Tác động của stress đối với cơ thể

Stress và lo âu khiến chúng ta tỉnh táo và cảnh giác hơn. Nhiều người bị áp lực lâu dài thường trằn trọc vào ban đêm, thức giấc nhiều lần và khó ngủ lại. Stress xấu cũng khiến khó đạt được trạng thái REM, khi não bộ của con người ở mức hoạt động thấp nhất và cơ thể ở trạng thái nghỉ ngơi tốt nhất.

Thiếu ngủ khiến chúng ta mệt mỏi và uể oải vào ban ngày. Đôi khi tâm trạng thất thường khiến stress kéo dài hơn.

Nổi mụn

Nếu bạn từng nổi mụn ngay trước kỳ thi hay cuộc họp quan trọng, nguyên nhân có thể do stress. Nồng độ hormone căng thẳng cortisol tăng vọt khiến cơ thể sản sinh nhiều testosterone. Hormone này lại kích thích tuyến bã nhờn trên da, khiến da đổ dầu nhiều hơn và gây ra bít tắc lỗ chân lông. Từ đó, stress lâu dài gây ra mụn trên mặt.

Không chỉ vậy, nồng độ cortisol và adrenaline tăng cao do stress còn gây ra viêm da. Các vấn đề da liễu như eczema, rosacea (chứng đỏ mặt) và vẩy nến đều bị kích thích bởi stress.

 

Rụng tóc

Khi da đầu tăng tiết dầu, da có thể bị viêm da tiết bã, dẫn đến bị gàu và rụng tóc. Nhiều người bị rụng tóc tạm thời trong một thời gian stress nặng. 

 

Đau đầu

Các chuyên gia chưa tìm ra cơ chế gây đau đầu do stress. Nhiều người tin rằng lý do là sự thay đổi quá lớn về những chất dẫn truyền xung thần kinh và hormone trong não gây ra cơn đau đầu. 

Những cơn đau đầu do stress còn có thể ảnh hưởng thị lực tạm thời, khiến người bị stress nhìn thấy bóng mờ trong tầm nhìn. Sự gia tăng cortisol cũng có thể khiến các cơ bắp co giật, đặc biệt là giật mí mắt, máy mắt.

 

Nghiến răng 

Hiện tượng nghiến răng, siết hàm có thể xuất hiện khi bạn gặp căng thẳng, tích tụ quá nhiều năng lượng tiêu cực. Nhiều khi bạn còn không nhận ra mình đang nghiến răng, cho đến khi bạn bị đau đầu hoặc đau hàm răng. Về lâu dài, nghiến răng có thể khiến mẻ, vỡ răng.

 

Đau cơ

Nếu bạn bị đau lưng, cổ hoặc cứng vai, bạn có thể đang gặp stress. Khi bị căng thẳng thần kinh, thay vì hít một hơi thật dài từ bụng, ta hít những nhịp thở nông từ vùng cổ và vai. Do đó, những vùng này dễ bị đau do stress kéo dài.

 

Rối loạn tiêu hóa

Đường ruột của bạn chứa nhiều neuron thần kinh có nhiệm vụ gửi và nhận tín hiệu từ não, khiến hệ tiêu hóa cực kỳ nhạy cảm với stress và các cảm xúc khác.

Khi rơi vào trạng thái stress, cơ thể ngừng lại nhịp tiêu hóa và có thể dẫn đến táo bón, tiêu chảy hoặc đau dạ dày.

 

Rối loạn kinh nguyệt

Stress xấu có thể ảnh hưởng đến chu kỳ kinh nguyệt của phụ nữ. Nồng độ cortisol tăng cao khiến não ngưng sản xuất hormone gonadotropin (GnRH). Nồng độ GnRH thấp khiến tuyến yên không sản xuất những hormone khác có nhiệm vụ báo hiệu rụng trứng. Kết hợp với nhiều yếu tố khác, stress có thể khiến phụ nữ ngừng rụng trứng, trễ kinh hoặc tắt kinh tạm thời.

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top