Khi trẻ bú mẹ, trước khi thuốc được thải trừ vào sữa mẹ phần lớn đã có quá trình thải trừ ra ngoài qua gan, thận… của người mẹ nên lượng thuốc qua sữa mẹ không còn nhiều. Khi thuốc vào trong sữa mẹ, trẻ bú vào (nghĩa là thuốc được đưa vào cơ thể trẻ theo đường uống).
Vào trong cơ thể trẻ thuốc cũng phải trải qua các quá trình hấp thu, phân bố và chuyển hóa… rồi mới ảnh hưởng đến trẻ. Tuy nhiên những nguy cơ thuốc gây tác hại với đứa trẻ lúc này ít hơn so với đứa trẻ khi còn nằm trong bụng mẹ nhưng vẫn cần cảnh giác, xem xét, tính toán dùng thuốc thế nào để tránh và hạn chế tối đa thuốc gây hại cho trẻ.
Ví dụ, trong trường hợp mẹ phải mổ đẻ, vi khuẩn và nhiễm khuẩn phụ khoa thường là do các vi khuẩn gram âm (-) và vi khuẩn kỵ khí. Metronidazol là thuốc kháng sinh thường hay được dùng trong các trường hợp này (đây là thuốc tác dụng tốt với các vi khuẩn trên và rất hay dùng trong phụ khoa).
Nhưng thuốc lại bài tiết qua sữa làm cho sữa có vị kim loại rất khó chịu làm cho trẻ từ chối việc bú mẹ. Và trong những ngày đầu trẻ không bú mẹ sẽ dẫn tới sự mất sữa. Nắm được nguy cơ này có thể thay dùng thuốc kháng sinh khác để điều trị.
Một số thuốc làm giảm khả năng bài tiết sữa của mẹ như vitamin B6, thuốc lợi tiểu thiazid, thuốc chữa bệnh parkinson, estrogen, thuốc điều trị đau nửa đầu ergotamin (tamic)… không dùng trong thời kỳ cho con bú.
Estrogen là hormon sinh dục nữ có trong thuốc tránh thai. Nếu phụ nữ cho con bú dùng thuốc tránh thai đường uống nên dùng loại thuốc chỉ chứa progesteron mà không dùng loại phối hợp estrogen và progesterone vì dùng loại estrogen sẽ có nguy cơ làm mất sữa. Các biện pháp tránh thai được khuyên dùng lúc này tốt nhất là dùng các biện pháp cơ học (bao cao su) hơn là uống thuốc…
Nguyên tắc dùng thuốc cho đối tượng này là hạn chế tối đa việc dùng thuốc. Trường hợp phải dùng đến thuốc cần lựa chọn các thuốc dùng an toàn cho trẻ bú mẹ. Cần xem xét tới thời gian bán thải của thuốc và tỷ lệ thuốc trong huyết tương, nghĩa là chọn loại thuốc ít vào sữa mẹ và có thời gian bán thải càng ngắn càng tốt để thuốc nhanh chóng được thải trừ ra khỏi cơ thể mẹ.
Về thời điểm uống thuốc so với thời điểm cho con bú: Đối với những thuốc có thời gian bán thải ngắn (nhanh chóng được thải trừ ra ngoài) và thời gian cho con bú từ 4 - 6 tiếng/lần thì khuyên người mẹ nên cho con bú xong là uống thuốc ngay lập tức. Như vậy khi cho con bú lần sau thì thuốc đã thải trừ khá nhiều ra khỏi cơ thể mẹ rồi. Như vậy sẽ hạn chế được tối đa nguy cơ gây hại cho con.
Đối với những thuốc khuyên không nên cho con bú trong thời gian mẹ đang dùng thuốc (có thể người mẹ chỉ cần dùng điều trị trong thời gian ngắn 2 - 3 ngày), có thể phải dừng hẳn việc cho con bú và cho ăn bằng thức ăn thay thế. Trong thời gian không cho con bú cần vắt sữa bỏ đi theo đúng ngưỡng bú của con để duy trì tiết sữa. Khi ngừng dùng thuốc cần đảm bảo thời gian thải trừ hết thuốc ra khỏi cơ thể mẹ mới cho con bú trở lại… Mục đích cuối cùng là làm sao chữa bệnh cho mẹ, an toàn cho con và đảm bảo duy trì việc bú mẹ của trẻ.
Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh