✴️ Tránh nhiễm trùng tại Bệnh viện

Nội dung

Mầm bệnh lây truyền qua máu và cách phòng tránh

Nhiều trường hợp nhiễm trùng xảy ra vì lây truyền qua máu hoặc dịch cơ thể. Virus (vi-rút) gây suy giảm miễn dịch ở người (HIV) và virus gây viêm gan siêu vi B là những ví dụ phổ biến. Tuy nhiên, nhiễm trùng do virus và vi khuẩn khác (như giang mai và viêm gan siêu vi C) cũng có thể lây truyền qua máu hoặc dịch cơ thể. Các hướng dẫn sau đây có thể giúp bạn tự bảo vệ mình:

  • Xem mọi bệnh nhân đều có khả năng nhiễm bệnh và tránh tiếp xúc với máu hoặc dịch cơ thể của bệnh nhân.
  • Tránh những hành vi nguy hiểm khi sử dụng kim tiêm và các dụng cụ sắc nhọn (kéo, dao mổ, và các loại dao khác). Ví dụ, không cố gắng để đóng nắp kim tiêm lại. Hãy cẩn thận vứt bỏ dụng cụ sắc nhọn trong các thùng chứa thích hợp.
  • Trang bị đồ bảo hộ (kể cả găng tay và mặt nạ) để tránh máu văng lên da hoặc vào trong mắt khi bạn đang thực hiện các thủ thuật có thể gây ra sự bắn tóe hoặc tràn máu.
  • Hãy chắc chắn rằng bạn đã chủng ngừa viêm gan siêu vi B. Việc tiêm chủng thường được tiến hành tại nơi bạn làm việc.

​ Mọi chất dịch cơ thể đều mang mầm bệnh?

Chất dịch cơ thể như nước mắt, mồ hôi, nước tiểu, nước bọt và những thứ nôn mửa ra không được xem là có mang mầm bệnh lây qua máu, trừ khi chúng có máu lẫn vào. Thật ra, những thứ như nước tiểu hoặc phân có thể chứa vi khuẩn hay các tác nhân lây nhiễm nhưng không được coi là mầm bệnh lây qua máu. Hầu hết các loại dịch cơ thể khác có thể truyền mầm bệnh lây qua máu. Những thứ đó bao gồm tinh dịch, dịch tiết âm đạo, dịch màng ngoài tim (dịch quanh tim), dịch phúc mạc (dịch trong ổ bụng và vùng chậu), dịch khớp, nước ối (dịch quanh thai nhi), dịch màng phổi (dịch trong lồng ngực) và dịch não tủy (dịch trong não và tủy sống).

Làm gì khi bị dính máu vì một vết cắt, bị kim đâm hay bị máu bắn tóe?

Nếu sự cố xảy ra, hãy nói cho người cấp trên hoặc phòng trung tâm y tế ở cơ quan ngay lập tức. Nếu da bị rách bởi một cây kim, hoặc nếu máu đã văng vào mắt, vào miệng hoặc lên da bị trầy xước, bạn và bệnh nhân nguồn (người có nguồn máu gây lây nhiễm) phải được kiểm tra. Bệnh nhân cũng sẽ được tìm hiểu xem hiện tại và trong quá khứ đã bị nhiễm bệnh gì.
Nếu bệnh nhân nguồn bị nhiễm viêm gan siêu vi B thì dù có tiêm chủng rồi bạn cũng không được miễn dịch với loại virus này và cần được tiêm thêm globulin miễn dịch chống viêm gan B. Nếu bệnh nhân nguồn bị bệnh giang mai, bạn cần được điều trị bằng kháng sinh. Nếu bệnh nhân nguồn bị nhiễm HIV, bạn cần phải dùng thuốc dự phòng trong 4 tuần. Những điều trị này nên được bắt đầu trong vòng vài giờ sau khi xảy ra tai nạn. Tùy thuộc vào mức độ rủi ro gây ra bởi bệnh nhân nguồn, bạn cần được xét nghiệm máu lặp lại từ 6 đến 9 tháng để chắc rằng sự lây nhiễm được phát hiện càng sớm càng tốt (nếu có).

Bị máu dây hoặc bắn vào người thì nên làm thế nào?

Nếu da không bị nứt, xước hoặc nổi mụn, bạn hầu như không có nguy cơ bị lây nhiễm khi máu dây hoặc bắn vào người. Nếu bạn bị dính máu, hãy rửa sạch sẽ khu vực đó.

Làm thế nào để bảo vệ bản thân khỏi nhiễm trùng lao?

Điều quan trọng là nắm rõ bệnh nhân nào có thể mắc bệnh lao. Khi bệnh nhân ho, những giọt nhỏ chứa vi khuẩn lao văng ra không khí và bạn có thể mắc bệnh nếu hít phải. Bệnh nhân bị bệnh lao có thể có các triệu chứng như ho mạn tính (kéo dài trong nhiều tuần, ho ra đàm hoặc máu), giảm cân, sốt hoặc đổ mồ hôi vào ban đêm. Nếu bạn làm việc gần bệnh nhân lao, hãy đeo mặt nạ chuyên dụng để bảo vệ. Bệnh nhân cũng cần đeo mặt nạ và được tách biệt với những bệnh nhân khác. Ví dụ, di dời họ khỏi phòng chờ chung, hoặc đưa họ vào khu điều trị riêng trong bệnh viện.

Có nên chủng ngừa thủy đậu khi đã bị rồi?

Ngay cả khi bạn chưa hề bị thủy đậu, bạn cũng nên làm xét nghiệm máu để kiểm tra miễn dịch (khả năng đề kháng của cơ thể). Hầu hết người lớn có miễn dịch với bệnh thủy đậu ngay cả khi chưa hề mắc bệnh. Nếu xét nghiệm cho thấy bạn chưa có miễn dịch với thủy đậu, hãy tiêm chủng ngừa thủy đậu. Nếu không tiêm phòng, bạn có nguy cơ mắc bệnh thủy đậu và lây nhiễm cho bệnh nhân.

Có thể tái nhiễm bệnh thủy đậu hay không?

Việc đã mắc bệnh thủy đậu thường có nghĩa rằng bạn có miễn dịch với mầm bệnh này. Tuy nhiên, vẫn có người bị thủy đậu lần thứ hai mặc dù điều này khá hiếm. Chuyện này vẫn có thể xảy ra ngay cả khi xét nghiệm máu cho thấy bạn đang có miễn dịch với thủy đậu. Không có cách nào 100% chắc chắn tránh được việc nhiễm lại. Tuy nhiên, bệnh thủy đậu thường nhẹ hơn khi nhiễm lần thứ hai. Nếu bạn bị nhiễm lại, hãy nói ngay với cấp trên để giảm thiểu việc tiếp xúc với bệnh nhân.

Bệnh ho gà có thể ngăn ngừa bằng tiêm chủng?

Sau khi trẻ em được chủng ngừa bệnh ho gà, khả năng miễn dịch chỉ kéo dài cho đến khi chúng trưởng thành. Điều này có nghĩa là thanh thiếu niên và người lớn có thể mắc bệnh ho gà. Vắc-xin ho gà tăng cường hiện có sẵn cho cả thanh thiếu niên và người lớn. Người lớn làm việc trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe nên nhận liều tăng cường 10 năm một lần để giảm nguy cơ mắc bệnh ho gà. Ho gà là nguyên nhân của chứng ho hoặc viêm phế quản kéo dài dai dẳng hơn cảm lạnh thông thường. Nếu cảm lạnh kéo dài hơn 2 tuần, bạn nên gặp bác sĩ. Bệnh ho gà có thể đe dọa tính mạng của trẻ sơ sinh chưa được miễn dịch.

Xem thêm: Huớng dẫn mặc đồ bảo hộ cho nhân viên y tế

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top