Có nên sử dụng caffeine khi mang thai không?

Trẻ em sinh ra từ những người mẹ có tiêu thụ caffeine (kể cả lượng thấp dưới mức khuyến nghị hiện tại là 200 mg mỗi ngày) trong thời kỳ mang thai sẽ thấp hơn một chút so với những đứa trẻ sinh ra từ những người mẹ không tiêu thụ caffeine khi mang thai. 

Trong một nghiên cứu mới đây, các nhà nghiên cứu phát hiện ra rằng ngay cả khi lượng caffeine thấp trong thai kỳ cũng có thể ảnh hưởng lâu dài đến sự phát triển của trẻ. Tuy nhiên, sự khác biệt về chiều cao quan sát được là nhỏ - dưới 2,5cm - và cần nghiên cứu thêm để xác định xem những khác biệt này có bất kỳ ảnh hưởng nào đến sức khỏe của trẻ hay không.

Phụ nữ mang thai được khuyên nên tiêu thụ ít hơn 200 mg caffeine mỗi ngày

Các hướng dẫn hiện tại về tiêu thụ caffeine trong thai kỳ khuyến nghị phụ nữ nên tiêu thụ ít hơn 200 mg caffeine mỗi ngày, tương đương với một tách cà phê 350ml. Ngoài cà phê, các loại trà, nước tăng lực, nước ngọt và sô cô la đều chứa lượng caffeine khác nhau.

Những hướng dẫn này dựa trên nghiên cứu cho thấy rằng tiêu thụ ít hơn 200 mg caffeine mỗi ngày không gây sẩy thai hoặc sinh non.

Tuy nhiên, cần phải nghiên cứu thêm để xem liệu việc tiếp xúc với caffeine khi còn trong bụng mẹ có ảnh hưởng gì đến đứa trẻ sau khi chúng được sinh ra hay không. Nghiên cứu mới của NIH được công bố vào ngày 25 tháng 3 năm 2021, trên tạp chí JAMA Network Open cho thấy lượng caffeine vừa phải trong thời kỳ mang thai có thể dẫn đến kích thước khi sinh nhỏ hơn.

 

Tiêu thụ một lượng nhỏ caffeine hàng ngày trong thời kỳ mang thai có liên quan đến chiều cao của trẻ thấp hơn

Trong số 788 trẻ em trong nghiên cứu nghiên cứu này, những đứa trẻ được sinh ra từ những phụ nữ tiêu thụ caffeine sẽ thấp hơn trung bình 1,5 cm so với những trẻ có mẹ không tiêu thụ caffeine. Trung bình, phụ nữ mang thai trong nghiên cứu tiêu thụ ít hơn 50 mg caffeine mỗi ngày. Sự tăng trưởng của trẻ được đo một lần, ở độ tuổi trung bình là 7 tuổi.

Bắt đầu từ 4 tuổi, trẻ em được sinh ra từ mẹ có sử dụng caffeine bắt đầu có chiều cao thấp hơn nhóm trẻ còn lại, khoảng cách tăng từ 0,68 cm khi 4 tuổi lên 2,2 cm khi 8 tuổi. Dựa vào đó, các nhà nghiên cứu đã kết luận rằng một lượng nhỏ caffeine hàng ngày trong thời kỳ mang thai có liên quan đến tầm vóc của trẻ nhỏ hơn ít nhất là đến 8 tuổi.

 

Phụ nữ có nên ngừng uống cà phê khi đang mang thai?

Theo các nhà nghiên cứu, mỗi phụ nữ nên nói chuyện với bác sĩ để quyết định mức tiêu thụ caffeine an toàn trong thai kỳ. 

Các hướng dẫn hiện tại của Hiệp hội Sản phụ khoa Hoa Kỳ (ACOG) và các chuyên gia khác nói rằng phụ nữ mang thai có thể tiêu thụ 200mg caffein mỗi ngày (tương đương với một tách cà phê) là an toàn cho phụ nữ mang thai.

Nếu sử dụng lượng cà phê nhiều hơn có thể làm tăng nhẹ nguy cơ sảy thai, mặc dù các bằng chứng hiện có chưa đủ để kết luận. Nhưng vì caffeine có thể thấm qua hàng rào nhau thai, nên hầu hết các bác sĩ khuyên nên sử dụng ở mức độ giới hạn 200mg.

Hãy nhớ rằng caffeine cũng được tìm thấy trong trà và cà phê, cụ thể:

  • 1 lon nước ngọt: 40mg
  • 1 cốc trà: 75mg
  • 1 lon nước tăng lực 250ml: 80mg
  • 1 cốc cà phê hòa tan: 100mg
  • 1 cốc cà phê đen: 140mg
  • 1 cốc sôcôla nóng: 9mg

Vì vậy, để đảm bảo sức khỏe cho cả mẹ và thai nhi, khi mang thai hãy thông báo cho bác sĩ theo dõi sức khỏe biết lượng caffeine đang uống hoặc ăn để có tư vấn thích hợp đến mức hợp lý caffeine tiêu thụ.

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top