Cách sơ cứu khi trẻ bị ngộ độc

Nội dung

Với trẻ nhỏ, sức đề kháng còn yếu nên rất dễ mắc các bệnh truyền nhiễm và phải hay dùng thuốc. Tuy nhiên, đã có nhiều trường hợp cha mẹ cho trẻ dùng thuốc không đúng chỉ định, không cẩn thận hoặc để trẻ uống nhầm thuốc gây ngộ độc. Nếu không được phát hiện sớm và xử trí kịp thời, hậu quả sẽ rất nghiêm trọng.

Dấu hiện nhận biết trẻ bị ngộ độc thuốc

Dấu hiệu giá trị nhất trong việc xác định trẻ có nguy cơ bị ngộ độc thuốc là cha mẹ phát hiện xung quanh trẻ có những vỉ thuốc dở dang, những bao đựng thuốc bột bị xé hoặc những chai đựng thuốc của người lớn bị văng tung tóe... Trẻ thực sự bị ngộ độc thuốc khi có những biểu hiện: Đột ngột ho sặc sụa nhất là trẻ nhỏ vì tâm lý hoảng sợ, nặng hơn trẻ có biểu hiện thở nhanh, tím môi, thậm chí khó thở; Trẻ kêu đau bụng nhiều, buồn nôn, nôn nhiều, một số trẻ bị tiêu chảy; Trẻ có thể bị hôn mê hoặc co giật toàn thân, run tay chân, run giật cơ (ở mặt, ngực, đùi, cánh tay), tay chân lạnh vì vã mồ hôi...

 

Sơ cứu ban đầu

Khi biết trẻ bị ngộ độc thuốc, cha mẹ hãy giữ trẻ ở tư thế ngồi hoặc đứng, tuyệt đối không đặt trẻ ở tư thế nằm để các chất trong dạ dày khi trẻ đang bị nôn ói nhiều không trào lên thực quản, rồi vào khí phế quản, vào phổi sẽ gây nguy hiểm cho trẻ.

Nếu thấy trẻ tỉnh táo, chưa bị nôn trớ, quan sát trẻ thấy còn phản ứng tốt, cha mẹ hãy giúp trẻ nôn để loại bớt chất độc hại ra ngoài cơ thể, cha mẹ có thể dùng ngón tay của mình (tốt nhất nên quấn thêm miếng gạc mềm, sạch) kích thích nhẹ nhàng vào vùng sàn họng trẻ (chỗ lưỡi gà) giúp trẻ có thể nôn bớt loại thuốc đã uống, chú ý động tác kích thích gây nôn cần nhẹ nhàng để tránh gây tổn thương vùng họng của trẻ. Tuyệt đối không được gây nôn trong trường hợp trẻ đã bị hôn mê, trẻ đang lên cơn co giật, đặc biệt là những trường hợp nghi ngờ trẻ vừa bị ngộ độc thuốc do uống nhầm hóa chất.

Nếu trẻ kêu đau rát vùng họng cha mẹ có thể cho trẻ uống vài ngụm nước lọc sạch hoặc nước sôi để nguội để làm dịu cơn đau, chú ý cho trẻ uống thật từ từ để tránh tình trạng trẻ bị nuốt sặc.

Sau sơ cứu ban đầu, cần nhanh chóng đưa trẻ tới ngay bệnh viện gần nhất để được các bác sĩ tiếp tục cấp cứu, giải độc cho trẻ. Cha mẹ cần bình tĩnh xác định xem trẻ đã uống nhầm loại thuốc gì với liều lượng bao nhiêu và mang theo mẫu thuốc hoặc lọ đựng thuốc mà trẻ đã uống thông báo cho bác sĩ biết để có biện pháp điều trị tích cực phù hợp nhất, giúp trẻ vượt qua cơn nguy hiểm nhanh chóng.

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top