✴️ Tình trạng và bệnh lý mắt trẻ em

Nội dung

Có rất nhiều bệnh và các tình trạng của mắt có thể ảnh hưởng đến thị lực của trẻ. Một số rối loạn điều tiết, vận nhãn và các bệnh về mắt được liệt kê ở bên dưới. Chẩn đoán và điều trị sớm rất quan trọng để giữ gìn thị lực cho trẻ. Thực hiện theo các khuyến cáo để bảo tồn thị lực cho trẻ.

Các rối loạn điều tiết và vận nhãn ảnh hưởng đến thị lực

Nếu nghi ngờ bất kỳ các tình trạng nào sau đây, đứa trẻ sẽ cần phải được kiểm tra bởi một bác sĩ chuyên khoa mắt.

Giảm thị lực

Giảm thị lực là một thuật ngữ dùng để chỉ thị lực kém ở một mắt mà chưa phát triển thị giác bình thường (thường ở trẻ nhỏ). Tình trạng này đôi khi được gọi là “nhược thị”. Nó xảy ra khi thị lực tốt hơn nhiều ở một mắt so với mắt kia. Giảm thị lực xuất hiện phổ biến và ảnh hưởng đến 2-3% dân số ở Mỹ.

Những dấu hiệu nhận biết: 

  • Giảm thị lực có thể là hậu quả của tật lác mắt, mắt lệch trục. Một mắt có thể nhìn thẳng về phía trước trong khi mắt kia nhìn vào trong, ra ngoài, lên trên hoặc xuống dưới. Sự chuyển hướng mắt có thể cố định, có thể không thường xuyên hoặc liên tục. Tín hiệu từ mắt lệch trục được “ẩn” bởi não bộ để tránh nhìn đôi, vì vậy đứa trẻ chỉ sử dụng mắt tốt hơn để nhìn. Lác ảnh hưởng đến khoảng 4% trẻ em ở Mỹ. Giảm thị lực có thể do các vấn đề khác về mắt hơn là lác.

Những điều cần làm: 

  • Nếu thị lực ở một mắt của trẻ là tốt hơn (hoặc yếu hơn) đáng kể so với mắt còn lại, trẻ cần được kiểm tra bởi một bác sĩ nhãn khoa.

Sụp mi

Sụp mi liên quan đến tình trạng mí mắt trên sụp xuống che phủ mắt một phần hoặc hoàn toàn, do đó hạn chế tầm nhìn của trẻ.

Mờ mắt

Bình thường bề mặt nhãn cầu trong suốt. Khi xuất hiện mờ đục, đứa trẻ có thể có tình trạng đục thủy tinh thể hoặc rối loạn ở mắt cần phải điều trị.

Tình trạng và các bệnh mắt phổ biến ở trẻ em

Khi nghi ngờ các bệnh sau đây, trẻ cần phải được kiểm tra bởi một bác sĩ chăm sóc sức khỏe ban đầu hoặc dịch vụ sức khỏe trẻ em, người này sẽ cùng khám trẻ với một bác sỹ chuyên khoa mắt khi cần thiết:

Viêm kết mạc (đau mắt đỏ)

Viêm kết mạc có thể do một trong các nguyên nhân: nhiễm virus hoặc vi khuẩn (cả hai rất dễ lây lan), hoặc phản ứng dị ứng (không lây nhiễm).

Những dấu hiệu nhận biết:

  • Mắt xuất hiện màu đỏ hoặc màu hồng do viêm kết mạc, lớp màng dạng sương mù, mỏng, phủ bên trong mí mắt và phần trắng của mắt.
  • Mắt ướt hoặc chảy nước mắt hoặc cả hai, thường ngứa và khó chịu.
  • Nếu nguyên nhân do virus, trẻ cũng có thể bị sốt, đau họng và chảy nước mũi.

Những điều cần làm:

  • Nếu trẻ có (hoặc có thể có) mắt đỏ dễ lây lan, trẻ cần phải nghỉ học ở nhà để tránh lây nhiễm cho người khác. Đau mắt đỏ dễ lây lan, thường tự khỏi trong 3-7 ngày. Khi ngừng chảy nước mắt trẻ có thể đi học lại.

viêm kết mạc ở trẻ
 

Chắp

Chắp trông giống như một cục u nhỏ trên mí mắt, và có thể xảy ra khi tuyến meibomian (một tuyến tiết chất nhờn ở mí mắt) bị tắc. Nguyên nhân không phải do nhiễm trùng.

Lẹo mi mắt

Lẹo mi mắt trông giống như một cục u đau nhức, màu đỏ, gần rìa của mí mắt, được gây ra bởi một nang lông mi bị nhiễm trùng.

Viêm mô tế bào hốc mắt hoặc vách ngăn hốc mắt

Viêm mô tế bào là nhiễm trùng liên quan đến chấn thương, nhiễm trùng đường hô hấp trên hoặc nhiễm trùng mí mắt.

Những dấu hiệu nhận biết: 

  • Các mô xung quanh mắt xuất hiện màu đỏ và sưng đau. Tình trạng này thường xảy ra ở một mắt, có thể sưng phồng. Đứa trẻ có thể bị sốt. Viêm mô tế bào hốc mắt hoặc vách ngăn hốc mắt nghiêm trọng hơn có thể gây giảm thị lực, hạn chế vận nhãn, và xuất hiện lồi mắt.

Những điều cần làm:

  • Cả hai dạng viêm mô tế bào là những tình trạng nghiêm trọng yêu cầu chăm sóc y tế khẩn cấp. Đưa trẻ đến bác sĩ chăm sóc sức khỏe ban đầu hoặc chuyên gia y tế có trình độ chuyên sâu, những người này sẽ cùng điều trị trẻ với một bác sĩ nhãn khoa.

Tắc lệ quản

Tắc lệ quản là khi đường lưu thông của nước mắt bị cản trở một phần hoặc hoàn toàn. Nước mắt không thể chảy bình thường, do bị kích thích hoặc mắc bệnh mạn tính.

Những dấu hiệu nhận biết: 

  • Các triệu chứng của tắc lệ quản có thể bao gồm mắt ướt hoặc bị chảy nước mắt.

Những điều cần làm:

  • Trẻ mới sinh ra có thể bị tắc lệ quản, nhưng tình trạng này sẽ hết trong năm đầu tiên. Trong một số trường hợp, bác sĩ nhãn khoa sẽ hướng dẫn một số kĩ thuật xoa bóp đặc biệt để cải thiện tình trạng này.

 

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top