Bệnh suy giảm trí nhớ xảy ra ở nhữngngười trẻ là một dạng bệnh lý liên quan đến vấn đề thoái hóa thần kinh. Các biểu hiện thường gặp bao gồm: kém tập trung, giảm khả năng tư duy và phản xạ, hay quên.
Trong một số trường hợp, có thể thấy người bệnh bị rối loạn diễn tả hành vi như nhắc đi nhắc lại một câu nói, suy nghĩ chậm, khó diễn đạt điều cần nói… hoặc một số thay đổi về cảm xúc dễ nóng giận, nổi cáu, tức giận…
Nhiều người vẫn thường cho rằng suy giảm trí nhớ chủ yếu xuất hiện ở người cao tuổi. Tuy nhiên, các nghiên cứu đã chỉ ra rằng, bắt đầu từ tuổi 25 trở đi, mỗi ngày sẽ có khoảng 3000 tế bào thần kinh chết đi mỗi ngày mà không thể phục hồi được.
Suy giảm trí nhớ ở người trẻ không chỉ khiến công việc và sinh hoạt hàng ngày của người bệnh bị ảnh hưởng mà thậm chí người bệnh còn phải đối mặt với nguy cơ sa sút trí tuệ khi về già. Theo thống kê, có tới 50% số người bị suy giảm trí nhớ chuyển thành sa sút trí tuệ nghiêm trọng chỉ sau 3 năm kể từ lúc bị bệnh.
Không những vậy, cùng với sự thoái hóa hệ thần kinh, những áp lực từ cuộc sống, thói quen sinh hoạt thiếu lành mạnh cũng khiến tình trạng suy giảm trí nhớ ở người trẻ ngày một gia tăng theo thời gian. Về lâu dài, tình trạng suy giảm trí nhớ sẽ trở nên nặng hơn, người bệnh có nguy cơ teo não, mất trí nhớ nếu không được điều trị từ sớm.
Các sóng não được tạo thành trong quá trình ngủ và được vận chuyển đến vỏ não để lưu trữ. Khi không ngủ đủ giấc, não bộ sẽ không được nghỉ ngơi và làm giảm khả năng ghi nhớ những ký ức, từ đó gây ra tình trạng mất trí nhớ ngắn hạn.
Khi làm nhiều công việc trong cùng một thời điểm sẽ khiến não bộ phải phân ra để ghi nhớ các vấn đề khác nhau. Trong khi đó, não bộ chỉ có thể điều khiển và hoạt động tốt khi làm một hoạt động trong một thời điểm. Lâu dần, gây ra tình trạng rối loạn tâm thần, căng thẳng và giảm trí nhớ.
Vitamin B1 có vai trò đảm bảo hệ thần kinh hoạt động bình thường và duy trì sản sinh các chất dẫn truyền thần kinh. Do đó, việc thiếu vitamin B1 có thể gây rối loạn thần kinh dẫn đến mất trí nhớ ngắn hạn, thậm chí là dài hạn.
Lạm dụng rượu bia, hút nhiều thuốc lá hay sử dụng các loại thức uống chứa chất kích thích như cà phê hay nước tăng lực sẽ làm gia tăng các gốc tự do, tăng số lượng tế bào thần kinh chết đi và từ đó gây ra tình trạng suy giảm trí nhớ.
Cuộc sống hiện đại nhiều áp lực, căng thẳng dễ dẫn đến stress. Căng thẳng thần kinh tác động trực tiếp lên trung tâm thần kinh nhận thức ở não, làm giảm đi tốc độ phản ứng với sự vật, dễ làm phân tán tư tưởng và giải quyết chậm chạp. Do vậy, bạn nên chú trọng việc nghỉ ngơi, thư giãn để cải thiện tình trạng suy giảm trí nhớ, mất tập trung.
Khi tình trạng suy giảm trí nhớ chưa tiến triển nghiêm trọng thì cần có biện pháp phòng ngừa từ sớm. Quan trọng nhất là người bệnh vẫn cần duy trị lối sống lành mạnh hơn:
– Tập luyện thể dục thể thao là một cách tốt nhất, giúp tăng cường tuần hoàn máu não, tăng oxy và dưỡng chất lên não. Điều này rất có ích trong việc cải thiện tâm trạng và trí nhớ.
– Hạn chế các nguy cơ gây căng thẳng, stress: Người bệnh nên ngồi thiền, tập yoga, thực hiện các hoạt động thể chất nhẹ nhàng sẽ giúp cải thiện tâm trạng, thúc đẩy lưu thông tuần hoàn máu, thư giãn, giải tỏa áp lực lên hệ thần kinh.
– Chế độ dinh dưỡng hợp lý: Nên hạn chế sử dụng rượu bia, cà phê hay hút thuốc lá. Thay vào hãy dùng các chất béo tốt Omega-3 từ cá và các loại thực phẩm giàu vitamin nhóm B (nấm, sữa, thịt bò, ngũ cốc…), thực phẩm giàu Choline và Theanine (trứng, thịt gia cầm).
– Rèn luyện trí nhớ: Có thể chơi các trò chơi trí tuệ như cờ vua, ô ăn quan… để tăng khả năng ghi nhớ.
Đến đây, hẳn bạn đã nắm được nguyên nhân gây bệnh suy giảm trí nhớ ở người trẻ và các phương pháp phòng ngừa hiệu quả. Những thông tin trên chỉ mang tính tham khảo, không phải là tuyệt đối. Để chăm sóc hệ thần kinh tốt nhất, phòng tránh hoặc điều trị chứng suy giảm trí nhớ, bạn hãy nhớ thăm khám định kỳ tại các chuyên khoa thần kinh.
Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh