✴️ Vị thuốc cây Lanh

Nội dung

Tên tiếng Việt: Lanh

Tên khoa họcLinum usitatissimum L.

Họ: Linaceae (Lanh)

Công dụng: Đau mắt, ho, hen suyễn, cảm lạnh, cầm máu, chữa băng huyết, phong hủi, đau dạ dày (Hạt).

1. Mô tả

  • Cây thảo, sống hàng năm, cao 30 – 60cm. Thân mọc thẳng, nhẵn.
  • Lá mọc so le, không cuống, hình mác, gốc tròn, đầu thuôn nhọn, gân ở gốc lồi rõ.
  • Cụm hoa mọc ở ngọn thân và đầu cành thành xim ít hoa; hoa đều, lưỡng tính, màu xanh lục, màu 5; nhị 10 hơi dính liền ở gốc, 5 nhị sinh sản ở trước các lá đài, ngăn cách bởi những lưỡi nhỏ tương ứng với các nhị không sinh sản ở trước các cánh hoa; bầu 5 ô, mỗi ô 2 noãn, trong mỗi ô lại xuất hiện một vách giả giữa 2 noãn làm cho bầu trở thành 10 ô.
  • Quả nang mang đài tồn tại; hạt dẹt, màu nâu bóng.

2. Phân bố, sinh thái

Các loài thuộc chi Linum L. hầu hết là cây thảo sống một năm hoặc cây bụi nhỏ, phân bố ở một số vùng thuộc khu vực ôn đới ấm, cận nhiệt đới Bắc bán cầu. Một số loài được trồng làm cảnh như Linum bienne Mill. (L. angustifolium Huds.); L. grandiflrorum Desf. hoặc được trồng để lấy dầu hạt như L. usitatissimum L. (cây lanh).

Lanh là loại cây ngắn ngày và mọc nhanh. Ở Ấn Độ, người ta thường gieo trồng lanh vào tháng 10-11 và thu hoạch hạt vào tháng 2-4. Trước đây, ngành nông nghiệp đã nhập hạt giống lanh về trồng ở Sa Pa (Lào Cai), nhưng nay không còn nữa.

3. Bộ phận dùng

Hạt và dầu từ hạt.

Bộ phận dùng

4. Thành phần hóa học:

Hạt lanh:

  • Hạt lanh chứa nước 6,6%, protein 20,3%, dầu béo 37,1%, carbohydrat 28,8%, chất xơ 4,8%, chất vô cơ 2,4%, Ca 0,17%, P 0,37%, Fe 2,7% mg/100g, carotene (tính theo vitamin A 50 đơn vị quốc tế (100g), thiamin, riboflavin, niacin, acid pantothenic, cholin.
  • Hạt chứa nhiều glutelin, không có albumin. Các chất có N gồm proteose và pepton. Có nhiều arginine và acid glutamic. Các acid amin chính trong protein của hạt (tính theo g/16g N) là arginine 8,4g, histidine 1,5g, lysin 2,5g, tryptophan 1,5g, phenylalanine 5,6g, methionine 2,3g, threonine 5,1g, leucine 7g, isoleucine 4g và valin 7g. Các carbohydrat có trong hạt chủ yếu là đường (sucrose và rafinose), cellulose và chất nhầy. Chất nhầy là muối Ca.
  • Hạt còn chứa phytin 6,4% so với nguyên liệu đã loại chất béo, lecithin 0,88% so với toàn hạt, sáp, chất nhựa, các sắc tố, acid malic và các enzyme lipase, protease và diastase.
    Hạt được sản xuất chủ yếu để ép dầu. Dầu ép nguội có màu vàng nhạt, dầu ép nóng có màu vàng nâu, đôi khi bị đục. Dầu hạt lanh chứa acid palmitic 8,2%, acid stearic 6,8%, acid arachidic 0,5%, acid oleic 13,9%, acid linoleic 14,4%, acid linolenic 56,2%.

Dầu hạt lanh:

  • Dầu hạt lanh chứa 25% phosphatide gồm lecithin và cephalin. Các acid béo trong phosphatid gồm lecithin và caphalin. Các acid béo trong các phosphatid toàn phần là acid palmitic 11%, acid stearic 11%, acid hexadecenoic 4%, acid oleic 34%, acid linoleic 20%, acid linolenic 17%.
  • Dầu hạt lanh còn chứa các chất sáp gồm acid stearic 18,7%, acid cerotic 32,5%, acol cerylic 43,1% và hydrocarbon. Các protein chính trong hạt là các globulin: linin và colinin.
  • Dầu lanh có chỉ số iod 190 cao hơn được coi là có chất lượng cao. Chỉ số iod trong dầu lanh cao hơn các dầu béo khác.

Hạt sau khi loại chất béo được dùng để chiết xuất chất nhầy với hiệu suất 3-10% được ứng dụng trong ngành mỹ phẩm và ngành dược.

Lá, thân, rễ và hoa cũng có linamarin.

5. Tính vị, công năng

Hạt lanh có vị ngọt, tính bình, có tác dụng nhuận táo, khứ phong, lợi tiểu.

6. Công dụng

Hạt lanh được dùng làm thuốc chữa ngứa, phong hủi, đau đầu, tiểu tiện không thông.

Trong y học dân gian Ấn Độ, hạt lanh được coi là thuốc làm dịu, làm mềm da, long đờm, lợi tiểu và có tác dụng làm săn sau khi rang.

  • Toàn bộ hạt có tác dụng nhuận tràng.
  • Nước hãm nhầy hạt lanh, gọi là chè hạt lanh, dùng uống là thuốc làm dịu trong cảm, ho, viêm phế quản, viêm đường tiết niệu, bệnh lậu và tiêu chảy.
  • Hạt lanh rang nghiền và tán bột, uống mỗi ngày 20 – 25g trộn với lượng đường tương đương, chia làm 3 lần, để trị lỵ.
  • Hạt lanh giã nát đắp trị viêm tại chỗ, loét, làm mụn nhọt chóng mưng mủ và cũng có tác dụng với viêm phế quản, viêm ở chỗ sâu khác, viêm do gút và thấp khớp. Bôi dầu trước lên chỗ đắp hạt lanh giã nát để tránh thuốc đắp dính vào da.

Ở Achentina, nước hãm hạt lanh được dùng uống trị khó tiêu.

Ở Italia, nước sắc hạt lanh là thuốc sát khuẩn, và dầu hạt lanh bôi xoa chữa trĩ.

Ở châu Phi, nhân dân dùng hạt lanh trị ho, hen suyễn, viêm dạ dày, táo bón, sởi, chốc lở, áp xe. Có thể sắc nước uống hoặc nhai hạt và nuốt nước. Dùng ngoài, lấy hạt giã đắp hoặc nấu nước rửa.

Ở Angiêri, người ta uống nước sắc hạt lanh làm thuốc nhuận tràng, chống hen, và dùng bột hạt lanh đắp ngoài trị áp xe.

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top