1. Tìm hiểu bệnh viêm khớp dạng thấp ở trẻ em
Viêm khớp dạng thấp ở trẻ, hay còn gọi là viêm khớp tự phát vị thành niên, thường xảy ra phổ biến ở trẻ từ 6 tháng tuổi đến 16 tuổi. Bệnh có thể gây ảnh hưởng đến sự phát triển xương và tốc độ tăng trưởng của trẻ nếu không điều trị dứt điểm.
Bệnh viêm khớp dạng thấp vị thành niên được chia làm 3 thể chính, bao gồm:
– Thể viêm ít khớp: Đây được xem là thể bệnh phổ biến nhất. Thể thường gặp ở bé gái dưới 8 tuổi.
– Thể viêm đa khớp: Có khoảng 30% các trường hợp bệnh viêm khớp dạng thấp đều được xếp vào thể viêm đa khớp, bởi có trên 5 khớp bị tổn thương. Trong đó, các khớp ở bàn tay và bàn chân bị tổn thương nhiều nhất.
– Thể viêm hệ thống: Bệnh viêm khớp dạng thấp ở thể viêm hệ thống có kèm theo triệu chứng ở các cơ quan bộ phận khác như sốt, nổi ban đỏ, rối loạn chức năng tim, gan. Thể này chiếm khoảng 20% ca bệnh.
1.1. Tại sao lại xảy ra viêm khớp dạng thấp ở trẻ em?
Hiện các chuyên gia y tế vẫn chưa xác định được chính xác nguyên nhân chính gây ra bệnh. Tuy nhiên, họ đã chỉ ra một số yếu tố dưới đây, đó là:
– Do di truyền: Theo nghiên cứu, nếu bố mẹ hoặc người thân đã từng bị mắc bệnh viêm khớp sẽ mang gen yếu tố HLA – kháng nguyên có trong bệnh viêm khớp dạng thấp – di truyền sang con cái.
– Do nhiễm khuẩn: Trẻ em là đối tượng rất dễ bị viêm nhiễm, nhiễm khuẩn bởi sức đề kháng kém và hệ miễn dịch chưa được hoàn thiện. Virus có thể bất cứ lúc nào tấn công cơ thể.
– Rối loạn hệ miễn dịch: Các tế bào hệ miễn dịch có thể nhầm tưởng trong việc nhận diện các tế bào bình thường thành các tác nhân gây hại. Hệ miễn dịch lúc này lại tấn công các tế bào khoẻ mạnh, gây ra phản ứng viêm.
– Các tác nhân khác: Chấn thương, thừa cân, béo phì,…
1.2. Dấu hiệu nhận biết bệnh viêm khớp dạng thấp ở trẻ em
Dưới đây là các triệu chứng lâm sàng phổ biến của viêm khớp dạng thấp vị thành niên:
– Đau khớp: Trẻ thường đau vào sáng sớm, đi lại khó khăn, khập khiễng.
– Sưng, cứng khớp: Dấu hiệu này thường xuất hiện ở đầu gối, các khớp nhỏ ở tay và chân cũng có thể bị ảnh hưởng.
Bên cạnh những triệu chứng trên, viêm khớp dạng thấp còn có thể gây những biến chứng nguy hiểm cho trẻ, như:
– Các bệnh về mắt: Nếu để tình trạng viêm khớp kéo dài, có thể ảnh hưởng đến mắt. Một số bệnh lý nguy hiểm như đục thuỷ tinh thể, tăng nhãn áp, thậm chí là mù loà.
– Ức chế sự tăng trưởng: Viêm khớp dạng thấp gây cản trở sự phát triển xương của trẻ và ức chế sự tăng trưởng.
2. Cách điều trị – chăm sóc trẻ bị viêm khớp dạng thấp
Đối với trẻ bị viêm khớp dạng thấp, các bậc cha mẹ phải có biện pháp điều trị theo đúng y khoa và phương pháp chăm sóc mới có thể trị dứt điểm bệnh ở trẻ.
Điều trị
– Sử dụng thuốc: Hầu hết thuốc điều trị bệnh viêm khớp dạng thấp ở trẻ là thuốc giảm đau. Tuỳ từng trường hợp bệnh và mức độ nặng nhẹ, bác sĩ sẽ có đơn thuốc khác nhau. Bạn nên để trẻ thực hiện theo đúng chỉ định của bác sĩ để đạt hiệu quả tốt nhất.
– Vật lý trị liệu: giúp linh hoạt các khớp gối và duy trì phạm vi chuyển động, trương lực cơ. Các nhà vật lý trị liệu sẽ thiết kế từng chương trình riêng phù hợp với từng trường hợp bệnh mà trẻ mắc.
– Liệu pháp thay thế: Châm cứu được xem là liệu pháp giúp trẻ giảm đau và cải thiện linh hoạt các khớp.
Cách chăm sóc
– Hướng dẫn trẻ ở nhà tập vận động để tránh tình trạng cứng khớp, teo cơ
– Trường hợp bệnh trong giai đoạn cấp tính, nên để các chi nghỉ ở tư thế cơ năng, không vận động mạnh
– Khi mới bùng phát bệnh, các khớp sưng đỏ, nóng, đau rát thì nên chườm lạnh cho trẻ để giảm tình trạng đau đớn
– Khi bệnh bước vào giai đoạn mạn tính, khớp cứng, cử động khó khăn thì nên chườm nóng cho trẻ giúp giãn cơ và cải thiện các triệu chứng
– Tránh ăn các đồ chiên rán nhiều dầu mỡ, các đồ uống có gas hoặc chất kích thích như bia rượu, cà phê
– Bổ sung các loại trái cây, rau củ quả để tăng canxi và các chất dinh dưỡng tốt cho xương khớp và sự phát triển của trẻ
– Khám sức khoẻ định kỳ hàng năm để sàng lọc, đánh gia tình trạng bệnh viêm khớp dạng thấp ở trẻ và theo dõi tác dụng hiệu quả điều trị
Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh