Hưởng dẫn đọc nhãn thuốc

Dưới đây là một số hướng dẫn đọc thông tin trên nhãn thuốc và tờ hướng dẫn sử dụng để bạn có thể tránh được những hiểu lầm nghiêm trọng.

 

Hoạt chất và tác dụng

Thông tin ở phần trên cùng của nhãn thuốc hoặc tờ hướng dẫn sử dụng chính là thông tin về hoạt chất và tác dụng.

Hoạt chất chính là thành phần của thuốc có tác dụng điều trị các triệu chứng cùng với nhóm thuốc của thành phần đó, ví dụ như nhóm “antihistamine” hay nhóm thuốc giảm đau. Trong phần này, bạn cũng có thể biết được lượng hoạt chất có trong mỗi liều thuốc.

Kiểm tra thông tin này để đảm bảo rằng bạn không uống thêm các loại thuốc khác với cùng thành phần và để hiểu rằng loại thuốc này sẽ có tác dụng gì với bạn.

 

Chỉ định

Phần này sẽ cung cấp cho bạn những thông tin nhanh về triệu chứng hoặc tình trạng bệnh mà thuốc đó có thể điều trị. Ví dụ, một loại thuốc giảm đau, trong phần chỉ định, sẽ được dùng trong các trường hợp đau răng, đau đầu, đau khớp và đau bụng kinh.

Luôn luôn kiểm tra phần này khi đi mua thuốc để chắc chắn rằng bạn đã mua đúng loại thuốc bạn cần.

 

 

Thận trọng

Đây là một trong số những phần quan trọng nhất của nhãn thuốc hoặc tờ hướng dẫn sử dụng và thường là phần dài nhất.

Phần này sẽ cung cấp cho bạn những thông tin về tính an toàn của thuốc. Bạn sẽ tìm thấy 4 thông tin cơ bản: những ai không nên dùng loại thuốc này, khi nào nên ngừng sử dụng thuốc, khi nào cần gọi bác sỹ và các tác dụng không mong muốn của thuốc.

Phần này cũng sẽ giúp bạn biết được liệu sử dụng thuốc này có an toàn không khi được dùng chung với các thuốc khác hoặc khi bản thân bạn đang có một tình trạng bệnh khác.

 

Cách dùng

Đọc phần này thật kỹ. Phần này sẽ cho bạn biết bạn nên dùng thuốc với liều lượng là bao nhiêu và tần suất dùng thuốc là bao nhiêu lần một ngày (hay còn gọi là liều dùng). Ví dụ như uống 2 viên mỗi 4-6 tiếng.

Không bao giờ được uống nhiều hơn liều ghi trên nhãn mà không hỏi ý kiến bác sỹ.

Hướng dẫn về liều dùng sẽ được chia theo nhóm tuổi, bởi vậy, bạn cũng có thể biết được bạn hoặc con bạn có thể uống bao nhiêu thuốc.

Bạn cũng sẽ có được thông tin về lượng thuốc lớn nhất bạn có thể dùng trong 1 ngày là bao nhiêu.

 

Các thông tin khác

Nhiệt độ và độ ẩm đôi khi có thể làm hỏng thuốc, bởi vậy, không nên bảo quản thuốc ở những nơi ấm, ví dụ như trong nhà tắm hoặc trong ô tô. Phần này cũng sẽ cho bạn biết nhiệt độ để có thể bảo quản thuốc là bao nhiêu.

Phần thông tin này cũng sẽ nhắc bạn về việc kiểm tra sự nguyên vẹn của vỏ/hộp thuốc trước khi dùng, bởi đôi khi, việc vỏ/hộp thuốc bị nứt vỡ chính là một dấu hiệu của thuốc giả.

 

Tá dược

Tá dược là những thành phần có trong thuốc nhưng không trực tiếp điều trị các triệu chứng bệnh.

Tá dược có thể là chất bảo quản, chất tạo màu hoặc hương liệu. Luôn luôn kiểm tra phần nếu bạn hoặc con bạn bị dị ứng với thực phẩm hoặc dị ứng với các chất tạo màu.

Luôn nhớ rằng, các nhãn hiệu thuốc khác nhau của cùng một loại thuốc có thể chứa các thành phần tá dược khác nhau.

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top