Luvox được chỉ định trong các trường hợp: Điều trị bệnh trầm cảm và các triệu chứng của rối loạn trầm cảm; Điều trị các triệu chứng của rối loạn xung lực cưỡng bức ám ảnh (OCD).
Dược chất chính: Fluvoxamine
Loại thuốc: Thuốc hướng tâm thần.
Dạng thuốc, hàm lượng: Viên nén bao phim100mg
Luvox được chỉ định trong các trường hợp:
Điều trị bệnh trầm cảm và các triệu chứng của rối loạn trầm cảm.
Điều trị các triệu chứng của rối loạn xung lực cưỡng bức ám ảnh (OCD).
Cách dùng
Nuốt viên Luvox cùng với nước và không được nhai.
Liều dùng
Trầm cảm:
Liều khởi đầu khuyến cáo là 50 mg hoặc 100 mg, dùng liều đơn vào buổi tối. Tăng liều dần dần cho đến khi đạt được liều có hiệu lực. Liều có hiệu lực thông thường là 100 mg/ngày và nên được điều chỉnh theo đáp ứng của từng bệnh nhân. Liều lên đến 300 mg/ngày đã được dùng. Liều trên 150 mg nên được chia thành nhiều lần uống.
Theo báo cáo của Tổ chức Y tế thế giới, thuốc chống trầm cảm phải được dùng tiếp tục trong ít nhất là 6 tháng sau khi khỏi giai đoạn trầm cảm.
Luvox ở liều đơn cố định hàng ngày 100 mg là liều khuyến cáo để dự phòng trầm cảm tái phát.
Rối loạn xung lực cưỡng bức ám ảnh:
Liều khởi đầu khuyến cáo là 50 mg/ngày dùng trong 3-4 ngày. Liều có hiệu lực thường từ 100 mg đến 300 mg/ngày. Tăng liều dần dần cho đến khi đạt được liều có hiệu lực, tối đa là 300 mg/ngày đối với người lớn và 200 mg/ngày đối với thiếu niên và trẻ em từ 8 tuổi trở lên. Liều lên đến 150 mg/ngày có thể dùng như là liều đơn, tốt nhất là uống vào buổi tối. Tổng liều hàng ngày trên 150 mg nên được chia thành 2 hoặc 3 lần uống.
Bệnh nhân bị suy gan hoặc suy thận phải khởi đầu với liều thấp và phải được theo dõi cẩn thận.
Buồn nôn, đôi khi kèm theo nôn, là triệu chứng thường gặp nhất khi điều trị bằng Luvox. Tác dụng phụ này thường giảm trong hai tuần đầu dùng thuốc. Những tác dụng phụ khác được ghi nhậên trong các nghiên cứu lâm sàng ở những tần suất được liệt kê dưới đây, thường có liên quan đến bệnh trầm cảm và không nhất thiết liên quan đến việc điều trị.
Thường gặp (tần suất 1-5%):
Cơ thể: Suy nhược, nhức đầu, khó ở.
Tim mạch: Đánh trống ngực/Nhịp tim nhanh.
Hệ tiêu hóa: Đau bụng, chán ăn, táo bón, tiêu chảy, khô miệng, khó tiêu.
Hệ thần kinh: Kích động, lo âu, choáng váng, mất ngủ, căng thẳng, buồn ngủ, run.
Da: Ra mồ hôi.
Ít gặp (tần suất < 1%):
Tim mạch: Hạ huyết áp (tư thế đứng).
Cơ xương: Đau khớp, đau cơ.
Hệ thần kinh: Mất điều hòa, lú lẫn, các triệu chứng ngoại tháp, ảo giác.
Niệu sinh dục: Xuất tinh bất thường (chậm).
Da: Ban, ngứa.
Thận trọng khi sử dụng
Chống chỉ định
Quá mẫn cảm với bất kỳ thành phần nào của thuốc.
Chống chỉ định dùng kết hợp viên Luvox với các chất ức chế monoamine oxidase (MAOI).
Việc điều trị bằng Luvox có thể được bắt đầu: 2 tuần sau khi ngưng dùng chất ức chế MAO không thuận nghịch, hoặc vào ngày tiếp theo sau khi ngưng dùng chất ức chế MAO thuận nghịch (ví dụ moclobemide).
Phải cách ít nhất một tuần giữa thời điểm ngưng dùng fluvoxamine và thời điểm khởi đầu dùng bất kỳ chất ức chế MAO nào.
Chú ý đề phòng và thận trọng lúc dùng
Bệnh nhân trầm cảm vốn có khuynh hướng dễ tự tử, điều này có thể kéo dài cho đến khi có sự thuyên giảm bệnh đáng kể.
Bệnh nhân bị suy gan hoặc suy thận phải khởi đầu với liều thấp và phải được theo dõi cẩn thận. Hiếm khi, điều trị bằng Luvox có liên quan với tăng enzyme gan, phần lớn kèm theo các triệu chứng lâm sàng. Trong những trường hợp này phải ngưng điều trị.
Mặc dù fluvoxamine không có đặc tính gây co giật trong các nghiên cứu ở động vật thí nghiệm, cần thận trọng khi dùng thuốc này cho những bệnh nhân có tiền sử bị co giật. Nếu có các cơn động kinh xảy ra thì phải ngưng điều trị bằng Luvox.
Đã có báo cáo trong một số rất ít trường hợp, sự phát triển hội chứng serotonin liên quan với việc điều trị bằng fluvoxamine, đặc biệt là khi dùng kết hợp với các thuốc gây tiết serotonin khác và hội chứng này biến mất tùy theo sự ngưng thuốc và/hoặc điều trị triệu chứng.
Luvox có thể làm chậm nhịp tim không đáng kể (2-6 nhịp/phút).
Đã có các báo cáo về chảy máu dưới da bất thường như bầm máu và ban xuất huyết do các thuốc ức chế tái thu nhận serotonin chọn lọc (SSRI). Cần thận trọng ở những bệnh nhân đang dùng các thuốc SSRI, đặc biệt là khi dùng đồng thời với những thuốc ảnh hưởng đến chức năng tiểu cầu (ví dụ các thuốc chống loạn thần không điển hình, phenothiazine, phần lớn các thuốc chống trầm cảm 3 vòng (TCA), aspirin, các thuốc kháng viêm không steroid (NSAID) cũng như ở những bệnh nhân có tiền sử rối loạn chảy máu.
Ảnh hưởng đến khả năng lái xe và vận hành máy móc:
Luvox với liều đến 150 mg cho thấy không có tác dụng lên kỹ năng tâm thần vận động liên quan với lái xe và vận hành máy móc ở những người tình nguyện khỏe mạnh. Tuy nhiên buồn ngủ đã được ghi nhận trong khi điều trị bằng Luvox. Vì vậy cần thận trọng cho đến khi xác định được đáp ứng của từng cá nhân đối với thuốc.
Tương tác thuốc
Không được dùng phối hợp Luvox với các thuốc ức chế MAO (MAOI).
Luvox có thể kéo dài sự thải trừ các thuốc được chuyển hóa qua sự oxy hóa ở gan. Tương tác có ý nghĩa lâm sàng có thể xảy ra khi phối hợp với những thuốc có chỉ số điều trị hẹp (ví dụ warfarin, phenytoin, theophylline, cyclosporin, tacrine, methadone, clozapine và carbamazepin).
Nồng độ trong huyết tương của benzodiazepine được chuyển hóa qua oxy hóa ở gan có thể tăng lên khi dùng phối hợp với Luvox.
Đã có báo cáo về sự gia tăng nồng độ trong huyết tương trước đây ổn định của các thuốc chống trầm cảm 3 vòng và các thuốc an thần - những chất được chuyển hóa phần lớn qua cytochrome P450 1A2, khi dùng cùng với fluvoxamine. Không khuyến cáo dùng phối hợp những thuốc này với fluvoxamine.
Một số trường hợp riêng lẻ nhiễm độc tim đã được báo cáo khi dùng kết hợp fluvoxamine với thioridazine.
Khi dùng Luvox đồng thời với warfarin trong hai tuần, nồng độ warfarin trong huyết tương tăng lên đáng kể và thời gian prothrombin kéo dài. Do đó bệnh nhân dùng thuốc chống đông máu cùng với luvox phải được theo dõi thời gian prothrombin và điều chỉnh liều thuốc chống đông cho phù hợp.
Cũng như với các thuốc tâm thần khác, bệnh nhân nên tránh uống rượu trong khi dùng Luvox.