ĐẠI CƯƠNG
Phục hồi chức năng hô hấp (PHCN HH) là một chương trình chăm sóc hô hấp đa thành phần, thiết kế phối hợp với cá nhân nhằm cải thiện các hoạt động thể chất, xã hội và khả năng tự chủ của người bệnh. PHCNHH trong chuyên ngành hô hấp rất quan trọng và không thể thiếu trong phác đồ điều trị tổng thể bệnh lý hô hấp, nhất là các bệnh mạn tính.
Để có thể thực hiện chương trình PHCNHH một cách hiệu quả thích ứng với từng cá thể cần có sự đánh giá chức năng hô hấp một cách chính xác và muốn xác định các chỉ số đánh giá chính xác chức năng hô hấp cần phải có một máy đo hô hấp tim mạch gắng sức CPX (Cardio Pulmonary Exercise Testing).
CHỈ ĐỊNH
Xác định cường độ luyện tập ở bệnh nhân mắc bệnh hô hấp mạn tính: COPD, giãn phế quản, viêm phổi kẽ, bệnh bụi phổi.....
Dùng để đánh giá khả năng tập luyện và đáp ứng với điều trị ở những bệnh nhân trước và sau ghép phổi.
Hỗ trợ chẩn đoán và phân biệt các nguyên nhân khó thở khi luyện tập là do phổi hay tim mạch hoặc sự suy giảm khả năng luyện tập khi nguyên nhân chưa rõ ràng.
Đánh giá lại khả năng tập luyện tối đa khi kết quả trước đó không đáng tin cậy hoặc chỉ ra các nguyên nhân khó thở mà kết quả trước đó chưa phát hiện ra.
Đánh giá sự đáp ứng với một liệu pháp điều trị hoặc can thiệp nhằm cải thiện khả năng gắng sức ở người bệnh hô hấp, tim mạch mạn tính
Đánh giá thể tích tiêu thụ Oxy tối đa ở những người có cường độ hoạt động thể lực cao: vận động viên, phi công...
CHỐNG CHỈ ĐỊNH
Chống chỉ định tuyệt đối
Nhồi máu cơ tim cấp trong vòng 3-5 ngày.
Đau thắt ngực không ổn định.
Rối loạn nhịp tim không kiểm soát được hoặc tình trạng huyết động không ổn định.
Bệnh nhân hôn mê.
Viêm nội tâm mạc đang hoạt động.
Viêm cơ tim cấp hoặc viêm màng ngoài tim cấp.
Hẹp động mạch chủ khít.
Huyết khối động mạch phổi hoặc nhồi máu phổi.
Huyết khối tĩnh mạch ở vùng thấp.
Nghi ngờ phình mạch.
Hen phế quản không kiểm soát.
Phù phổi cấp.
Suy hô hấp.
SpO2 ≤ 85%.
Các bệnh cấp tính ảnh hưởng đến quá trình thực hiện test: suy thận, nhiễm trùng, nhiễm độc giáp.
Người bệnh không hợp tác: rối loạn tâm thần.
Chống chỉ định tương đối
Hẹp động mạch vành trái, hẹp van tim mức độ vừa đến nặng.
Tăng huyết áp không kiểm soát (HA lúc nghỉ ≥220/120 mmHg).
Rối loạn nhịp tim nhanh hoặc rối loạn nhịp tim chậm.
Block nhĩ – thất.
Tăng áp động mạch phổi.
Mang thai hoặc các biến chứng của thai sản.
Bệnh lý cơ tim phì đại.
Rối loạn điện giải.
Các trường hợp phẫu thuật chỉnh hình ảnh hưởng đến quá trình thực hiện test.
Tràn khí màng phổi.
Ho ra máu chưa rõ nguyên nhân.
CHUẨN BỊ
Người thực hiện:
Bác sỹ, kỹ thuật viên, hoặc điều dưỡng được đào tạo và biết cách sử dụng máy CPX.
Người bệnh:
Giải thích cho người bệnh hiểu về nghiệm pháp và các nguy cơ có thể xảy ra khi thực hiện nghiệm pháp.
Phương tiện và dụng cụ:
Hệ thống thăm dò chức năng hô hấp tim mạch gắng sức CPX đã được hiệu chuẩn.
Bộ đặt nội khí quản, bóng ambu, máy shock điện, bình oxy.
Tủ thuốc cấp cứu tim mạch.
CÁC BƯỚC TIẾN HÀNH
Thực hiện nghiệm pháp
Kiểm tra hồ sơ bệnh án, các xét nghiệm cần thiết, các thuốc đang điều trị.
Kiểm tra lại người bệnh, giải thích để người bệnh hợp tác trong quá trình điều trị.
Bước 1: khởi động hệ thống CPX
Bước 2: gắn các thiết bị lên người bệnh: mặt nạ thở, thiết bị đo lưu lượng khí, điện cực tim cho người bệnh.
Bước 3: Nhập thông tin người bệnh: mã số, tên người bệnh, tuổi, giới tính, chiều cao, cân nặng, chẩn đoán, thuốc.
Bước 4: chọn Protocol phù hợp người bệnh.
Bước 5: tiến hành đo
Nhấn vào nút register.
Nhấn Star monitoring, kiểm tra các thông số đều hiển thị.
Nhấn Staring.
Theo dõi người bệnh và hướng dẫn cách đạp xe (50 – 60 vòng/phút).
Bước 6: in kết quả:
Kết thúc quá trình phân tích: end of analysis.
Chọn V-slope (hoặc VE/ VCO2).
Chọn Fix RC point.
Chọn biểu tượng in (mở máy in).
Bước 7:
Tháo các thiết bị trên người người bệnh.
Tắt máy sau khi đo hết người bệnh.
Thời gian đo cho một người bệnh trung bình từ 25 đến 40 phút.
Tiêu chuẩn kết thúc nghiệm pháp
Có cơn đau ngực nghi ngờ nhồi máu cơ tim.
Thiếu máu cơ tim có thay đổi trên điện tâm đồ
Ngoại tâm thu nhiều.
Block nhĩ thất cấp 2 hoặc cấp 3.
Giảm đột ngột huyết áp tối đa ≥ 20mmHg từ giá trị HA cao nhất trong lúc thực hiện test.
Huyết áp > 250/120mmHg.
SpO2 ≤ 80% kèm theo có triệu chứng và dấu hiệu của thiếu Oxy máu mức độ nặng.
Da đột ngột xanh xao.
Người bệnh không thể hợp tác để tiếp tục thực hiện nghiệm pháp.
Hoa mắt hoặc choáng váng.
Rối loạn tâm thần.
Kết quả
HR (Heart Rate): Nhịp tim.
VO2 (Oxygen uptake): Thể tích oxy tiêu thụ.
VO2/Wt (Oxygen uptake by weight): Thể tích oxy tiêu thụ/Trọng lượng cơ thể.
VO2/HR (Oxygen pulse): Thể tích oxy tiêu thụ/nhịp tim.
VCO2(Carbon dioxide output): Thể tích CO2 thải ra.
R (Gas exchange ratio): Tỉ lệ trao đổi khí giữa CO2 và O2 (VCO2/VO2).
VE (Minute ventilation): Thông khí phút.
RR (Respiration Rate): Nhịp thở.
TV (Tidal volume): Thể tích khí lưu thông.
ETO2 (End – tidal oxygen concentration): Phân suất oxy cuối thì thở ra.
ETCO2 (End – tidal Carbon dioxide concentration): Phân suất CO2 cuối thì thở ra.
VE/VO2 (Oxigen ventilation equivalent): Tỉ lệ thông khí phút/ thể tích oxy tiêu thụ.
VE/VCO2 (Carbon dioxide equivalent): Tỉ lệ thông khí phút/ thể tích oxy thải ra.
VD/VT (Dead space ventilation ratio): Tỉ lệ khoảng khí chết/thể tích khí lưu thông.
METs (Metabolic equivalent): Đương lượng chuyển hóa.
WR (Ergometer work rate): Công thực hiện bài tập.
Bác sĩ sẽ phân tích các chỉ số được máy cung cấp và đề ra chương trình tập luyện phù hợp cho từng người bệnh cụ thể.
THEO DÕI
Trong quá trình thực hiện test phải theo dõi phản ứng của người bệnh, nếu có các dấu hiệu ghi nhận trong điểm kết thúc thì dừng test. Cho người bệnh nằm nghỉ, kiểm tra mạch, huyết áp, ECG.
XỬ TRÍ TAI BIẾN
Nếu người bệnh có những thay đổi về tăng hay giảm về huyết áp, rối loạn nhịp, xử trí như cấp cứu nội khoa.
Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh