✴️ Theo dõi xử trí sau tiêm chủng

Nội dung

Phân loại theo mức độ

  • Phản ứng thông thường sau tiêm chủng bao gồm các phản ứng tại chỗ như ngứa, đau, sưng và/hoặc đỏ tại chỗ tiêm, phản ứng toàn thân bao gồm sốt và các triệu chứng khác (khó chịu, mệt mỏi, chán ăn) có thể là một phần của đáp ứng miễn dịch bình thường. Các phản ứng này thông thường là nhẹ và tự khỏi
  • Tai biến nặng sau tiêm chủng là phản ứng bất thường sau tiêm chủng có thể đe dọa đến tính mạng người được tiêm bao gồm khoa thở, sốc phản vệ, sốc dạng phản vệ, sốc nhiễm độc, sốt cao co giật, tím tái, ngừng thở… hoặc để lại di chứng hoặc khiến người tiêm tử vong.

Phân loại theo nguyên nhân

  • Do trùng hợp ngẫu nhiên: xảy ra sau khi tiêm chủng nhưng nguyên nhân không phải do vắc xin hoặc sai sót trong tiêm chủng hoặc lo sợ do bị tiêm mà do trùng hợp ngẫu nhiên với bệnh lý sẵn có hoặc nguyên nhân khác.
  • Do tâm lý lo sợ: xảy ra do sự lo sợ hoặc do bị tiêm đau, không phải do vắc xin hoặc sai sót trong thực hành tiêm chủng
  • Do vắc xin: Phản ứng sau tiêm chủng xảy ra do các đặc tính cố hữu của vắc xin hoặc do vắc xin không đạt chất lượng
  • Do sai sót trong thực hành tiêm chủng: xảy ra do sai sót trong quá trình thực hành tiêm chủng (chuẩn bị, pha hồi chỉnh, kỹ thuật tiêm, bảo quản và sử dụng vắc xin không đúng)
  • Không rõ nguyên nhân: Không xác định được nguyên nhân

​     

Những lưu ý sau khi tiêm phòng vắc xin

1. Theo dõi 30 phút sau tiêm tại cơ sở tiêm chủng

  • Nhân viên y tế kiểm tra các dấu hiệu phản ứng sau tiêm chủng
  • Nhân viên y tế kiểm tra nhiệt độ cơ thể và vết tiêm trước khi cho khách hàng ra về.

2. Chăm sóc tại nhà

Cần tiếp tục trẻ theo dõi tại nhà ít nhất trong vòng 24h sau tiêm chủng về các dấu hiệu: Tinh thần, ăn, ngủ, thở, nốt phát ban trên da, triệu chứng tại chỗ tiêm...

*Gia đình cần chú ý

  • Cho trẻ ăn/bú đủ bữa, đủ số lượng, đúng tư thế; không cho ăn nằm
  • Kiểm tra thường xuyên trẻ, đặc biệt là ban đêm
  • Dùng thuốc cho trẻ theo chỉ định của bác sĩ (nếu có)
  • Nếu trẻ sốt: cặp nhiệt độ, chườm mát, dùng hạ sốt theo đơn
  • Không đắp bất kì chất gì vào vị trí tiêm (lá cây, chanh, khoai tây...)

Tất cả các trường hợp tiêm vắc-xin, cần đưa trẻ KHÁM LẠI NGAY khi:

  • Trẻ co giật, khóc thét, quấy khóc kéo dài, li bì, bú kém, bỏ bú
  • Khó thở, tím tái, nổi mề đay toàn thân, chân tay lạnh, nổi vân tím
  • Sốt cao liên tục trên 39 độ C, dùng hạ sốt không đỡ
  • Sốt trên 3 ngày
  • Vị trí tiêm sưng, cứng, đau và hạn chế vận động, có quầng đỏ kích thước > 2cm.

​     

Cách xử trí các trường hợp có phản ứng sưng nóng đỏ đau tại vị trí tiêm

  • Không đắp bất kì chất gì vào vị trí tiêm
  • Nếu quầng đỏ tiếp tục to lên > 2cm, cứng, nóng →KHÁM LẠI NGAY.

Cách xử trí các trường hợp có phản ứng sốt:

  • Sốt < 38.5 độ C: Chườm mát bằng nước dưới vòi hoặc dùng miếng hạ sốt dán trán
  • Sốt > 38.5 độ C: Dùng thuốc hạ sốt theo đơn của bác sĩ.

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top