✴️ Viêm phổi cộng đồng trẻ em

Nội dung

ĐỊNH NGHĨA

Viêm phổi được định nghĩa là tình trạng viêm của nhu mô phổi, do các tác nhân nhiễm trùng gây ra2. Đây là định nghĩa được sử dụng nhiều nhất. Ngoài ra có một số định nghĩa khác như phát hiện tác nhân gây viêm phổi, có hình ảnh thâm nhiễm phổi trên Xquang phổi, hoặc dựa trên các tiêu chuẩn lâm sàng. 

Trên lâm sàng, hầu hết các chuyên gia đồng ý viêm phổi khi có bằng chứng lâm sàng và thâm nhiễm trên Xquang phổi.

 

DỊCH TỂ HỌC

Viêm phổi cộng đồng (CAP) là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu ở trẻ em dưới 5 tuổi. 

 Theo thống kê của tổ chức Y tế thế giới (WHO) năm 2006, viêm phổi là nguyên nhân hàng đầu gây tử vong ở trẻ dưới 5 tuổi, chiếm tới 19% tử vong do các nguyên nhân thường gặp nhất ở trẻ em 6. Một thống kê khác năm 2000 trên đối tượng trẻ dưới 5 tuổi, gần 152 triệu ca mắc viêm phổi mới ở các nước đang phát triển, trong khi chỉ khoảng hơn 4 triệu ca ở các nước đã phát triển4. Viêm phổi nặng gặp ở trẻ dưới 5 tuổi nhiều hơn (19,4, 95% CI 17,4 – 21,7)/10000 trẻ/ năm; OR 1,5 (95% CI  1,07 – 2,11)3 . Trẻ sơ sinh có nguy cơ mắc viêm phổi cao hơn hẳn lứa tuổi khác.

Trong đó sơ sinh non tháng 24 -28 tuần thai tăng nguy cơ OR (4.02, 95% CI 1.16 -  13.85) so với sơ sinh sanh trên 37 tuần thai3.

 Phế cầu là tác nhân gây viêm phổi thường gặp nhất ở trẻ em. Ở các nước đang phát triển, người ta ước tính hàng năm có khoảng 1 triệu trẻ dưới 5 tuổi tử vong do viêm phổi do vi trùng, trong đó hầu hết các ca có thể được ngăn ngừa tử vong chỉ bằng kháng sinh đơn giản và rẻ tiền4.  Các yếu tố được xem là nguy cơ tăng tỉ lệ bệnh và tử vong do viêm phổi gồm: tuổi nhỏ, suy duy dưỡng, chế độ ăn thiếu kẽm6, sống đông đúc hay có bệnh nền. Ngoài ra, không khí ô nhiễm và đi nhà trẻ cũng làm tăng tỉ lệ viêm phổi6. Một số bệnh lý khác cũng làm tăng nguy cơ bị viêm phổi và viêm phổi nặng gồm:

Bệnh tim bẩm sinh

Bệnh phổi mạn

Suyễn

Bệnh lý thần kinh cơ, đặc biệt là các bệnh nhân có giảm ý thức đi kèm 

Trào ngược dạ dày thực quản, dò khí phế quản...

Suy giảm miễn dịch bẩm sinh hoặc mắc phải

Bệnh xơ nang, hồng cầu hình liềm…

Các yếu tố được xem là giảm tình trạng viêm phổi gồm: cải thiện môi trường sống, bú sữa mẹ, chủng ngừa Phế cầu và Hib4. Rửa tay cũng làm giảm tỉ lệ mắc viêm phổi mới6.

 

TÁC NHÂN THEO TUỔI

Tác nhân gây viêm phổi cộng đồng thay đổi theo lứa tuổi. 

Dưới đây là một số các tác nhân thường gặp gây viêm phổi cộng đồng ở trẻ em4 

Bảng 1: Tác nhân thường gặp nhất gây VPCĐ theo lứa tuổi4

Sơ sinh

1 – 3 tháng

3 tháng – 12 tháng

1 – 5 tuổi

Hơn 5 tuổi

Streptococcus nhóm B

Gram         âm đường ruột

 

Chlamydia trachomatis

Ureaplasma urealyticum

Siêu vi

Bordetella pertussis

S. pneumoniae

H. influenzae

Staph. aureus

Moraxella catarrhalis

Siêu vi

S. pneumonia

M.pneumoniae

C.pneumoniae

Siêu vi

 

S. pneumoniae

M.pneumoniae

C. pneumoniae

 

Người ta nhận thấy tác nhân đứng hàng đầu gây viêm phổi nặng là phế cầu, kế đó là H. influenza type B (HiB). Đối với các trường hợp viêm phổi không nặng, tác nhân siêu vi được ghi nhận nhiều hơn vi trùng6. Tuy nhiên, trên lâm sàng, chúng ta không thể phân biệt chắc chắn vi trùng hay siêu vi dựa vào triệu chứng hay Xquang phổi3,4,6.

Tại các nước đang phát triển, tỉ lệ viêm phổi do vi trùng cao (vi trùng đơn thuần hoặc phối hợp), chiếm trên 50% các trường hợp viêm phổi6. HiB là tác nhân thường gặp, đứng hàng thứ hai, ở các trẻ dưới 5 tuổi tại các nước đang phát triển. Chủng ngừa đại trà HiB đã góp phần làm giảm tỉ lệ mắc bệnh do vi trùng này. Do đó, mô hình tác nhân cũng có thay đổi.  Tác  nhân gây bệnh đến phổi bằng nhiều con đường khác nhau. Phần lớn tác nhân tồn tại sẵn ở mũi, họng, hoặc từ những hạt nước bọt trong không khí, sau đó xâm nhập xuống phổi. Ngoài ra, các tác nhân cũng có thể đến phổi theo đường máu.

 

TRIỆU CHỨNG LÂM SÀNG

Trẻ bị viêm phổi có triệu chứng rất đa dạng tùy vào tuổi và tác nhân gây bệnh. Trẻ có thể có triệu chứng từ nhẹ đến nặng hoặc thậm chí một số ít ca không có triệu chứng đặc hiệu cho hô hấp. Trẻ viêm phổi có sốt cao, lạnh run, thở rút lõm ngực, đau bụng, đau ngực, ho đàm xanh thường gợi ý viêm phổi do vi trùng. Ngược lại, trẻ có diễn tiến bệnh từ từ, sốt nhẹ đến vừa kèm đau đầu, mệt mỏi, ho khan, khò khè gợi ý đến viêm phổi do virus hoặc do vi khuẩn không điển hình như M. pneumonia3,4,6.

Thở nhanh

Thở nhanh là dấu hiệu có độ nhạy và độ đặc hiệu thay đổi tùy theo từng đối tượng nghiên cứu, dao động khoảng trên dưới 70%, cao hơn hẳn dấu hiệu nghe phổi sau khi đã loại trừ viêm tiểu phế quản và suyễn5,7. Do đó, thở nhanh là dấu hiệu quan trọng trong chẩn đoán viêm phổi ở các nước đang phát triển. Nếu trẻ không có thở nhanh, có thể ít nghĩ đến viêm phổi. Tuy nhiên, thở nhanh ít có giá trị trong giai đoạn viêm phổi sớm (3 ngày đầu)2,7. Ngưỡng thở nhanh thay đổi tùy theo lứa tuổi, trẻ càng nhỏ càng thở nhanh vì số lượng phế nang ít hơn và khả năng dự trữ của phổi thấp hơn. (Bảng 2)

Rút lõm lồng ngực

 Rút lõm lồng ngực (hay co lõm lồng ngực) là dấu hiệu phần dưới của lồng ngực bị rút vào trong thời kỳ hít vào. Nếu chỉ có co kéo cơ ở khoang liên sườn, hoặc trên đòn thì không phải là rút lõm lồng ngực. Dấu hiệu rút lõm ngực có độ đặc hiệu cao trong nhiễm trùng đường hô hấp dưới nặng (>80%)5. Dấu hiệu suy hô hấp khác thể hiện tình trạng thiếu oxy gồm

Thở gắng sức: co kéo liên sườn, phập phồng cánh mũi, thở rên…

Thở không đều, cơn ngưng thở, thở chậm bất thường 

Bứt rứt, thay đổi tri giác

Thiếu oxy: Tím tái, SpO2 < 90% với khí trời.

Dấu hiệu suy hô hấp đặc hiệu hơn sốt và ho, với độ đặc hiệu có thể lên đến 93%, trong khi độ nhạy thấp, chỉ khoảng từ 40 – 60%5. Do đó, khác với thở nhanh, khi không có những dấu hiệu suy hô hấp trên, người ta vẫn không loại trừ được viêm phổi2,7. 

Sốt là dấu hiệu thường gặp trong viêm phổi, nhưng không đặc hiệu. Đôi lúc sốt cao có thể là triệu chứng duy nhất của trẻ bị viêm phổi. Tuy nhiên, nếu sốt đi kèm với thở nhanh và/hoặc rút lõm ngực và ran bất thường ở phổi, khả năng trẻ bị viêm phổi sẽ cao hơn hẳn.4

Ho là dấu hiệu cũng thường gặp và hay đi kèm với sốt. Tuy nhiên, ho có thể không có nếu tổn thương chỉ khu trú ở phế nang, do thụ thể ho rất ít ở phế nang. Khi dịch viêm kích thích các thụ thể ho ở đường thở, ho sẽ xuất hiện. 

Khám phổi có thể nghe được nhiều kiểu ran phổi khác nhau. Nhiều trường hợp viêm phổi không nghe thấy bất thường tại phổi.

Ran ẩm, ran nổ thường gặp trong viêm phổi thùy.

Ran ngáy liên tục thường gặp trong phế quản phế viêm.

Khò khè thì thở ra thường gặp khi đường thở bị hẹp lại như viêm tiểu phế quản hoặc viêm phổ mô kẽ.

Giảm phế âm khi có đông đặc phổi, xẹp phổi hoặc tràn dịch màng phổi.

Gõ đục.

Tiếng cọ màng phổi

Triệu chứng không đặc hiệu: chán ăn, mệt mỏi, buồn nôn, đau bụng (viêm phổi thùy dưới), đau cổ gáy (viêm phổi thùy trên)…

Một số bệnh cảnh lâm sàng điển hình gợi ý tác nhân

Viêm phổi điển hình do phế cầu

Bệnh thường được biểu hiện khởi đầu với triệu chứng sốt và thở nhanh. Ho thường ít gặp lúc ban đầu. Tổng trạng bệnh nhi thường có vẻ mặt nhiễm trùng hoặc “không khỏe” và có thể nhanh chóng xuất hiện khó thở, co lõm ngực trong vài ngày đầu3,4.

Viêm phổi do Mycoplasma

Bệnh thường diễn tiến từ từ với ho, đau ngực và có thể kèm khò khè. Tổng trạng bệnh nhân thường tốt và cũng ít khi có dấu hiệu suy hô hấp. Đôi lúc, các triệu chứng ngoài phổi nổi bật hơn chẳng hạn như nhức đầu, đau khớp, nổi hồng ban da cũng gợi ý nhiễm Mycoplasma. Tuổi thường gặp khoảng từ 5 tuổi trở lên3.

Viêm phổi do tụ cầu

Bệnh thường diễn tiến nhanh chóng, kém đáp ứng điều trị kháng sinh ban đầu. Xquang phổi gợi ý các hình ảnh bóng khí hoặc tràn dịch, tràn khí màng phổi. Đôi khi, có thể tìm thấy các sang thương mụn mủ da đi kèm8. Khuyến cáo Viêm phổi do vi trùng nên được lưu ý nếu trẻ có sốt kéo dài hoặc tái đi tái lại > 38,5C kèm thở nhanh hoặc thở gắng sức (chứng cứ D)3.

 

XÉT NGHIỆM

Xquang phổi 

Xquang phổi được xem là xét nghiệm để xác định viêm phổi. Độ nhạy của Xquang phổi trong chẩn đoán viêm phổi vào khoảng 75% và độ đặc hiệu dao động từ 42 – 100% tùy theo nghiên cứu4.

Một số điểm cần lưu ý về Xquang phổi trong viêm phổi

Xquang phổi không phân biệt được tác nhân gây bệnh, cần phối hợp lâm sàng và Xquang để đưa ra quyết định.

Xquang phổi có thể biểu hiện trễ hơn lâm sàng.

Tính thống nhất giữa các lần đọc phim và giữa những người đọc khác nhau không cao.

Phân tích hình ảnh Xquang có thể bị nhiễu bởi lâm sàng.

Xquang phổi không thay đổi tiên lượng của viêm phổi điều trị ngoại trú. Do đó, không cần chụp Xquang phổi thường qui cho các trường hợp viêm phổi không cần nằm viện3,4. 

Không cần chụp Xquang phổi để đánh giá đáp ứng điều trị nếu lâm sàng cải thiện tốt, ngoại trừ viêm phổi tròn, xẹp phổi, lâm sàng không đáp ứng, viêm phổi có biến chứng4.

Xquang phổi nghiêng thường không có giá trị đáng kể trong chẩn đoán viêm phổi so với phim thẳng3. 

Một số hình ảnh thường gặp trong viêm phổi

Viêm phổi thùy

Thâm nhiễm nhu mô rải rác, thâm nhiễm mô kẽ 2 bên.

Viêm phổi tròn

Viêm phổi tạo hang, kén khí, tràn dịch màng phổi…

Xét nghiệm máu

Nếu bạch cầu tăng > 15.000/mm3 với thành phần đa nhân chiếm ưu thế và CRP tăng , VS tăng,  Procalcitonin  tăng có thể gợi ý vi trùng nhưng không đặc hiệu nên không có chỉ định thường qui.

CRP không hữu dụng đối với viêm phổi không biến chứng3.

Cấy máu nên được thực hiện cho các trường hợp viêm phổi cần nhập viện và nghi ngờ có biến chứng4.

Xét nghiệm chẩn đoán tác nhân

Xét nghiệm chẩn đoán tác nhân nhiễm trùng hô hấp dưới thường khó khăn. Tiêu chuẩn vàng là sinh thiết phổi hoặc qua dịch rửa phế quản phế nang (BAL) nhưng đây là kỹ thuật xâm lấn và không được khuyến cáo tại cộng đồng. Do đó, chỉ định xét nghiệm chẩn đoán tác nhân viêm phổi cộng đồng khi trẻ phải nằm hồi sức hoặc có biến chứng3. 

Các xét nghiệm chẩn đoán tác nhân chia làm 3 nhóm: cấy định danh, huyết thanh chẩn đoán và tìm DNA.

 

CHẨN ĐOÁN1 

Chẩn đoán xác định

Lâm sàng có các triệu chứng gợi ý: sốt, ho, thở nhanh, khó thở, phổi có ran nổ, ẩm

Xquang phổi: là tiêu chuẩn chính để chẩn đoán.

Chẩn đoán có thể

Lâm sàng có triệu chứng gợi ý nhưng Xquang chưa thấy tổn thương nhu mô phổi hoặc nghi ngờ tổn thương nhu mô.

Chẩn đoán phân biệt

Chẩn đoán phân biệt các nguyên nhân gây viêm phổi: thường khó

Chẩn đoán phân biệt các bệnh lý khác:

Suyễn

Viêm tiểu phế quản

Dị vật đường thở bỏ quên

Bệnh lý phổi bẩm sinh

Các nguyên nhân gây suy hô hấp khác: bệnh lý tim mạch, chuyển hóa, ngộ độc…

 

PHÂN LOẠI VIÊM PHỔI Ở TRẺ DƯỚI 5 TUỔI THEO WHO 

Có nhiều cách phân loại viêm phổi.

Phân loại theo giải phẫu: viêm phổi thùy, viêm phế quản phổi, viêm phổi kẽ, viêm phổi có biến chứng. 

Phân loại theo biểu hiện lâm sàng: điển hình, không điển hình.

Phân loại theo tác nhân gây bệnh: viêm phổi vi trùng, siêu vi, ký sinh trùng, nấm…

Phân loại theo hoàn cảnh mắc bệnh: viêm phổi cộng đồng, viêm phổi bệnh viện.….

Trong bài này, chúng tôi sử dụng phân loại viêm phổi cộng đồng theo WHO. WHO Phân loại viêm phổi theo 3 mức độ. (1) viêm phổi chỉ cần uống kháng sinh, (2) viêm phổi nặng cần phải nhập viện và (3) viêm phổi rất nặng cần phải thở oxy1,6.

Viêm phổi rất nặng: ho hoặc khó thở kèm theo ít nhất một trong các dấu hiệu sau:

Tím tái trung ương

Bỏ bú hoặc bú kém (trẻ < 2 tháng), không uống được

Co giật, li bì khó đánh thức

Suy hô hấp nặng

Viêm phổi nặng: ho hoặc khó thở kèm theo ít nhất một trong các dấu hiệu sau:

Thở co lõm lồng ngực

Rên rỉ (trẻ < 2 tháng)

Phập phồng cánh mũi

Và không có dấu hiệu nguy hiểm toàn thân

Tất cả viêm phổi ở trẻ  dưới 2 tháng đều được đánh giá là nặng

Viêm phổi: khi ho hoặc khó thở, có thở nhanh và không kèm theo các dấu hiệu của viêm phổi nặng hoặc rất nặng.

 

ĐIỀU TRỊ

Chỉ định nhập viện1,3 

Trẻ dưới 2 tháng tuổi

Viêm phổi rất nặng hoặc viêm phổi nặng theo phân loại của WHO

Có dấu hiệu suy hô hấp o Thiếu oxy: SpO2 < 92%, tím tái

Nhịp thở ≥ 70 nhịp/ph (trẻ nhũ nhi), ≥ 50nhịp/ph (trẻ lớn hơn)

Thở không đều, cơn ngừng thở, thở chậm bất thường o Thở rút lõm ngực, rút lõm hõm ức

Thở rên

Phập phồng cánh mũi

Nhịp tim nhanh (theo tuổi và theo nhiệt độ)

Thời gian hồi phục sắc da > 2 giây

Bỏ bú

Dấu mất nước

Nghi ngờ có biến chứng

Bệnh lý đi kèm (Tim bẩm sinh, bệnh phổi mạn, suy giảm miễn dịch, dãn phế quản…)

Cân nhắc nếu kém đáp ứng điều trị kháng sinh thích hợp đường uống sau 1 tuần

Người nhà không có khả năng chăm sóc, theo dõi trẻ tại nhà hoặc đi lại tái khám quá khó khăn.

Nguyên tắc điều trị1

Hổ trợ hô hấp nếu cần 

Sử dụng kháng sinh

Điều trị biến chứng

Hổ trợ dinh dưỡng

Hỗ trợ hô hấp

Trẻ viêm phổi nặng hoặc rất nặng dễ dẫn đến thiếu oxy. Trẻ có thể không tím trên lâm sàng nhưng vẫn có thể thiếu oxy nếu trẻ quấy khóc, bứt rứt, bỏ bú3. Do đó, cần hổ trợ oxy cho trẻ khi SpO2 < 92% hoặc khi trẻ có các chỉ định thở oxy khác3 (xem thêm bài suy hô hấp) như:

Thở nhanh  ≥ 70 lần/phút

Thở không đều hoặc cơn ngưng thở bệnh lý

Rút lõm ngực nặng

Thở rên

Tím tái trung ương

Sử dụng kháng sinh

Sử dụng kháng sinh theo kinh nghiệm thay đổi tùy theo lứa tuổi và tình trạng nặng của bệnh. Đánh giá đáp ứng điều trị với kháng sinh sau 48 giờ. Các dấu hiệu cần đánh giá gồm sốt, nhịp thở, cách thở, khám phổi, tri giác, ăn bú.  Nếu trẻ nhập viện cần đánh giá thêm dấu hiệu sinh tồn, SpO2.

Viêm phổi ở trẻ dưới 2 tháng tuổi 

Tất cả các trường hợp viêm phổi dưới 2 tháng tuổi đều được xem là viêm phổi nặng. Trẻ cần được nhập viện và điều trị tương tự như điều trị các nhiễm khuẩn nặng của sơ sinh. (Xem bài Nhiễm trùng sơ sinh)  Kháng sinh ban đầu phải bao phủ cả vi trùng Gram dương (nhất là Streptococcus nhóm B) và trực khuẩn Gram âm đường ruột.

Viêm phổi ở trẻ từ 2 tháng trở lên

Viêm phổi rất nặng

Nhập viện, dùng kháng sinh chích.

Lựa chọn kháng sinh đầu tiên là Cephalosporin thế hệ thứ III o Cefotaxim: 200mg/kg/ngày (TMC) chia 3 – 4 lần. o Ceftriaxon: 80mg/kg/ngày (TMC/TB) chia 1 – 2 lần.

Nếu lâm sàng cải thiện, chuyển sang duy trì bằng đường uống với Amox/Clav, Cefuroxim, Cefaclor,…

Tổng thời gian điều trị ít nhất là 10 – 14 ngày.

Viêm phổi nặng

Nhập viện, dùng kháng sinh chích.

Kháng sinh ban đầu o Benzyl Penicillin: 200.000 – 300.000 đv/kg/ngày (TMC/TB) chia 3 – 4 lần. o Có thể thay thế bằng Ampicillin hoặc Cephalosporin thế hệ III đường tĩnh mạch.

Nếu ban đầu dùng Benzyl Penicillin, trẻ không cải thiện sau 48 giờ hoặc trẻ nặng hơn chuyển sang Cephalosporin thế hệ thứ III.

Nếu trẻ cải thiện tốt, chuyển sang Amoxicillin đường uống.

Tổng thời gian điều trị ít nhất 7 ngày.

Trong tất cả các trường hợp trên kể cả trẻ dưới 2 tháng tuổi, nếu nghi ngờ tụ cầu, thêm 

Oxacillin 150 – 200 mg/kg/ngày (TMC/TB) và Gentamycin.

Khi trẻ có cải thiện chuyển sang oxacillin uống với tổng thời gian ít nhất 3 tuần.

Nếu nghi ngờ viêm phổi không điển hình: thêm nhóm Macrolides.

Viêm phổi

Điều trị ngoại trú, dùng kháng sinh uống.

Kháng sinh ban đầu

Amoxicillin: 50mg/kg/ngày chia 2 lần hoặc 80 – 90mg/kg/ngày chia 2 lần nếu nghi ngờ vi khuẩn kháng thuốc.

Thời gian điều trị ít nhất 5 ngày.

Nếu trẻ trên 5 tuổi cần lưu ý sau phế cầu, Mycoplasma pneumonia và Clamydia pneumonia là các tác nhân rất thường gặp. Lựa chọn kháng sinh ban đầu cho lứa tuổi này đều phải nhắm đến các tác nhân trên. Do đó, Amoxicillin hoặc Macrolides là lựa chọn ban đầu. 

Erythromycin: 40mg/kg/ngày chia 4 lần  x 7 – 10 ngày

Clarythromycin: 15mg/kg/ngày chai 2 lần  x  7 – 10 ngày

Azithromycin: 10mg/kg/ngày 1 lần/ngày  x 5 ngày.

Sau 48 – 72 giờ điều trị Amoxicillin không đáp ứng, có thể chuyển qua nhóm Amox/Clav hoặc Cephalosporin thế hệ II (Cefuroxim, Cefaclor) đường uống. Ở trẻ lớn có thể cân nhắc sử dụng Fluoroquinolone.

Nếu tình trạng bệnh vẫn không cải thiện sau khi đã đổi thuốc, cần xem xét cho trẻ nhập viện.

Dặn dò tái khám sau 2 ngày để đánh giá đáp ứng kháng sinh (như trên).

Tái khám ngay nếu trẻ có

Tím tái 

Không uống được hoặc bỏ bú 

Li bì, khó đánh thức 

Bệnh nặng hơn 

Khó thở hơn 

Điều trị hổ trợ

Hạ sốt

Phòng tránh mất nước

Cung cấp dịch và điện giải đầy đủ.

Nếu trẻ có khò khè, dùng thêm thuốc dãn phế quản tác dụng nhanh nếu cần.

Điều trị biến chứng

Nghi ngờ có biến chứng khi bệnh nhân vẫn còn sốt hoặc không khỏe sau 48 giờ điều trị3. 

Các biến chứng thường gặp gồm: tràn dịch màng phổi, tràn mủ màng phổi, viêm phổi hoại tử, áp xe phổi, nhiễm trùng huyết và hội chứng tán huyết ure huyết cao3. 

Tiêu chuẩn xuất viện.

Trẻ hết suy hô hấp, hết thiếu oxy

Trẻ hết sốt

Trẻ ăn, bú tốt

Trẻ có thể dùng kháng sinh đường uống

Cha mẹ trẻ có thể hiểu được các dấu hiệu cần cho trẻ tái khám lại.

 

PHÒNG NGỪA VIÊM PHỔI Ở TRẺ DƯỚI 5 TUỔI

Chủng ngừa đầy đủ làm giảm nguy cơ mắc viêm phổi cũng như tử vong do viêm phổi. Chủng ngừa có 2 tác dụng, một ngăn ngừa trực tiếp vi khuẩn gây bệnh như chủng ngừa Phế cầu, HIb. Thứ hai giúp ngăn biến chứng viêm phổi trên một số bệnh như sởi, ho gà, cúm3,4,6.

Dinh dưỡng đầy đủ. Khoảng một nữa trẻ viêm phổi tử vong có suy dinh dưỡng. Suy dinh dưỡng làm tăng nguy cơ mắc viêm phổi vì hệ thống miễn dịch của trẻ yếu đi. Mặc khác suy dinh dưỡng làm suy yếu cơ hô hấp nên khả năng đào thải chất tiết ra khỏi đường thở cũng giảm yếu trên trẻ suy dinh dưỡng6.

Bú sữa mẹ. Sữa mẹ có nhiều chất dinh dưỡng cần thiết, chất chống oxi hóa, hormone và kháng thể giúp cho trẻ tăng trưởng và phát triển. Trẻ từ 6 – 11 tháng không được bú mẹ tăng nguy cơ tử vong do viêm phổi so với nhóm có bú mẹ6.

Rửa tay trước và sau khi săn sóc trẻ bệnh giúp giảm thiểu đáng kể nguy cơ lây nhiễm6,7.

 

TÓM TẮT

Viêm phổi là bệnh lý rất thường gặp ở trẻ em và là một trong các nguyên nhân gây tử vong hàng đầu cho trẻ dưới 5 tuổi.

Tác nhân gây viêm phổi thay đổi theo nhóm tuổi. Phế cầu là tác nhân thường gặp nhất ở trẻ ngoài tuổi sơ sinh.

Bệnh cảnh lâm sàng sốt, ho, thở nhanh thường gợi ý chẩn đoán viêm phổi trên lâm sàng. 

Không có dấu hiệu riêng lẻ nào đặc hiệu thật sự cho chẩn đoán viêm phổi. Tuy nhiên, viêm phổi thường ít được nghĩ đến nếu không có thở nhanh.

Không thể dựa vào lâm sàng và Xquang để phân biệt tác nhân vi trùng, vi khuẩn không điển hình hay siêu vi.

Xquang phổi không cần thiết phải chụp thường qui đối với viêm phổi không cần nhập viện.

Điều trị chính yếu cho viêm phổi là hổ trợ hô hấp và kháng sinh thích hợp.

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

 

return to top