✴️ Viêm tai thanh dịch ở trẻ thường gặp nhiều ở trẻ em

Dấu hiệu nhận biết viêm tai thanh dịch ở trẻ

Thông thường, bệnh có biểu hiện lâm sàng nghèo nàn, trẻ có cảm giác ù tai, đầy nặng tai, nghe tiếng vang trong đầu, tiếng vang trong tai kèm theo nghe kém. Trẻ em cảm nhận về các triệu chứng này không rõ. Nhiều khi do trẻ không nghe rõ nên học kém, gọi hỏi không trả lời. Giảm thính lực trong giai đoạn trẻ học nói còn ảnh hưởng đến sự phát triển ngôn ngữ ở trẻ.

viem-tai-thanh-dich-o-tre1

Khi bị viêm tai thanh dịch, trẻ sẽ có biểu hiện ù tai, đau nhức, nghe kém…

Ngoài các triệu chứng ở tai, bệnh nhân còn có các biểu hiện khác như ngạt mũi, chảy mũi, hắt hơi.

 

Làm thế nào để chẩn đoán bệnh?

Khi thấy trẻ có những dấu hiệu viêm tai thanh dịch, cha mẹ nên đưa bé tới trực tiếp các cơ sở y tế có chuyên khoa Tai mũi họng để được thăm khám.
Bác sĩ sẽ tiến hành khám nội soi tai mũi họng để thấy:

  • Màng nhĩ dầy, mờ đục, có khi màng nhĩ màu vàng hoặc ánh vàng, có khi có mức dịch sau màng nhĩ, màng nhĩ có thể phồng do ứ dịch hoặc lõm do xơ dính, màng nhĩ hạn chế hoặc không di động khi tạo áp lực lên màng nhĩ.

  • Khám mũi họng sẽ thấy các nguyên nhân như VA quá phát, viêm amidan, khối u vòm mũi họng, khe mũi nhiều mủ hoặc dịch nhầy, polyp mũi, dị hình vách ngăn mũi,

  • Các xét nghiệm chuyên khoa như đo thính lực, đo nhĩ lượng sẽ xác định tình trạng hòm tai.

viem-tai-thanh-dich-o-tre3

Trẻ cần đi khám bác sĩ để xác định nguyên nhân và mức độ viêm tai thanh dịch

Bệnh viêm tai thanh dịch ở trẻ thường diễn tiến kéo dài nếu không được điều trị, màng nhĩ co lõm, dính tạo thành túi co kéo, tình trạng nghe kém ngày càng tăng. Túi co kéo của màng nhĩ là điều kiện gây nên viêm tai giữa nguy hiểm, dễ gây biến chứng nội sọ như viêm màng não, áp xe não.

 

Điều trị viêm tai thanh dịch ở trẻ như thế nào?

Điều trị chủ yếu là nội khoa, có khi phải kết hợp điều trị nội khoa với ngoại khoa. Mục đích của điều trị là tạo lại sự hoạt động bình thường của vòi nhĩ, giảm dần tình trạng tiết dịch của niêm mạc hòm tai.
Điều trị nội khoa, cần dùng kháng sinh chống nhiễm khuẩn mũi họng, corticoid, kháng histamin và thuốc tan, loãng dịch nhày.

Điều trị ngoại khoa: chích rạch màng nhĩ khi hòm tai ứ dịch, màng nhĩ căng phồng hoặc đặt ống thông khí hòm nhĩ khi màng nhĩ lõm, dính.
Cha mẹ cần tuân thủ theo đúng phác đồ điều trị của bác sĩ chuyên khoa Tai mũi họng và đưa trẻ tái khám định kỳ theo đúng lịch hẹn. Đồng thời chú ý vệ sinh tai cho trẻ sạch sẽ, tránh để nước bẩn vào tai. Bổ sung dinh dưỡng hàng ngày nhằm tăng cường sức đề kháng cho trẻ.

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top