Viêm tai giữa là tình trạng viêm toàn bộ hệ thống hòm nhĩ, xương chũm và có thể tạo nên dịch hòm (phần dịch này có thể bị nhiễm trùng hoặc vô trùng). Đây là căn bệnh thường gặp nhất ở trẻ chỉ đứng sau viêm đường hô hấp cấp.
Theo như thống kê, có tới 75% trẻ từng mắc bệnh này ít nhất một lần trong đời. Điều vô cùng nguy hiểm là viêm tai giữa cấp ở trẻ nhỏ có thể gây nên những biến chứng như: Thủng màng nhĩ, tiêu xương, giảm thính lực và có thể dẫn tới rối loạn ngôn ngữ.
Ngoài ra, bệnh cũng có thể gây một số bệnh lý viêm và nhiễm trùng sọ não như: Viêm màng não, áp xe não, viêm tắc tĩnh mạch bên hoặc liệt dây thần kinh số 7. Do đó, cha mẹ cần hết sức quan tâm đến vấn đề viêm tai giữa ở con, tránh để những hậu quả đáng tiếc xảy ra.
Trẻ bị viêm tai giữa do gây nên bởi rất nhiều nguyên nhân khác nhau. Trong đó, chủ yếu là do một số nguyên nhân dưới đây:
– Cấu trúc và chức năng vòi nhĩ của trẻ chưa hoàn thiện.
– Trẻ chưa trưởng thành về hệ thống miễn dịch nên dễ khiến cho vi khuẩn, virus tấn công và gây bệnh.
– Rối loạn chức năng vòi nhĩ.
– Do các bệnh liên quan đến đường hô hấp. Trẻ mắc một số bệnh lý như viêm họng, viêm mũi sẽ là cơ hội để vi khuẩn, nấm tấn công vào tai giữa.
– Do các bệnh liên quan đến đường hô hấp, ví dụ như: Viêm họng, viêm mũi cũng là cơ hội tốt để vi khuẩn và nấm phát triển, tấn công vào tai giữa.
Viêm tai giữa ở bé có khá nhiều triệu chứng cụ thể, bao gồm:
– Sốt cao, nhiệt độ có thể lên đến 39 – 40 độ C.
– Trẻ hay dùng tay dụi vào tai hoặc kéo vành tai.
– Trẻ trằn trọc, mất ngủ thường xuyên và hay quấy khóc.
– Trẻ phản ứng kém với âm thanh.
– Triệu chứng đau tai, đau đầu và giảm nhiều thính lực.
– Trẻ chán ăn hoặc ăn không ngon miệng.
– Trẻ nôn ói và xuất hiện kèm dấu hiệu tiêu chảy.
– Chảy mủ, chảy dịch từ ống tai.
Viêm tai giữa nhẹ thông thường sẽ tự khỏi sau vài ngày, tuy nhiên trong những trường hợp nặng, nếu không kịp thời đưa trẻ đi khám sẽ mang đến những hậu quả khó lường. Nếu gặp tình trạng dưới đây, cha mẹ hãy nhanh chóng đưa bé đến cơ sở y tế để được chăm sóc:
– Trẻ liên tục kêu đau với mức độ tăng dần.
– Trẻ tỏ ra khó chịu, quấy khóc, bỏ ăn trong thời gian dài.
– Trẻ nôn hoặc tiêu chảy liên tục.
Thông thường nếu ở giai đoạn nặng, chỉ sau 2 – 3 ngày, màng tai của trẻ có thể sẽ bị thủng khiến mủ chảy ra ngoài lỗ tai, lúc này sẽ ảnh hưởng xấu tới sức khỏe của con. Bởi vậy, cha mẹ cần lưu ý đến sức khỏe của con để nắm rõ dấu hiệu và kịp thời đưa trẻ đi điều trị.
Để tránh cho trẻ mắc viêm tai giữa cha mẹ nên thực hiện những điều sau:
– Đảm bảo giữ ấm cho trẻ trong mùa đông, thời điểm giao mùa để tránh trẻ mắc cảm lạnh.
– Cho trẻ ăn uống đầy đủ, ngủ đủ giấc để tăng cường sức đề kháng.
– Cách ly trẻ khỏi khói thuốc lá.
– Hạn chế cho trẻ ngoáy mũi.
– Tiêm ngừa các vắc xin để phòng ngừa bệnh liên quan đến hô hấp ở trẻ. Nếu mắc các bệnh liên quan tới viêm đường hô hấp thì nên đi khám để điều trị dứt điểm.
– Thường xuyên vệ sinh tai, mũi, họng cho bé với dụng cụ mềm, thao tác nhẹ nhàng để không gây tổn thương tai.
– Đảm bảo tránh khói bụi, ẩm mốc trong môi trường sống của trẻ.
– Bổ sung đầy đủ chất dinh dưỡng cho trẻ, cho trẻ uống nhiều nước lọc, ăn nhiều rau xanh và hoa quả.
Bên cạnh đó, để giảm thiểu nguy cơ mắc bệnh cha mẹ cần tập cho con thói quen rửa tay sạch sẽ trước khi ăn uống và sau khi đi vệ sinh. Như vậy sẽ hạn chế được sự xâm nhập của vi khuẩn, virus gây bệnh.
Viêm tai giữa ở trẻ nếu không điều trị kịp thời sẽ gây nên không ít hậu quả xấu, ảnh hưởng tới sự phát triển thể chất và tinh thần sau này của trẻ. Do đó, bậc cha mẹ khi phát hiện dấu hiệu của viêm tai giữa, hãy nhanh chóng đưa con đến cơ sở y tế để được chẩn đoán và điều trị kịp thời.
Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh