Đau vùng tim, đau trong tim thường được mô tả là cảm giác hơi nhói nơi lồng ngực hoặc trái tim bị đè nặng như có một tảng đá đang đè lên ngực. Cơn đau tim có thể xuất phát từ nhiều nguyên nhân khác nhau, do tim hoặc không do tim. Do vậy, để chẩn đoán chính xác nguyên nhân và có hướng điều trị đúng đắn người bệnh cần thăm khám với bác sĩ chuyên khoa và thực hiện một số xét nghiệm cần thiết theo chỉ định.
Đau tim là tình trạng dùng để chỉ chung các cơn đau vùng ngực tại vị trí có trái tim, thường do bệnh về tim gây nên. Phần lớn người bệnh mô tả cơn đau này là cảm giác nhói trong tim, căng tức ở ngực, hoặc có cơn đau thắt ở tim.
Khi xuất hiện các cơn đau vùng tim đột ngột, người bệnh không nên xem nhẹ mà cần chú ý đến diễn biến cũng như các triệu chứng đi kèm. Nếu cơn đau kéo dài trên 15 phút, không có dấu hiệu thuyên giảm dù nghỉ ngơi hay dùng thuốc giãn mạch thì đây có thể là dấu hiệu cảnh báo của nhồi máu cơ tim nguy hiểm. Một số người sẽ thấy đổ mồ hôi lạnh bất thường, bụng đầy trướng, buồn đi đại tiện. Lúc này, cần gọi cấp cứu ngay để xử trí kịp thời, giảm thiểu biến chứng của bệnh, ngăn chặn nguy cơ đe dọa đến tính mạng.
Cơn đau tim chủ yếu là do các bệnh lý về tim mạch gây ra, bao gồm:
Đây là một bệnh lý nguy hiểm đe dọa tính mạng do tắc nghẽn đột ngột mạch máu nuôi tim. Khi cơ tim hoàn toàn không được cung cấp máu thì cơ vùng tim ấy sẽ hoại tử gây triệu chứng đau vùng tim dữ dội. Cảm giác đau như bị đè ép, bóp chặt ở giữa ngực, diễn ra trong khoảng 5 – 15 phút, thường không quá 1 giờ. Cơn đau có thể lan lên vai, cổ, hàm hoặc lan dọc theo cánh tay, đặc biệt là tay trái. Ngoài ra người bệnh có thể gặp phải các triệu chứng khác như đổ mồ hôi, buồn nôn, chóng mặt, bất tỉnh, mệt mỏi, khó thở, tái nhợt, tim đập nhanh.
Khi bệnh nhân gặp cơn nhồi máu cơ tim, nếu không cấp cứu kịp thời sẽ có nguy cơ tử vong cao hoặc các di chứng nghiêm trọng. Vì thế khi có các dấu hiệu nghi ngờ nhồi máu cơ tim, cần nhanh chóng gọi cấp cứu hoặc đưa bệnh nhân tới bệnh viện gần nhất càng sớm càng tốt.
Đau thắt ngực là một thuật ngữ y học, dùng để chỉ triệu chứng của bệnh thiếu máu cơ tim cục bộ. Nguyên nhân gây bệnh là một nhánh nhỏ của động mạch vành bị hẹp, làm cho một vùng cơ tim không được cấp máu đầy đủ nên không đảm bảo nuôi dưỡng cơ tim.
Khi xuất hiện cơn đau thắt ngực, người bệnh có cảm giác như có vật nặng chèn ép vào ngực rất khó chịu, một số trường hợp cảm giác đau như bị bóp vào tim, đau rát, đau như cứa. Cơn đau thắt ngực thường tái diễn nhiều lần, mỗi cơn đau kéo dài từ 2 đến 10 phút.
Nếu đang hoạt động gắng sức mà xuất hiện cơn đau, phải tự dừng ngay hoạt động lại và nghỉ ngơi, cơn đau sẽ hết sau vài phút. Hiện nay có rất nhiều loại thuốc được sử dụng trong điều trị cơn đau thắt ngực nhưng cần phải có chỉ định và sự theo dõi chặt chẽ từ bác sĩ. Những trường hợp động mạch hẹp nặng, nguy cơ nhồi máu cơ tim cao có thể sẽ được chỉ định nong động mạch vành, đặt giá đỡ động mạch vành, phẫu thuật làm cầu nối để tăng cường lưu thông máu.
Bóc tách động mạch chủ là một bệnh lý rất nguy hiểm, có thể gây tử vong. Bệnh xảy ra khi các lớp của động mạch chủ bị tách rời nhau dẫn đến vỡ động mạch chủ và thiếu máu cục bộ.
Trong phần lớn các trường hợp, triệu chứng của bóc tách động mạch chủ xuất hiện đột ngột gồm: đau dữ đội ở vùng tim, dưới xương ức; đau có thể lan đến vai, cổ, cánh tay, hai bả vai hoặc trên lưng; thở gấp và khó thở khi nằm thẳng; vã mồ hôi; lú lẫn; ngất xỉu hoặc chóng mặt; buồn nôn; chênh lệch huyết áp ở 2 cánh tay.
Khi phát hiện có các triệu chứng này, gọi cấp cứu hoặc tới bệnh viện càng sớm càng tốt.
Viêm màng ngoài tim là bệnh lý trong đó màng ngoài tim bị viêm và sưng. Màng ngoài tim là lớp bao sợi mỏng bao bọc xung quanh tim. Nguyên nhân gây bệnh là nhiễm trùng do virus. Viêm màng ngoài tim thường xảy ra sau một ca nhiễm trùng đường hô hấp. Ngoài ra vi khuẩn, nấm…cũng có thể gây viêm màng ngoài tim.
Triệu chứng thông thường của viêm màng ngoài tim là đau ở tim (vị trí đằng sau xương ức) và có thể lan đến vai, cổ. Một số trường hợp có thể có triệu chứng như cảm thấy lơ mơ, đau nhức, thay đổi tư thế hoặc hít thở sâu gây đau nhiều hơn, sốt, tim đập nhanh, khó thở…
Không phải lúc nào đau tim cũng là do bệnh lý tim mạch. Theo các chuyên gia tim mạch, cơn đau tim có thể xảy ra do:
Dù là cơn đau tim xảy ra do nguyên nhân nào thì người bệnh cũng nên nhanh chóng tới bệnh viện để thăm khám, kiểm tra và điều trị càng sớm càng tốt để ngăn chặn kịp thời những biến chứng nguy hiểm.
Để xác định được nguyên nhân gây đau tim, trước hết bác sĩ sẽ tìm hiểu về triệu chứng, tiền sử bệnh của người bệnh. Sau đó là chỉ định thực hiện một số xét nghiệm chuyên sâu khác như: điện tâm đồ, chụp X quang tim phổi, chụp động mạch, chụp cộng hưởng từ, siêu âm tim… tùy theo tình trạng cụ thể.
Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh