✴️ Nguyên nhân gây bệnh sỏi bàng quang và cách phòng tránh

Nội dung

Bệnh sỏi bàng quang là bệnh lý phổ biến ở đường tiết niệu và chiếm tỷ lệ 1/3 số ca sỏi đường tiết niệu. Nếu bệnh không được phát hiện sớm và xử lý kịp thời sẽ gây ra các biến chứng nguy hiểm tới sức khỏe. Bài viết dưới đây sẽ cung cấp đến bạn đọc thông tin về nguyên nhân, triệu chứng, cách chẩn đoán và điều trị sỏi bàng quang cũng như biện pháp phòng bệnh hiệu quả.

 

1. Bệnh sỏi bàng quang là gì?

Bàng quang hay còn gọi là bọng đái là nơi chứa nước tiểu do thận tiết ra trước khi thoát ra ngoài bằng cách đi tiểu. Sỏi bàng quang xuất hiện do sự tích tụ của các khoáng chất. Sỏi thường có hình tròn, ít xù xì. Đàn ông là đối tượng có nguy cơ mắc bệnh nhiều hơn phụ nữ.

Khi sỏi rơi xuống bàng quang, nếu là sỏi nhỏ có thể được thải ra ngoài qua đường tiểu, các viên sỏi lớn không thể đưa ra ngoài sẽ nằm tại bàng quang và tích tụ lớn dần do các cặn sỏi ở trong bàng quang bám vào gây ra cơn đau.

Bệnh sỏi bàng quang có thể do sỏi từ thận, tiết niệu rơi xuống

Bệnh sỏi bàng quang có thể do sỏi từ thận, tiết niệu rơi xuống

 

2. Các nguyên nhân chủ yếu gây bệnh sỏi bàng quang

Sỏi bàng quang có thể hình thành do nhiều nguyên nhân gây ra. Tổng hợp một số nguyên nhân chính bao gồm:

2.1. Sỏi từ các cơ quan trong hệ tiết niệu

Sỏi không phải lúc nào cũng hình thành từ bàng quang. Một số trường hợp xuất hiện sỏi niệu quản, sỏi thận rơi xuống bàng quang.

2.2. Viêm tuyến tiền liệt (thường gặp ở nam giới)

Cổ bàng quang bị chít hẹp do u xơ tuyến tiền liệt, viêm tiền liệt mãn tính đè cổ bàng quang gây ứ đọng nước tiểu. Nước tiểu bị ứ đọng dẫn đến tạo sỏi bàng quang (viêm nhiễm, u, cục, túi thừa bàng quang).

2.3. Sa bàng quang (thường gặp ở phụ nữ)

Thành bàng quang yếu và sa xuống âm đạo làm chặn dòng nước tiểu. Theo thời gian trong bàng quang dẫn tới hình thành sỏi.

2.4. Hẹp niệu đạo

Bệnh sỏi bàng quang có thể do chít hẹp niệu đạo gây ứ đọng nước tiểu tạo thành cặn sỏi.

2.5. Bổ sung thừa chất gây ra bệnh sỏi bàng quang

Các loại thuốc thực phẩm chức năng rất tốt cho cơ thể. Tuy nhiên nếu bổ sung quá nhiều canxi, phốt pho, chất khoáng sẽ gây thừa chất. Các chất thừa sẽ không thể chuyển hóa hết và tích tụ dần thành sỏi.

2.6. Thiết bị y tế

Các dụng cụ y tế như ống thông tiểu, vòng tránh thai cũng có thể là nguyên nhân gây sỏi.

2.7. Thói quen sinh hoạt và ăn uống không lành mạnh

Ăn ít rau, uống ít nước sẽ khiến cơ thể không trao đổi được chất gây tích tụ cặn. Thường xuyên ngồi một chỗ, ít vận động do các bệnh như tai biến mạch máu não, bại liệt, viêm khớp chậu cũng dễ hình thành sỏi thận.

 

3. Triệu chứng dễ nhận biết của bệnh sỏi bàng quang

Đối với các sỏi bàng quang có kích thước nhỏ có thể sẽ không gây ra triệu chứng. Tuy nhiên khi bàng quang có sỏi thì người bệnh sẽ có các biểu hiện như:

– Đau bụng dưới.

– Tiểu nhiều lần trong ngày kèm theo tiểu rắt và buốt.

– Khó tiểu và thường bị gián đoạn dòng nước tiểu.

– Cảm thấy đau và khó chịu trong dương vật (nam giới).

– Nước tiểu có màu khác lạ: Sậm màu hoặc có lẫn máu.

Người bệnh có thể thấy cảm giác đau đớn do sỏi gây ra

Người bệnh có thể thấy cảm giác đau đớn do sỏi gây ra

 

4. Biến chứng khi bị sỏi

Nếu để sỏi phát triển to sẽ chèn ép vào các bộ phận trong bàng quang gây ra nhiều biến chứng. Đặc biệt những người bị sỏi nhưng không có triệu chứng cũng sẽ gặp phải một số vấn đề như:

– Nhiễm trùng đường tiểu.

– Rối loạn chức năng bàng quang ở thể mạn tính: Nếu không sớm phát hiện và điều trị có thể khiến người bệnh đi tiểu đau, tiểu thường xuyên.

– Ung thư bàng quang: Sỏi kích thích mạn tính vào thành bàng quang gây tăng nguy cơ ung thư. Đây là biến chứng khiến mọi người vô cùng sợ hãi vì đe dọa tới tính mạng.

 

5. Các đối tượng có nguy cơ bị bệnh sỏi bàng quang

– Giới tính: Bệnh thường gặp chủ yếu ở nam giới.

– Độ tuổi: Những người thuộc độ tuổi trung niên (từ 50) trở lên rất dễ bị bệnh sỏi bàng quang do khi này các bộ phận trong cơ thể đã không còn hoạt động tốt.

– Những người mắc bệnh: Phì đại, u xơ tuyến tiền liệt, hẹp niệu đạo do nhiễm trùng hoặc phẫu thuật.

– Những người bị di chứng của bệnh: Đột quỵ, thoát vị đĩa đệm, bệnh Parkinson, tiểu đường,…

 

6. Các biện pháp chẩn đoán

Bước đầu tiên bác sĩ sẽ thăm khám lâm sàng, kiểm tra bụng dưới để xem cầu bàng quang. Đối với nam giới sẽ thực hiện kiểm tra trực tràng để phát hiện bệnh viêm tuyết tiền liệt. Sau đó bệnh nhân được thực hiện một số xét nghiệm chẩn đoán sỏi bàng quang.

6.1. Soi bàng quang

Đây là phương pháp hiệu quả nhất giúp bác sĩ quan sát số lượng, kích thước sỏi. Đồng thời kỹ thuật này cũng giúp xác định vị trí của sỏi trong bàng quang.

6.2. Phân tích nước tiểu

Người bệnh sẽ được yêu cầu giữ lại nước tiểu. Sau đó mẫu nước tiểu thu thập được sẽ mang đi kiểm tra để phân tích xem trong đó có lẫn vi khuẩn, máu và các chất khoáng kết tinh hay không.

6.3. Chụp CT scan

Chụp cắt lớp vi tính mang lại những hình ảnh rõ nét. Nhờ đó, chụp CT giúp phát hiện được sỏi dù là kích thước siêu nhỏ.

6.4. Siêu âm

Dựa vào sóng âm có thể giúp thu về hình ảnh của các loại sỏi trong bàng quang. Chuyên gia sẽ quan sát từ các hình ảnh thu được để biết trong hệ tiết niệu có xuất hiện sỏi.

6.5. Chụp X-quang (KUB)

Người bệnh sẽ được yêu cầu chụp X-quang niệu quản, thận, bàng quang để giúp xác định trong hệ tiết niệu có sỏi hay không. Đây là phương pháp tiết kiệm chi phí, dễ thực hiện nhưng có thể sẽ không phát hiện ra một số loại sỏi không cản quang.

6.6. Chụp cản quang đường tĩnh mạch để phát hiện bệnh sỏi bàng quang

Chuyên gia sẽ tiêm chất cản quang vào tĩnh mạch của người bệnh. Thuốc cản quang sẽ đi đến hệ tiết niệu từ thận xuống bàng quang và niệu quản. Hình ảnh đường đi của chất cản quang qua các bộ phận trong hệ tiết niệu sẽ được thu lại bằng máy chụp X-quang.

Chụp X-quang sẽ giúp thu thập các hình ảnh về tình trạng của sỏi

Chụp X-quang sẽ giúp thu thập các hình ảnh về tình trạng của sỏi

 

7. Điều trị bệnh sỏi bàng quang

Để điều trị bệnh sỏi bàng quang hiệu quả cần xác định chính xác kích thước và loại sỏi. Dựa vào thông tin thu được bác sĩ sẽ đưa ra phác đồ điều trị phù hợp.

7.1. Sỏi kích thước nhỏ

Nếu viên sỏi trong bàng quang có kích thước nhỏ bạn chỉ cần uống thật nhiều nước. Khi cơ thể đủ nước sẽ liên tục bài tiết các chất cặn bã ra khỏi cơ thể. Các viên sỏi cũng sẽ được đưa ra ngoài qua đường nước tiểu. Trường hợp này cách điều trị khá đơn giản và không cần sử dụng thuốc.

7.2. Sỏi có kích thước dưới 6mm

Trường hợp sỏi có kích thước lớn hơn và không thể tự đào thải qua đường nước tiểu vì vậy sẽ cần áp dụng các thủ thuật như:

– Nội soi lấy sỏi

– Tán sỏi nội soi

– Tán sỏi ngoài cơ thể

Đây là các phương pháp ít xâm lấn vì vậy sẽ không gây nhiều đau đớn cho người bệnh. Thời gian hồi phục sau điều trị cũng nhanh chóng và ít để lại biến chứng.

7.3. Sỏi có kích thước lớn hơn 25mm

Kích thước sỏi lớn sẽ không thể áp dụng các phương pháp tán sỏi thông dụng. Các bác sĩ buộc phải thực hiện phẫu thuật mở bàng quang để lấy sỏi.

Uống nhiều nước sẽ hạn chế tích tụ chất cặn bã gây ra sỏi

Uống nhiều nước sẽ hạn chế tích tụ chất cặn bã gây ra sỏi

 

8. Các biện pháp phòng bệnh sỏi bàng quang

Sỏi bàng quang rất dễ hình thành vì vậy bạn nên lưu ý một số cách phòng tránh hiệu quả như:

– Uống nhiều nước mỗi ngày. Trung bình mỗi người cần 1,5 tới 2 lít nước mỗi ngày, nếu có thể uống nhiều hơn thì càng tốt. Cơ thể được cung cấp đủ nước sẽ giúp đào thải liên tục các chất cặn bã, chất độc ra khỏi cơ thể, ngăn không cho chúng có cơ hội kết tủa thành sỏi.

– Bổ sung các thực phẩm giàu chất xơ: Rau xanh, ngũ cốc nguyên hạt, đậu,…

– Ăn nhiều hoa quả tươi để bổ sung các loại vitamin, khoáng chất cho cơ thể.

– Hạn chế ăn các loại thức ăn nhanh, đồ chiên rán vì chúng chứa nhiều muối và mỡ.

– Ăn nhiều cá hơn thịt vì chúng chứa protein dễ tiêu. Không nên ăn nội tạng động vật nhất là gan vì gan chứa nhiều purin – chất tạo sỏi.

– Không sử dụng thuốc lá và các loại đồ uống có cồn, có gas.

– Luôn nhớ khám sức khỏe định kỳ hàng năm để phát hiện bệnh sớm.

Bệnh sỏi bàng quang nếu được phát hiện sớm và điều trị sẽ không gây nguy hiểm cho người bệnh. Sau khi khỏi bệnh bạn cần duy trì thực hiện các biện pháp ngăn ngừa để tránh tái nhiễm trở lại

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top