✴️ Các loại khẩu trang bảo vệ chúng ta trong dịch Covid như thế nào

Nội dung

1. Các loại khẩu trang bảo vệ chống lại COVID-19 như thế nào?

Đứng trước tình hình dịch bệnh phức tạp, khẩu trang bảo vệ chống lại COVID-19 như thế nào là vấn đề luôn được mọi người quan tâm. Trên thị trường có nhiều loại khẩu trang tương ứng với các công dụng khác nhau. Dưới đây là một số loại khẩu trang thường được sử dụng trong cuộc sống sinh hoạt và lĩnh vực y tế:

Khẩu trang vải:

Khẩu trang vải là loại khẩu trang được sản xuất từ vải bông hoặc pha bông. Chúng gồm 2 - 3 lớp vải dệt chặt lại với nhau. 

Tổ chức Y tế Thế giới khuyến nghị ba lớp bao gồm:

  • một lớp vật liệu thấm hút bên trong như vải cotton

  • một lớp ở giữa làm từ vật liệu vải không dệt như vải lọc từ chất liệu polypropylene

  • một lớp bên ngoài bằng vật liệu không thấm hút, chẳng hạn như polyester hoặc hỗn hợp polyester

Một chiếc khẩu trang vải đạt chuẩn cần đạt các tiêu chí sau:

  • Khi đưa ra nguồn sáng, khẩu trang phải chắn được ánh sáng.

  • Khẩu trang gồm nhiều lớp có khả năng ngăn chặn các giọt bắn, dịch tiết từ đường hô hấp khi người đối diện nói chuyện, ho, hắt hơi,…

  • Khẩu trang ôm sát khuôn mặt và đảm bảo độ thông thoáng.

Khẩu trang y tế:

Khẩu trang y tế không được làm từ vải và không thể giặt nên chỉ được sử dụng một lần duy nhất. Loại khẩu trang này gồm 3 lớp ứng với những công dụng khác nhau. Vậy, khẩu trang bảo vệ chống lại COVID-19 như thế nào? 

Lớp màu xanh hoặc vàng ở ngoài cùng có thể chống thấm nước, giúp ngăn chặn các giọt bắn khi người đối diện ho, hắt xì,… Không chỉ vậy, lớp màu này còn giúp bạn dễ dàng phân biệt với lớp trong.

Lớp phía trong, có đặc tính mịn màng và không xù lông để tránh gây khó chịu khi áp sát vào khuôn mặt. Đồng thời, lớp này còn có khả năng thấm hút mồ hôi nhanh, giúp người dùng cảm thấy thoải mái dễ chịu.

Với tác dụng lọc bụi và các vi khuẩn có kích thước nhỏ, lớp giữa của khẩu trang có vai trò quan trọng trong bảo vệ, chống dịch COVID-19. Để đảm bảo an toàn, bạn nên chọn loại khẩu trang vừa vặn với khuôn mặt, không hở hai bên, đặc biệt là phải che kín mũi và miệng. Nếu khẩu trang bị ướt hoặc bẩn thì bạn không nên sử dụng lại. Bởi vì, chúng có thể bị nhiễm vi khuẩn từ môi trường bên ngoài.

Khẩu trang N95:

Khẩu trang N95 có thể lọc được bụi và vi khuẩn có kích thước 0.3 micro. Do đó, khẩu trang này có khả năng bảo vệ, ngăn chặn virus SARS-CoV-2. Để mang lại hiệu quả, các nhân viên y tế sẽ được đào tạo và kiểm tra về cách sử dụng. Ngoài ra, đối với một số loại khẩu trang N95 trong cấu tạo còn có van khí giúp người dùng có thể thở qua dễ dàng.

Để tránh tình trạng thiếu hụt khẩu trang nghiêm trọng, bạn nên sử dụng khẩu trang vải và các loại khẩu trang y tế thông thường. Đối với những người làm trong lĩnh vực y tế hoặc tiếp xúc với người bệnh thì mới cần thiết dùng khẩu trang N95.

- Ở Việt Nam thường gọi là khẩu trang N95, nhưng với tiếng Anh là N95 respirator (chứ không phải mask) thì từ chính xác hơn nên gọi là "mặt nạ N95".

- Chữ cái đầu tiên để phân loại mặt nạ. Chữ “N” có nghĩa mặt nạ “Không kháng dầu” (“Not oil resistant”).

- N95 nghĩa là có hiệu quả 95% về hiệu quả lọc đối với các hạt có kích thước 0,3 micron. Ngoài 95%, mặt nạ còn được đánh giá hiệu quả ở mức 99% hoặc 100%. Kích thước 0,3 micron được chọn là vì đó là kích thước mà vật liệu trở nên kém hiệu quả.

- Các hạt được lọc bằng hai phương pháp chính.

+ Các hạt lớn hơn 0,3 micron được giữ lại bởi các sợi vải. Tuy nhiên, khi kích thước hạt càng nhỏ, hiệu quả của phương pháp này càng kém đi.

+ Vì vậy, chúng được lọc bằng phương pháp thứ hai, sử dụng điện tích tĩnh điện trên các sợi vải, thông qua quá trình chuyển động Brown (các hạt nhỏ hoạt động giống như các chất khí hơn là chất rắn). Kích thước càng lớn, chuyển động Brown càng kém hiệu quả.

+ Do đó, hiệu quả lọc các hạt lớn hoặc nhỏ hơn 0,3 micron cao hơn nhiều so với các hạt 0,3 micron.

* Còn tấm che mặt thì sao?

Tấm chắn giúp bảo vệ mắt, nhưng không giống như khẩu trang khi bảo vệ khỏi các giọt bắn. Tuy nhiên, đối với những người gặp khó khăn trong việc đeo khẩu trang thông thường (ví dụ như những người bị khiếm khuyết về nhận thức, hô hấp hoặc thính giác), tấm che mặt có thể được coi là một giải pháp thay thế. Nếu bạn chọn sử dụng, hãy đảm bảo rằng nó che được hai bên mặt và dưới cằm của bạn.

 

2. Cách đeo và tháo gỡ khẩu trang đúng cách

Để phát huy hiệu quả bảo vệ và giảm thiểu nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh, bạn nên sử dụng khẩu trang đúng cách. Dưới đây là các bước đeo và tháo gỡ khẩu trang do Bộ Y tế khuyến cáo: 

Đeo khẩu trang:

Để hạn chế vi khuẩn từ tay nhiễm vào khẩu trang, trước khi đeo bạn nên rửa tay sạch sẽ với xà phòng hoặc dung dịch sát trùng. Đối với khẩu trang y tế dùng một lần, bạn nên đeo mặt có màu ra ngoài và điều chỉnh kẹp nhôm ôm sát vào mũi, không để hở phần phía trên.

Sau khi đeo mũi, miệng phải được che kín hoàn toàn, đồng thời không để hở hai bên má. Bởi vì, nếu có khoảng hở thì dịch tiết có thể rơi vào trong hoặc phát tán ra ngoài, làm lây lan dịch bệnh. 

Trong quá trình sử dụng, bạn không nên dùng tay sờ vào bề mặt khẩu trang, nhất là mặt trong. Đồng thời, khi đang ở nơi công cộng, bạn cũng không nên cởi bỏ khẩu trang để nói chuyện, ho, hắt hơi,… 

Tháo gỡ khẩu trang:

Khi tháo khẩu trang, bạn nên cầm vào dây đeo qua tai hoặc sau đầu rồi tháo bỏ cẩn thận. Tiếp theo, gấp hai bên mép khẩu trang lại với nhau sau đó vứt vào thùng rác có nắp đậy đối với khẩu trang y tế. Ngược lại đối với khẩu trang vải, bạn có thể giặt sạch bằng xà phòng sau mỗi lần sử dụng.

Trong suốt quá trình tháo khẩu trang: bạn không nên chạm tay vào mắt, mũi, miệng,… Sau khi tháo xong, bạn nên rửa tay sạch sẽ để loại bỏ mầm bệnh.

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top