm từ 5 – 10 phút ngay lập tức để có hiệu quả tức thì, cơ vòng hậu môn giãn ra, giúp bé dễ tống phân ra ngoài hơn. Đặc biệt là những trẻ biếng ăn, quấy khóc.
Massage bụng cho trẻ
Nhiều mẹ còn áp dụng massage bụng cho trẻ khi bị táo bón. Thực hiện như sau: dùng 3 ngón tay giữa chụm lại, ấn lực vừa phải và chuyển động tròn xung quanh rốn của trẻ trong khoản 3 phút.
Áp dụng massage bụng đều đặn sẽ giảm tình trạng chướng bụng, khó tiêu, thức ăn mềm ra và chuyển động xuống dưới hậu môn dễ hơn để đào thải ra ngoài.
Các bậc phụ huynh lưu ý nếu áp dụng các biện pháp trên vẫn không cải thiện được tình trạng táo bón ở trẻ ăn dặm, cần đưa trẻ tới khám bác sĩ chuyên khoa để có biện pháp cải thiện, không gây ảnh hưởng tới sức khỏe của trẻ.
Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh