✴️ Vị thuốc cây Si

A. Mô tả cây

  • Si là một cây to cao, có thể đạt tới 30m, nhưng có thể rất nhỏ và thấp tuỳ theo điều kiện trồng và nơi mọc. Ví dụ trong những núi non bộ, cây si rất nhỏ bé. Cành mọc ngay từ gốc với rất nhiều rễ phụ giống như những sợi dây rủ xuống. Toàn thân có nhựa mủ.
  • Lá rất nhẵn ở cả hai mặt, hình bầu dục dài 5-9cm, rộng 3-5,5cm, cuống lá gầy nhẵn, dài 12-20mm, trên có lòng máng.
  • “Quả” mọc trên cành non, không cuống, hình cầu hay hình trứng, đôi khi mọc đối, đường kính 10-12mm, khi chín có màu đỏ máu. Quả thật là một quả bế, gần hình thận, dài 1,5mm.

B. Phân bố, thu hái và chế biến

  • Cây si mọc hoang và được trồng tại nhiều nơi khắp nước ta để làm cảnh, bóng mát, hay trồng nhất tại các đình chùa.
  • Thường người ta dùng nhựa và rễ phụ của cây si. Nhựa chích ở toàn thân, thường cho vào rượu mà uống ngay. Rễ phụ cây si hái về rửa sạch, sao cho hơi vàng, thơm sắc uống hay ngâm rượu mà uống hoặc xoa bóp.

Phân bố, thu hái và chế biến

C. Thành phần hoá học

  • Cây si chưa thấy tài liệu nghiên cứu.
  • Trong nhựa một loài cây si khác (Ficus altissima Blume hay Ficus laccifera Roxb.) còn gọi là cây đa tía hay đa tròn hoặc Chrey bunu (Campuchia) người ta phân tích thấy có tới 65% nhựa resin và gần 30% cao su (theo Hooper-Ann. Rep. Inđ. Mus. Industrie Sect, for. 1910-1911). Cây si này lá to và rộng hơn cũng mọc ở nước ta nhưng ít dùng làm thuốc hơn.

D. Công dụng và liều dùng

  • Nhựa si là một vị thuốc rất phổ biến và rất được tín nhiệm trong nhân dân để chữa những trường hợp ứ huyết do ngã hay bị đánh, bị thương, nhức mỏi chân tay. Còn dùng chữa ho hay cắt cơn hen. Mỗi ngày uống 10-20ml nhựa si hoà vào 10-20ml rượu mà uống. Có thể pha thêm rượu để xoa bóp nơi đau nhức.
  • Nếu không có nhựa si, có thể lấy rễ phụ cây si, rửa sạch, thái nhỏ, sao vàng, thêm nước vào sắc cho uống hoặc ngâm vào rượu cho uống. Mỗi ngày uống 25-40g rễ si.

Đơn thuốc có nhựa si dùng trong nhân dân

  • Cắt cơn hen: Nhựa si 10ml, rượu uống 10ml, khuấy đều uống mỗi ngày.
  • Chữa đau nhức do ngã, bị thương ứ huyết: Rễ si 100g, giã nát. thêm ít nước xào cho nóng, đắp lên nơi bị thương, có thể uống nước, bã đắp lên nơi sưng đau.

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top