✴️ Thiếu máu não ở người trẻ tuổi có nguy hiểm không?

Nội dung

Thiếu máu não là bệnh có thể gặp ở mọi lứa tuổi. Trước đây, bệnh thường phổ biến ở người già hơn do hoạt động của hệ tuần hoàn trở nên suy yếu theo năm tháng. Tuy nhiên càng ngày, căn bệnh này càng có dấu hiệu trẻ hóa. Vậy, thiếu máu não ở người trẻ có nguy hiểm không, làm thế nào để có thể nhận biết và điều trị? Hãy cùng tìm hiểu qua bài biết dưới đây.

 

1. Thiếu máu não ở người trẻ là bệnh như thế nào?

Thiếu máu não nói chung còn được gọi là thiểu năng tuần hoàn não. Đây là tình trạng lượng máu đi lên não bị thiếu hụt so với nhu cầu của cơ thể. Từ đó oxy và các chất dinh dưỡng không được cung cấp đủ cho các tế bào thần kinh. Điều này gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động và chức năng của não.

Thiếu máu não có thể xảy ra ở mọi đối tượng, thường gặp hơn cả là người già. Tuy nhiên, hiện tượng này vẫn có thể xảy ra và ngày càng phổ biến ở những người trẻ tuổi. 

Thiếu máu não ở người trẻ là hiện tượng thiếu hụt lượng máu cung cấp cho não ở người trẻ

Ở người trẻ, lượng máu cung cấp cho não có thể gây ra những hệ lụy lớn đối với sức khỏe

 

2. Biểu hiện của bệnh thiếu máu não thường gặp ở những người trẻ

– Thường xuyên đau đầu

– Chóng mặt và rối loạn thăng bằng

– Rối loạn thị giác, nhìn đôi

– Rối loạn vận động, thường xuyên tê tay chân

– Ù tai, giảm thính lực

– Hội chứng tiền đình, buồn nôn và nôn

– Rung giật nhãn cầu

Tùy mức độ thiếu máu mà mỗi người bệnh có những biểu hiện khác nhau.

 

3. Nguyên nhân gây thiếu máu não ở những người trẻ tuổi

3.1. Lối sống và sinh hoạt thiếu khoa học

Nếu ở người già, thiếu máu não thường xảy ra do sự suy giảm chức năng của nhiều cơ quan trên cơ thể và các vấn đề bệnh lý liên quan thì bệnh thiếu máu não xảy ra ở người trẻ chủ yếu bắt nguồn từ lối sống thiếu lành mạnh. Cụ thể là:

– Ăn nhiều và thường xuyên các loại thức ăn nhanh, thức ăn nhiều dầu mỡ

– Lạm dụng các chất kích thích như rượu, bia, thuốc lá, cà phê

 – Sử dụng các thiết bị điện tử thường xuyên

– Ngồi nhiều, ít vận động

– Giờ giấc sinh hoạt không điều độ, thường xuyên thức khuya

– Căng thẳng do công việc, cuộc sống

Những yếu tố này đều gây hại cho cơ thể qua việc kích thích sản sinh nhiều gốc tự do. Từ đó làm tổn thương các cấu trúc tế bào thành mạch máu, dẫn tới hình thành các mảng xơ vữa. Điều này khiến dòng máu lưu thông lên não gặp nhiều khó khăn, gây ra thiếu máu não.

3.2. Môi trường ô nhiễm 

Ô nhiễm môi trường, ùn tắc giao thông, khói bụi ngày càng trở thành một vấn đề nhức nhối. Bên cạnh đó áp lực học tập, công việc cũng khiến mạch máu não bị co thắt bất thường. Điều này càng nguy hiểm với những người bị dị dạng mạch máu bẩm sinh.

3.3. Các bệnh lý gây thiếu máu não ở người trẻ

Tỉ lệ mắc các bệnh lý ở người trẻ có xu hướng ngày càng tăng cũng khiến họ có nguy cơ cao đối mặt với tình trạng thiếu máu não.

Có thể kể đến các bệnh lý:

– Các bệnh đốt sống cổ

Các mạch máu chính dẫn máu lên não của chúng ta đều đi qua vùng cổ. Do vậy khi bộ phận này gặp những bất thường, thoái hóa sẽ khiến các mạch máu bị chèn ép. Từ đó gây cản trở đến quá trình lưu thông máu lên não. Thoát vị đĩa đệm, thoái hóa đốt sống cổ,… là một số bệnh lý đốt sống thường gặp gây thiếu máu não.

– Bệnh tim mạch

Các bệnh lý về tim mạch là nguyên nhân hàng đầu khiến cho tim hoạt động kém, khiến cho lượng máu bơm lên não bị thiếu hụt.

Các bệnh lý về tim mạch thường gặp là bệnh van tim, bệnh cơ tim, xơ vữa động mạch, huyết áp cao… 

Ở những người mắc chứng huyết áp thấp, áp lực máu lên thành mạch quá thấp cũng khiến máu khó đưa từ tim lên não. Người bệnh thường cảm thấy hoa mắt, chóng mặt khi giảm lượng đường trong máu.

– Bệnh thiếu máu

Những bệnh nhân mắc các bệnh mạn tính như lao, HIV, ung thư, bệnh thận,…thường bị thiếu máu trầm trọng. Đó có thể là tình trạng thiếu máu do thiếu sắt hoặc do tế bào tủy xương không sản xuất đủ tế bào máu.

– Dị dạng mạch máu não

Là hiện tượng có những bất thường về mạch máu, gây tắc nghẽn và cản trở dòng máu về não.

– Đái tháo đường, béo phì

Với lối sống thiếu khoa học, người trẻ càng ngày càng có nguy cơ cao mắc các bệnh tiểu đường, béo phì. Đây là những bệnh lý cần được theo dõi sát sao vì đều là những yếu tố nguy cơ gây thiếu máu não ở những người trẻ tuổi.

Những thói quen sinh hoạt thiếu lành mạnh là nguyên nhân gây thiếu máu não ở người trẻ

Những người trẻ tuổi có thể bị thiếu máu não do những thói quen sinh hoạt thiếu lành mạnh

 

4. Thiếu máu não ở những người trẻ có nguy hiểm không?

Những người trẻ tuổi bị thiếu máu não chỉ có biểu hiện thoáng qua nên người bệnh thường rất chủ quan. Trong khi đó bệnh rất dễ phát triển thành thiếu máu não mạn tính nếu không được điều trị kịp thời.

Khi đó các triệu chứng nặng nề hơn. Bạn có thể bị tê, liệt tay chân thậm chí nửa người, méo mặt, méo miệng, khó nói chuyện,… Đó là những biểu hiện sớm của tai biến mạch máu não.

Ngoài ra, người bệnh có thể gặp phải một số biến chứng nghiêm trọng khác, bao gồm:

4.1. Rối loạn tính cách

Dễ bị xúc động, kích động, phản ứng thái quá với những vấn đề xảy ra xung quanh, mất kiểm soát hành động…là những biểu hiện của bệnh nhân bị rối loạn tính cách.

4.2. Rối loạn giấc ngủ

Do máu cung cấp lên não không đủ nên người bệnh thường xuyên bị mất ngủ, khó ngủ hoặc hay tỉnh giấc, giật mình trong đêm. Buồn ngủ nhưng không ngủ sâu được khiến người bệnh rất khó chịu, mệt mỏi.

4.3. Sa sút trí tuệ do thiếu máu não ở người trẻ

Khi bị thiếu máu não, bạn sẽ dễ cảm thấy đau đầu, đặc biệt là khi phải suy nghĩ hay làm những việc đòi hỏi tư duy. Cảm thấy không tập trung, kém hiệu quả khi đọc sách, tính toán. Một số người bệnh có thể giảm trí nhớ tạm thời.

4.4. Đột quỵ

Khi người bệnh bị thiếu máu não sẽ dễ hình thành cục máu đông bên trong động mạch hoặc các mô ở não. Điều này có thể dẫn đến đột quỵ và tế bào não chết dần vì không nhận được lượng máu cần thiết. Một số trường hợp, mạch máu não yếu có thể bị vỡ gây xuất huyết não. Người bệnh có thể mất hoàn toàn khả năng nhận thức, đi lại và giao tiếp vĩnh viễn, thậm chí tử vong  nếu không được cấp cứu kịp thời.

 

5. Phòng ngừa và điều trị thiếu máu não khi còn trẻ

5.1. Phòng ngừa thiếu máu não

Để phòng ngừa thiếu máu lên não, người trẻ cần chú ý cải thiện lối sống, chế độ ăn uống, tập luyện thể dục thể thao. Cụ thể:

– Xây dựng chế độ sinh hoạt, làm việc hợp lý, cân bằng như ngủ đúng giờ, không thức quá khuya.

– Duy trì và tăng cường luyện tập thể dục, thể thao.

– Thiết lập chế độ ăn uống khoa học:  bổ sung nhiều đạm thực vật, rau xanh và trái cây. Hạn chế tiêu thụ các sản phẩm từ động vật, các chất kích thích.

– Giải tỏa căng thẳng, áp lực bằng nhiều cách khác nhau.

Khi đến các chuyên khoa thần kinh, bạn sẽ được khám và chẩn đoán với các chuyên gia giỏi và các thiết bị hiện đại để xác định đúng nguyên nhân và mức độ thiếu máu của não.

5.2. Điều trị thiếu máu não

Thiếu máu não ở những người trẻ tuổi có thể dẫn đến những thương tổn, biến chứng suốt đời nếu không được điều trị, thậm chí là đe dọa đến tính mạng.

Để điều trị thiếu máu não, cần xác định nguyên nhân gây bệnh. Điều này không thể dựa trên những suy đoán chủ quan của người bệnh mà cần sự thăm khám của bác sĩ và những chẩn đoán lâm sàng, cận lâm sàng tại các cơ sở y tế uy tín. 

Dựa trên những kết quả thăm khám, các bác sĩ mới có thể đưa ra những hướng điều trị phù hợp như dùng thuốc tăng cường tuần hoàn máu não kết hợp với các phương pháp khai thông các động mạch não. Nhờ đó, máu dễ dàng lưu thông và cung cấp đầy đủ oxy, dưỡng chất nuôi dưỡng tế bào não.

Có thể thấy, thiếu máu não ở người trẻ gây rất nhiều ảnh hưởng đến sức khỏe và công việc của người bệnh. Để phòng tránh bệnh này, thay đổi lối sống là điều rất cần thiết. Đừng quên thăm khám định kỳ và khám ngay khi có những dấu hiệu bất thường để được bác sĩ chẩn đoán và tư vấn hướng điều trị hiệu quả.

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top