✴️ Tổng hợp những bệnh về tai phổ biến

Tìm hiểu cấu tạo và chức năng của tai

Tai được coi là một cơ quan phức tạp, mang chức năng cảm thụ âm thanh đồng thời tác động đến phần tiền đình để điều chỉnh thăng bằng cho cơ thể.

Cấu tạo giải phẫu của tai được chia thành 3 phần chính gồm:

  • Tai ngoài: bao gồm các bộ phận từ màng nhĩ đến vành tai đóng vai trò thu nhận và dẫn truyền âm thanh.
  • Tai giữa: gồm các bộ phận như xoang chũm, vòi nhĩ, hòm nhĩ, xương con để đảm nhiệm chức năng điều chỉnh âm thanh.
  • Tai trong: có mê nhĩ màng và mê nhĩ xương, chức năng chính là chuyển âm thanh thành các xung động thần kinh, đồng thời giúp điều chỉnh thăng bằng cho cơ thể.

Tai có thể bị tổn thương giống như các cơ quan khác trong cơ thể khi có các yếu tố tác động như virus, vi khuẩn xâm nhập, chấn thương, vệ sinh kém…

Chức năng chính của tai được xác định là:

  • Khả năng nghe: đây là chức năng đầu tiên và được biết đến nhiều nhất, khả năng nghe của tai chủ yếu dựa vào hệ thống thính giác gồm 3 phân: tai ngoài, tai giữa và tai trong.
  • Giữ thăng bằng cho cơ thể: Khi con người chuyển động trong không gian, hệ thống tiền đình sẽ ảnh hưởng tới sự chuyển động của mắt và vị trí cơ thể.

7 bệnh về tai phổ biến nhất

Bất kì đối tượng nào cũng có thể gặp phải ít nhất một trong số bảy bệnh về tai dưới đây:

Viêm tai giữa

Tình trạng ống tai giữa bị sưng viêm do virus hoặc vi khuẩn được gọi là viêm tai giữa.

Trẻ nhỏ rất dễ bị viêm tai giữa do cấu trúc vòi nhĩ chưa hoàn chỉnh và hệ miễn dịch yếu ớt.

Sự phát triển của viêm tai giữa sẽ theo từng giai đoạn cụ thể gồm viêm tai giữa sung huyết, viêm tai giữa ứ dịch, viêm tai giữa có mủ và thủng màng nhĩ.

Ống tai giữa bị tổn thương sẽ gây ra các triệu chứng như giảm thính lực, sốt, mệt mỏi, sưng hạch bạch huyết, đau họng, buồn nôn, mất cân bằng, chảy dịch/mủ ra ống tai ngoài…

Theo từng giai đoạn của bệnh sẽ có mức độ của các triệu chứng phân cấp khác nhau.

Điều trị nội khoa sẽ được áp dụng đối với tình trạng viêm tai giữa cấp tính nhưng nếu không kịp thời kiểm soát, bệnh sẽ tiến triển sang giai đoạn mạn tính và gây ảnh hưởng tới chức năng của tai.

Viêm ống tai ngoài

Tình trạng ống tai ngoài bị nhiễm trùng và sưng viêm là viêm ống tai ngoài.

Bình thường ống tai ngoài có chức năng tiết ra ráy tai để bảo vệ tai giữa và tai trong nhưng khi khả năng điều tiết của ống tai ngoại bị ảnh hưởng sẽ khiến virus và vi khuẩn dễ dàng xâm nhập gây bệnh cho tai.

Mức độ tổn thương của ống tai ngoài sẽ nhẹ hơn so với nhiễm trùng ống tai giữa với các dấu hiệu nhận biết như tai đỏ nhẹ, ngứa rát, khó chịu, chảy dịch, ù tai, ứ đọng dịch, sốt, sưng hạch bạch huyết ở cổ…

Khi bị viêm ống tai ngoài sẽ gây ra những biến chứng như mất thính giác tạm thời, nhiễm trùng lây lan vào tai giữa – tai trong, viêm mô tế bào… nếu không điều trị kịp thời.

Viêm tai xương chũm

Xương chũm thuộc một trong những cơ quan của tai giữa, nhiễm trùng tai xương chũm có thể là hậu quả của viêm tai giữa gây ra.

Viêm tai xương chũm là bệnh về tai với những triệu chứng như ù tai, giảm thính lực, sốt, tai chảy mủ, đau nhói bên trong và xung quanh tai, sốt…

Biến chứng nguy hiểm do viêm tai xương chũm khi không được điều trị đúng cách có thể là áp xe đại não, liệt mặt, viêm màng não, viêm mê nhĩ, viêm tĩnh mạch bên, áp xe ngoài màng cứng…

Chàm tai

Tình trạng tổn thương da xảy ra ở vành tai, ống tai ngoài và phần da bao quanh vành tai được gọi là chàm tai, có thể chia thành 3 giai đoạn: cấp tính – bán cấp – mạn tính. Trẻ nhỏ là đối tượng hay bị chàm tai nhất.

Triệu chứng khởi phát của bệnh là các mảng da sần, ngứa ngáy và khó chịu. Tiếp đến da bắt đầu ửng đỏ, xuất hiện mụn nước. Khi mụn nước vỡ, da sẽ có xu hướng rỉ dịch, khô dần và tạo thành vảy cứng.

Hiện nay vẫn chưa xác định được nguyên nhân cụ thể dẫn đến bệnh chàm tai, nhưng bệnh lý này thường không quá nguy hiểm và hoàn toàn có thể kiểm soát được khi có các biện pháp điều trị thích hợp.

7 bệnh về tai phổ biến nhất

Viêm sụn vành tai

Bệnh lý hình thành do sụn ở vành tai bị viêm và nhiễm trùng được xác định là viêm sụn vành tai. Bệnh khởi phát sau khi vành tai bị chấn thương mạnh gây nên tình trạng tụ máu, ứ máu ở vành tai khiến dinh dưỡng không thể tuần hoàn được để nuôi dưỡng vành tai, lâu dần khiến vành tai hoại tử và sùi lấp ống tai ngoài.

Tình trạng ứ máu khi bị bệnh về tai này cũng tạo điều kiện cho vi khuẩn S.aureus và Pseudomonas aeruginosa xâm nhập và gây nhiễm trùng.

Viêm sụn vành tai có những dấu hiệu nhận biết đặc trung gồm vành tai đau, đỏ và ấm nhẹ, ù tai, giảm thính lực…

U dây thần kinh thính giác

Bệnh lý u dây thần kinh thính giác hay còn gọi là u dây thần kinh tiền đình ốc tai, u dây thần kinh số 8 là một bệnh lý khá lành tính xuất hiện ở dây thần kinh tiền đình và ảnh hưởng đến thính lực.

Khối u dây thần kinh thính giác khi phát triển có thể bị chèn ép và phát sinh những triệu chứng đau đầu, liệt cơ mặt, tê và nhói ở mặt, đi đứng vụng về…

Những người ở độ tuổi 30 – 60 tuổi sẽ dễ mắc bệnh và u dây thần kinh thính giác không có khả năng lây nhiễm.

Rối loạn mạch máu tai

Hiện tượng mạch máu bị tắc nghẽn dẫn đến tình trạng giảm lưu lượng máu tên là rối loạn mạch máu tai, bệnh về tai này có quan hệ mật thiết với chứng suy giảm thính lực.

Rối loạn mạch máu tai sẽ khiến các động mạch bị xơ cứng dẫn đến hiện tượng tắc nghẽn dòng máu tuần hoàn trong tai, làm thay đổi áp suất và lưu lượng máu, làm phát sinh tình trạng suy giảm thính lực.

Triệu chứng suy giảm thính lực do rối loạn mạch máu tai sẽ là nghe kém, tổn thương màng nhĩ và nguy cơ mất thính lực.

Giải pháp điều trị bệnh về tai

Có nhiều biến chứng nguy hiểm liên quan đến bệnh về tai vậy nên cần chủ động gặp bác sĩ khi các thấy các dấu hiệu bất thường xuất hiện để được chẩn đoán và tư vấn hướng điều trị thích hợp.

Bác sĩ sẽ căn cứ vào các tổn thương tai và khả năng đáp ứng của từng bệnh nhân để chỉ định phương pháp điều trị thích hợp. Vậy nên người bệnh về tai không được tự ý điều trị theo cảm quan vì sẽ không đem lại kết quả tốt.

Những biện pháp xử lý được áp dụng cho các bệnh về tai, bao gồm:

Điều trị y tế

Đa phần các bệnh về tai sẽ được điều trị y tế bao gồm việc dùng thuốc, xạ trị hoặc can thiệp phẫu thuật kết hợp cùng với chăm sóc tại nhà.

Các bệnh về tai như viêm tai giữa, viêm tai xương chũm, viêm ống tai ngoài, chàm tai… sẽ được chỉ định sử dụng thuốc để điều trị.

Các loại thuốc có thể được sử dụng, bao gồm:

  • Thuốc kháng sinh: áp dụng điều trị cho các trường hợp tổn thương do nhiễm trùng. Nên dùng thuốc trong thời gian kéo dài khoảng 7 – 10 ngày. Thuốc kháng sinh thường được dùng phối hợp với các loại thuốc điều trị triệu chứng nhằm cải thiện cảm giác đau rát, sốt, mệt mỏi… do nhiễm trùng gây ra.
  • Thuốc giảm đau, hạ sốt: Mục đích giảm các triệu chứng do các bệnh về tai gây ra. Nhược điểm của loại thuốc này chỉ có tác động đến triệu chứng, không can thiệp đến nguyên nhân gây bệnh. Vậy nên thuốc giảm đau hạ sốt thường được dùng phối hợp với những loại thuốc đặc hiệu.
  • Thuốc mỡ: được dùng trực tiếp để thoa lên bề mặt da nhằm làm giảm các triệu chứng của bệnh chàm tai.

Bác sĩ sẽ kết hợp cho bệnh nhân dùng thuốc cùng với việc trích rạch mũ ra bên ngoài đối với những trường hợp nhiễn trùng tai nghiêm trọng như viêm tai giữa ứ dịch và có mủ để ngăn chặn tình trạng thủng màng nhĩ.

Đối với bệnh u dây thần kinh thính giác, việc điều trị sẽ được chỉ định thực hiện khi khối u có dấu hiệu tăng kích thước và có phát sinh triệu chứng. Phương pháp điều trị được áp dụng đối với bệnh về tai này chủ yếu là xạ trị và phẫu thuật.

  • Xạ trị: sử dụng các tia năng lượng cao nhằm thu nhỏ kích thước khối u để bảo toàn khả năng nghe và điều chỉnh thăng bằng cho cơ thể.
  • Phẫu thuật: chỉ được thực hiện với những khối u rất nhỏ. Việc phẫu thuật sẽ được cân nhắc kỹ lương với những khối u lớn vì can thiệp ngoại khoa có thể gây tổn thương dây thần kinh vĩnh viễn.

Chú ý: Các biện pháp điều trị bệnh về tai trên đây được cung cấp chỉ mang tính chất tham khảo. Người bệnh cần liên hệ trực tiếp với bác sĩ chuyên khoa để được chỉ định biện pháp phù hợp.

Chăm sóc tại nhà

Với mục đích làm giảm triệu chứng và hỗ trợ quá trình điều trị, phương pháp chăm sóc tại nhà đối với bệnh về tai sẽ bao gồm các công việc sau:

  • Vệ sinh tai đều đặn bằng nước rửa tai chuyên dụng mỗi tuần, tránh dùng tăm bông hay vật nhọn chọc ngoáy vào bên trong tai. Đồng thời cần sử dụng khăn ẩm nhằm làm sạch vành tai và các vùng da xung quanh.
  • Bổ sung nước khoảng 2 – 3 lít/ngày để tăng cường dẫn lưu dịch ở cổ họng, mũi và tai.
  • Hạn chế dùng tai nghe hoặc nghe điện thoại quá thường xuyên trong thời gian điều trị.
  • Thực hiện chườm ấm hoặc chườm lạnh để giảm cảm giác đau rát, nóng ấm và khó chịu do nhiễm trùng tai gây ra.
  • Cần nghỉ ngơi tại nhà khi tai bị virus và vi khuẩn xâm nhập nhằm hạn chế nguy cơ lây nhiễm cho người khác.
  • Tránh tiếp xúc với các tác nhân gây dị ứng như khuyên tai, phấn hoa, lông chó mèo… để không làm nghiêm trọng thêm các triệu chứng của bệnh chàm tai và viêm ống tai ngoài.

Cần áp dụng đồng thời các phương pháp chăm sóc tại nhà có khả năng làm giảm triệu chứng của bệnh về tai với biện pháp chuyên sâu để dứt điểm bệnh hoàn toàn.

Tìm hiểu thêm: Bệnh nấm tai - Tổng quan và phương pháp điều trị

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top