✴️ Vật lý trị liệu tổn thương đám rối thần kinh cánh tay ở trẻ em

Nội dung

Tổn thương đám rối thần kinh cánh tay là tình trạng gây nên sự yếu liệt hay mất cảm giác một phần hay hoàn toàn một cánh tay của bệnh nhân. Tổn thương đám rối thần kinh cánh tay ở sơ sinh chiếm 60 - 70% của tất cả tổn thương thần kinh cánh tay.

 

NGUYÊN NHÂN

Nguyên nhân là do sang chấn sản khoa trong những trường hợp sinh khó gây tổn thương rễ thần kinh C5, C6, đôi khi cả C7 hoặc do tai nạn gây sang chấn vùng vai.

 

CHẨN ĐOÁN

Hỏi bệnh 

Hỏi tiền căn sản khoa: sanh hút, sanh khó, cân nặng lúc sinh…

Thời gian phát hiện trẻ liệt tay.

Tổn thương khác kèm theo (gãy xương đòn, gãy xương đùi…).     

Khám lâm sàng

Tổn thương thường được cha mẹ hoặc thầy thuốc phát hiện qua phản xạ giật mình của bé (phản xạ Moro): trẻ không cử động hoặc cử động yếu một tay, trẻ thường nằm ngửa với tay xoay trong, cẳng tay sấp, cổ tay gập, các ngón tay gập.

Cần xác định mức độ teo cơ.

Thử cơ theo chức năng để xác định vùng cơ liệt. Chú ý cơ delta, cơ 2 đầu, cơ 3 đầu, cơ ngửa, nhóm cơ duỗi cổ tay - ngón tay.

Khám trương lực cơ, quá trình phát triển vận động nếu có nghi ngờ trẻ có tổn thương não.

 

ĐIỀU TRỊ

Vật lý trị liệu là rất cần thiết, thông thường sự phục hồi hoàn toàn khoảng 1 năm, sự hồi phục sẽ khó khăn hoặc không hồi phục ở năm thứ hai.

Cần phân biệt liệt một tay do tổn thương đám rối thần kinh và liệt tay do tổn thương não (trong trường hợp này, quan sát có tổn thương chân tay cùng bên).

Mục đích

Gia tăng tuần hoàn và giảm phù nề.

Ngăn ngừa co rút và biến dạng khớp.

Duy trì tối đa tầm hoạt động khớp.

Gia tăng tầm hoạt động khớp nếu bị giới hạn.

Gia tăng lực cơ của các nhóm cơ liệt.

Huấn luyện chức năng cơ.

Phục hồi chức năng sinh hoạt, chức năng bàn tay (đối với trẻ lớn).

Điều trị

Massage cơ vùng cánh tay - đai vai.

Vận động thụ động, trợ giúp, chủ động tiến tới có đề kháng các cơ liệt.

Phương pháp tạo thuận cảm thụ bản thể thần kinh cơ (PNF) nhằm duy trì và tăng tiến lực cơ.

Kích thích cơ bằng điện.

Tư thế tốt, nâng đỡ đai vai: treo tay hoặc tư thế gập dang xoay ngoài khớp vai.

Nẹp tĩnh hoặc nẹp động bàn tay để ngăn ngừa co rút gập cổ tay và tập mạnh nhóm cơ duỗi cổ tay.

Trong giai đoạn phục hồi khuyến khích mọi hoạt động của cơ bằng trò chơi và hoạt động trị liệu.

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top