Cách sử dụng đúng của thuốc trị gút

Nội dung

Nguyên tắc điều trị bệnh gút cần thực hiện là chống viêm khớp trong các đợt cấp; hạ acid uric máu để phòng những đợt viêm khớp cấp tái phát, ngăn ngừa biến chứng; điều trị các bệnh lý kèm theo đặc biệt là nhóm các bệnh lý rối loạn chuyển hóa như: tăng huyết áp, đái tháo đường, tăng mỡ máu, béo phì; cần điều trị viêm khớp cấp trước và chỉ sau khi tình trạng viêm khớp đã hết hoặc thuyên giảm mới bắt đầu dùng thuốc hạ aicd uric máu. Để điều trị có hiệu quả cần thường xuyên kiểm tra acid uric máu và nước tiểu, kiểm tra chức năng thận. Điều trị bao gồm điều trị cơn gút cấp và điều trị hội chứng tăng acid uric máu.

Điều trị cơn gút cấp

Colchicin: Đây là thuốc dùng điều trị gút lâu đời nhất. Do thuốc có ái lực đặc biệt với bạch cầu đa nhân trung tính nên làm giảm sự di chuyển của các bạch cầu, ức chế thực bào các vi tinh thể muối urat và do đó làm ngừng sự tạo thành các acid lactic, giữ cho độ pH tại chỗ được bình thường, bởi vì độ pH là yếu tố tạo điều kiện cho các tinh thể urat mononatri kết tủa tại các mô ở khớp. Thuốc không có tác dụng lên sự thải trừ acid uric theo nước tiểu cũng như lên nồng độ, độ hòa tan hay khả năng gắn với protein huyết thanh của acid uric hay urat nên không làm thay đổi nồng độ acid uric máu. Tuy nhiên, thuốc có nhiều tác dụng phụ không mong muốn, đứng đầu là các rối loạn dạ dày, ruột như tiêu chảy, nôn, đau bụng. Hiếm gặp hơn là các phản ứng dị ứng da, rụng tóc, các bệnh cơ. Việc dùng thuốc kéo dài có thể dẫn tới suy tủy xương.

Các thuốc chống viêm không steroid: Các thuốc indomethacin, diclofenac, ibuprofen được lựa chọn để điều trị đợt gút cấp ở hầu hết bệnh nhân đứng sau colchicin. Tuy nhiên, đối với người cao tuổi và người có bệnh kèm theo, cần thận trọng, cân nhắc khi dùng, chỉ nên sử dụng thuốc này trong thời gian  ngắn  và với liều thấp. Cần tránh dùng thuốc với bệnh nhân bị bệnh thận, viêm loét dạ dày, tá tràng hay bệnh nhân đang dùng thuốc chống đông.

Corticosteroid: Trong một số trường hợp đặc biệt, với mục đích điều trị cơn gút cấp có thể sử dụng corticoid đường uống ngắn ngày hoặc đường tiêm nội khớp. Nhưng do thuốc có nhiều tác dụng phụ và do tình trạng lạm dụng thuốc ở nước ta nên thuốc này không được khuyến khích sử dụng.

 

Điều trị hội chứng tăng acid uric máu

 

Nhóm thuốc làm giảm tổng hợp acid uric: Như allopurinol, thiopurinol, thuốc ức chế men xanthin oxydase làm giảm tạo thành acid uric. Nhóm thuốc này có nhiều hàm lượng khác nhau và thường phải  uống kéo dài trên 20 ngày đến khi nồng độ acid uric máu xuống dưới 416mcm/l. Thuốc ít tác dụng phụ nhưng có thể gặp phản ứng dị ứng, nổi mẩn da, rối loạn tiêu hóa.

Nhóm thuốc làm tăng phân hủy acid uric: Đó là uricozym, đây là một men urat oxydase được chiết xuất từ nấm aspegilus flavus có tác dụng làm thoái giáng acid uric thành allantoin. Allantoin có độ hòa tan gấp 10 lần so với uric và dễ dàng được thận đào thải. Uricozym làm giảm acid uric máu rất mạnh.

Nhóm thuốc làm tăng đào thải acid uric qua nước tiểu: Các thuốc thuộc nhóm này bao gồm probenecid, sulfinpyrazon (anturan)… Thuốc có thể gây phản ứng dị ứng, rối loạn tiêu hóa, chán ăn, buồn nôn, đau dạ dày, tiêu chảy. 2 thuốc trên không được dùng đồng thời với aspirin liều nhỏ hoặc thiazid vì làm mất tác dụng đào thải acid uric. Vì thuốc làm tăng đào thải acid uric qua thận nên có thể làm tăng nguy cơ hình thành sỏi thận.

Các biện pháp kết hợp làm giảm kết tinh muối urat: Kiềm hóa máu để làm tăng độ hòa tan của acid uric bằng uống các nước có kiềm (soda); giữ ấm cơ thể không bị lạnh; kiểm soát tốt các bệnh kèm theo như tăng huyết áp, tiểu đường, rối loạn lipid máu...

 

Người bệnh lưu ý

Điều quan trọng là phải dự phòng cơn gút cấp tái phát bằng chế độ ăn và luôn duy trì nồng độ acid uric máu trong giới hạn bình thường. Người ta thấy cơn gút cấp thường xảy ra sau bữa ăn nhiều thịt, rượu, chấn thương (kể cả đi giày chật). Vì vậy, người bị gút không nên ăn quá 0,8g đạm động vật/kg trọng lượng cơ thể/ngày. Chẳng hạn người 50kg không nên ăn quá 40g đạm động vật/ngày. Một lạng thịt lợn nạc, thịt bò, cá có 20g đạm, vậy không ăn quá 2 lạng thịt động vật/ngày.

Không uống rượu, bia, trong bia có nhiều purin sẽ làm tăng acid uric máu; uống nhiều nước, trên 2 lít/ngày, nên uống các loại nước có bicacbonat.

Định kỳ kiểm tra acid uric máu, dùng thuốc làm giảm acid uric máu như allopurinol, uricozym để duy trì nồng độ acid uric máu trong giới hạn bình thường. Không nên sử dụng các thuốc gây tăng acid uric máu như thiazid, ethambuton, pyrazynamid, aspirin liều nhỏ.

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top